Bà Hiệu đặt đôi tay trần lên đống đất sét đang nằm vô hồn trên bàn xoay gỗ dày như tấm thớt. Sau vài phút nói chuyện với khách tham quan bằng ánh mắt vui vẻ, những nếp nhăn với đồi mồi trên da mặt bà dường như căng lại, bà đặt tay lên đống đất sét, từ từ di chuyển. Bỗng chốc, đống đất vô hồn kia thành hình hài.

Kể từ lúc đặt tay lên đất, bà gần như không quan tâm đến mọi chuyện xung quanh. Những du khách từ phương xa cũng không để tâm đến gì khác, ngoài tập trung ngắm nhìn bàn tay người phụ nữ 80 tuổi nhịp nhàng theo từng thớ đất. Thật khó để hình dung, làm sao bằng đôi tay ấy, không khuôn mẫu, lại nắn nót biến đống đất thành chiếc chậu, tròn như trăng đêm rằm và không để lại bất kỳ tỳ vết nào chỉ sau vài phút. 

Rồi bà ngẩng mặt lên, cười nói với cả đoàn khách, về cuộc đời của mình, về nghề gốm đã theo bà ngót nghét 70 năm.

Nghề gốm cổ truyền là nét văn hóa quan trọng trong di sản của người Chăm. Theo thời gian, đến nay gốm Chăm chỉ còn tồn tại chủ yếu ở làng Bàu Trúc (tỉnh Ninh Thuận) và làng gốm Bình Đức (tỉnh Bình Thuận). Làng gốm Bàu Trúc là điểm đến nổi tiếng với du khách trong và ngoài nước, còn làng gốm Bình Đức là điểm du lịch khá mới mẻ với nhiều du khách. 

Gốm Chăm Bình Đức còn được gọi là gốm Gọ, trong tiếng Chăm nghĩa là cái nồi. Làng nằm ở thôn Bình Đức, xã Phan Hiệp, huyện Bắc Bình, cách thành phố Phan Thiết hơn 65 km. Đến đây, du khách có dịp chứng kiến nghệ thuật làm gốm theo phương pháp cổ truyền của những nghệ nhân Chăm. Xưa kia, nghề làm gốm chỉ dành riêng cho những người phụ nữ Chăm có tay nghề khéo.

                     Nghệ nhân Đơn Thị Hiệu mô tả quá trình làm gốm Chăm. Ảnh: Ngân Dương.

Đến làng gốm Gọ, du khách thường được gợi ý ghé thăm nhà nghệ nhân Đơn Thị Hiệu (82 tuổi) để tham quan và nghe bà kể chuyện. Bà đã gắn bó với gốm gần 70 năm và được mệnh danh là người có tay nghề khéo nhất Bình Thuận. Cha mẹ mất sớm, từ nhỏ, bà đã bắt đầu đi học nghề trong làng, xem mọi người làm rồi học theo.

Nhờ sự chăm chỉ mà tay nghề của bà phát triển rất nhanh. Năm 1996, nghệ nhân từng được mời sang Nhật Bản trình diễn kỹ thuật nung gốm trong hội chợ về làng nghề truyền thống. Theo lời kể của bà, các nghệ nhân gốm Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Ðộ, Thái Lan, Philippines... đã rất khâm phục cách nung gốm thủ công ngoài trời của người Chăm.

Người Chăm làng Gọ không dùng lò nung gốm. Họ không dùng than, quạt gió mà sản phẩm vẫn chín đều, không vỡ, không nứt. Những sản phẩm gốm Chăm có hai loại, gốm gia dụng như nồi, niêu, chảo... và gốm mỹ nghệ. Tuy nhiên, sản phẩm gốm gia dụng được người dân tại đây ưa chuộng hơn.

 

Quy trình làm gốm truyền thống của người Chăm bao gồm nhiều khâu, bà Hiệu gọi nghề này "vất vả mà bán chẳng được bao nhiêu". Đầu tiên là việc chọn đất và lấy đất. Dân làng phải đi hơn chục cây số để tìm vùng có đất sét tốt. Đất sét thường được lấy ở độ sâu 2 m, có màu vàng óng ánh như pha với kim loại. Đất mang về được chất thành đống, đập cho nát vụn, tưới nước rồi ủ trong 2 ngày cho đất thật dẻo. Sau đó, đất được mang ra nhồi, khi nhồi pha trộn thêm một tỉ lệ cát mịn vừa đủ, vì vậy gốm Chăm vừa có độ dẻo, vừa có độ giòn.

Sau khi đất mềm nhuyễn, nghệ nhân lấy một khối đất sét nhỏ, đưa lên bàn xoay đứng, cao tới bụng. Du khách sẽ thấy đây là nét riêng của gốm Chăm, bởi khi tạo hình, người làm gốm sẽ đi vòng quanh sản phẩm để tạo hình thay vì ngồi và xoay như cách làm gốm ở nhiều nơi khác. Khi sản phẩm đã thành hình sẽ được phơi khô một ngày dưới nắng. Nghệ nhân dùng khoanh tre mảnh và miếng giẻ nhỏ chà xát sản phẩm cho thật bóng, tròn, sau đó mang ra bãi nung ngoài trời. Thông thường người Chăm có một bãi nung tập thể và khoảng 3 - 4 ngày, mọi người sẽ dồn sản phẩm lại để cùng nung. 

Đất sét ở Bình Thuận không chịu được nhiệt độ cao của lò nung nên phải đưa ra ngoài trời, lợi dụng sức gió. Người thợ xếp xen kẽ lớp gốm, đến lớp củi pha rơm. "Trời nắng, gió to nung gốm rất đẹp, chín đều. Còn nếu trời mưa sẽ ko đều, có khi mưa bất chợt thì hỏng hết, nồi, niêu lại trở về thành đất", bà Hiệu chia sẻ. 

Bằng đôi mắt kinh nghiệm của những người nung gốm, họ sẽ biết lúc nào sản phẩm chín để vớt ra. Bởi nếu để nhiệt độ lên cao hơn, sản phẩm sẽ bị méo, hoặc một nửa chín một nửa sống. Kỹ thuật nung cần những người giỏi, có tay nghề cao thì sản phẩm mới đẹp. Nếu muốn xem quá trình nung gốm, vào mùa hè du khách nên đến vào khoảng 10h30 bởi đây là lúc nắng lớn và có gió nên người thợ sẽ thường nung vào thời gian này. 

Hoa văn trang trí gốm Chăm cũng rất độc đáo. Người Chăm dùng phẩm nhuộm tự nhiên từ lá cây, trái cây rừng hoặc đất đỏ. Họ nhặt nhạnh lá cây, vỏ cây trên rừng, mang về ngâm nước khoảng 5 - 6 ngày. Lúc vớt gốm ra, họ lấy nước vẩy lên sản phẩm, tạo thành những vệt hoa văn màu đen, đỏ ngẫu nhiên. 

Những vệt hoa văn từ phẩm màu tự nhiên trên gốm Chăm. Ảnh: Ngân Dương.

 

Vuốt nhẹ mái tóc đã bạc trắng, bà Hiệu nhíu mày và cười: "Mất 4 ngày mới hoàn thành được một sản phẩm. Các công đoạn lấy củi, lấy đất, lấy đồ màu rất vất vả nên sau này mọi người đi làm văn phòng cả. Giờ trong làng chỉ còn khoảng 3 - 4 hộ làm gốm". 

Cuộc sống hiện đại với nhiều sản phẩm nhôm, sành sứ công nghiệp ra đời nên mọi người ít có nhu cầu dùng gốm. Tuy nhiên, tình yêu của bà Hiệu dành cho gốm Chăm mấy chục năm nay không thay đổi, dù nghề gốm lắm nhọc nhằn.

Nghệ nhân Đơn Thị Hiệu vẫn còn đến Trung tâm trưng bày văn hóa Chăm trên địa bàn xã để trình diễn kỹ thuật làm gốm cho du khách tham quan và một số đoàn nghiên cứu. Ngoài ra, bà cũng truyền nghề cho nhiều người trong thôn Bình Đức, để họ có thể tiếp tục phát triển nghề gốm và giới thiệu với du khách. Đôi mắt bà vẫn sáng lên khi kể về gốm, và gốm vẫn đóng một phần quan trọng trong đời sống văn hóa của người Chăm. 

Theo vnexpress