Ảnh minh họa


Về phía gia đình của tôi, ngoài việc cùng cha lo toan làm lụng hơn mẫu ruộng khoán của hợp tác xã thì mẹ tôi lấy công việc làm hàng xáo để phụ giúp thêm cho kinh tế gia đình. Không giống những gia đình khác chỉ làm công việc này vào những lúc nông nhàn, mẹ tôi hầu như quanh năm suốt tháng đều làm hàng xáo. Kể cả khi đó là mùa màng bận rộn nhất, thì bà vẫn khéo léo sắp xếp thời gian để tranh thủ làm thêm. Nghề làm hàng xáo là công việc mua đi bán lại, tức mẹ tôi đi mua thóc của mọi gia đình có nhu cầu bán mang về xay giã (về sau này là xay xát), rồi sau đó mang số gạo ấy ra chợ bán để lấy tiền quay vòng làm tiếp.

Công việc làm hàng xáo vốn rất vất vả, tốn khá nhiều thời gian trong khi lời lãi chẳng được bao nhiêu. Những năm tôi còn nhỏ, nghề làm hàng xáo của mẹ cũng như những người phụ nữ trong làng vất vả hơn nhiều. Lúc đó chưa có máy xay xát, nên khi mua thóc về phải đổ vào cối tự xay thủ công cho vỏ trấu bóc tách ra khỏi hạt gạo, rất mất thời gian. Có khi xay hết tạ thóc mất tới cả tiếng đồng hồ. Rồi sau khi xay xong, lại phải sàng sảy cho vỏ trấu bay hết, rồi mới mang gạo bỏ vào chiếc cối lớn có cần dài để giã bằng chân đạp. Khoảng thời gian để giã hoàn thiện một cối gạo vài chục ký cho tới khi gạo trắng này cũng mất cả giờ đồng hồ. Và nữa, sau khi phần gạo giã đã trắng, vỏ cám bao bọc bên ngoài hạt gạo bong tróc ra hết thì lại múc gạo lên để giần cho ra cám và các mảnh tấm vỡ còn sót lại lọt xuống nia, cũng như sảy cho sạch mày trấu... Nói chung, để hoàn thành một mẻ gạo từ lúc còn là những hạt thóc, cho tới khi sản phẩm gạo có thể mang bán được là cả một quá trình đổ nhiều mồ hôi sức lực. Chính vì vất vả như vậy, nên nghề làm hàng xáo của mẹ luôn có sự trợ giúp đắc lực của cha cùng với mấy anh chị em chúng tôi. Anh cả tôi hơn chục tuổi thường cùng chị hai phụ mẹ xay thóc, còn tôi và đứa em út thì lo giúp mẹ sửa soạn giần, sàng, thúng, mủng...

Những năm sau này đã có máy xay xát liên hoàn thì công việc làm hàng xáo của mẹ tôi nhàn nhã hơn rất nhiều khi chỉ cần chở mấy bao thóc ra hàng xay xát, trả một ít tiền công là đã có ngay một mẻ gạo trắng sạch cho buổi chợ ngày hôm sau. Sự xuất hiện của máy xay xát liên hoàn quá tiện lợi khi gạo trắng ra một đằng, cám, trấu tuôn ra các nẻo khác nhau. Đã vậy, khi trước mẹ tôi chỉ làm hàng xáo mỗi mẻ chừng khoảng một tạ thóc thì với máy xay xát liên hoàn, mỗi phiên hàng xáo mẹ tôi làm tới vài tạ, thậm chí nhiều bữa lên tới ba tạ thóc.

Tôi thích nhất là mớ tấm gãy từ những hạt gạo qua các phiên hàng xáo của mẹ. Nhờ có tấm gạo nhỏ li ti thu được ấy mà nhiều độ giáp hạt, bảy miệng ăn trong gia đình tôi không bị đứt bữa. Khi nhà hết gạo, mẹ thường mang tấm nấu kèm với ngô bung, hay khoai lang đánh xéo. Đôi khi bà lại đổi món mang tấm gạo nấu cháo. Nói chung, nhờ nghề làm hàng xáo của mẹ mà cả nhà tôi có cơm cháo ăn đều đặn, chứ hiếm khi chỉ phải ăn khoai, ngô... Nghề làm hàng xáo của mẹ còn “gánh” đàn con học hành nên người chứ không để chúng tôi phải bỏ học nửa chừng như nhiều đứa trẻ quê khác. Chính số cám gạo thu được qua các phiên hàng xáo mẹ được tận dụng nuôi lợn, chăm gà mau lớn để rồi cha mẹ bán đi lấy tiền lo cho con cái ăn học.

Thấm thoắt mà mẹ tôi đã qua đời được mười năm rồi, cuộc sống của chúng tôi hiện đủ đầy mọi thứ nhưng những buổi phụ mẹ làm hàng xáo kia không khi nào phai mờ trong lòng chúng tôi.

Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn