Trong cuốn “Trần Tử Bình - từ Phú Riềng đỏ đến mùa thu Hà Nội” xuất bản năm 2006 của Nhà xuất bản Lao động, người con trai Trần Việt Trung đã viết về mẹ mình: Mẹ sinh ra trong gia đình nhà nho. Mẹ bị ông ngoại nhận lời gả cho một nhà khá giả ở làng, người này kém mẹ 4 - 5 tuổi nên mẹ bỏ ra ở chùa làng. Được già Đồi giác ngộ cách mạng, mẹ đi đưa thư và canh gác cho hội họp bí mật. Rồi một đêm, mẹ cắp chiếc nón rách, men theo bờ đê rồi vứt nón lại giả như đã nhảy xuống sông tự vẫn, trốn qua Nam Định, tham gia cách mạng từ năm 1936, trở thành đảng viên cộng sản năm 1939. Khi đó mẹ tròn 19 tuổi.

Sau khi thoát ly, bà Nguyễn Thị Hưng lấy bí danh là “Tân”, được tổ chức giao nhiệm vụ làm liên lạc cho Liên C (Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình) của Xứ ủy Bắc Kỳ. Dù là phận gái nhưng bà luôn nỗ lực vượt lên khó khăn, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao. Thời kỳ hoạt động bí mật, bà len lỏi khắp nơi, đưa thư từ, tài liệu giữa Liên C và bắt đầu tham gia gây dựng cơ sở cách mạng tại các tỉnh Hà Nam, Ninh Bình.

Cuối tháng 12/1943, Bí thư Liên C kiêm Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam Trần Tử Bình bị bắt, bà đứng ra tiếp tục chỉ đạo phong trào cách mạng Hà Nam. Mật thám Pháp biết tin, lùng sục khắp nơi, treo thưởng cho ai bắt được bà. Suốt những năm tháng hoạt động bí mật, với sự mưu trí, dũng cảm, khôn khéo, bao lần bà đã thoát khỏi vòng nguy hiểm cận kề.

tran-tu-binh.jpg
Thiếu tướng Trần Tử Bình.

Ông Trần Tử Bình bị bắt rồi bị giam ở các nhà tù Phủ Lý, Ninh Bình và cuối cùng là Hỏa Lò (Hà Nội). Sau ngày Nhật đảo chính Pháp, ông tham gia tổ chức cuộc “đại vượt ngục” cho hơn 100 tù chính trị Hỏa Lò trở về với phong trào. Tại Ninh Bình, tổ chức đã tác hợp cho ông bà xây dựng gia đình.

Sau nạn đói khủng khiếp năm 1945, cả nước hừng hực khí thế chuẩn bị cho tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Bà được Xứ ủy Bắc Kỳ cử về hoạt động tại huyện Kim Động (Hưng Yên), lãnh đạo phong trào cách mạng ở đây. Thời gian này, dù đang mang thai, sắp đến ngày sinh nhưng bà vẫn kiên trì cùng với cơ sở cách mạng tổ chức các đội tự vệ vũ trang, tự trang bị súng ống, gậy gộc, luyện tập võ thuật, chuẩn bị cho ngày khởi nghĩa.

Tháng 5/1945, bà lãnh đạo quần chúng cướp kho thóc Nhật ở Đống Long, Kim Động để cứu đói nhân dân. Từ sự kiện này, phong trào kháng Nhật ở Hưng Yên mạnh lên như vũ bão. Sau khi lãnh đạo cuộc khởi nghĩa thành công ở Kim Động, đêm ngày 22/8/1945, bà cùng quần chúng các huyện đổ về trung tâm tỉnh Hưng Yên. Đến trưa ngày 23/8/1945, khởi nghĩa giành chính quyền ở Hưng Yên thành công. Cũng từ ngày ấy, bà lấy tên Hưng (Nguyễn Thị Hưng) để kỷ niệm những tháng ngày hoạt động cách mạng trên đất Hưng Yên.

Sau ngày Cách mạng tháng Tám thành công, bà tạm về gia đình cơ sở ở Bần Yên Nhân sinh con. Được ít ngày, bà phải gửi đứa con còn đỏ hỏn lại cho ông bà Tám nuôi dưỡng để đi nhận công tác Bí thư Phụ nữ Hưng Yên, sau đó tiếp tục được phân công lên Bắc Giang, Phú Thọ, Thái Nguyên tham gia xây dựng phong trào phụ nữ cứu quốc… Còn chồng bà - ông Trần Tử Bình nhận nhiệm vụ tiếp quản Trường Quân chính kháng Nhật (tiền thân của Trường Sĩ quan lục quân I).

1.jpg
Bà Nguyễn Thị Hưng - vợ Thiếu tướng Trần Tử Bình gặp lại Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại buổi gặp mặt cán bộ từng công tác ở Việt Bắc thời kỳ kháng chiến chống Pháp.

Năm 1951, để tạo điều kiện hợp lý hóa gia đình, tổ chức cho bà nhập ngũ, về công tác tại trường Lục quân Việt Nam. Sau 1954, hòa bình lập lại ở miền Bắc, bà phục viên về công tác tại bộ Ngoại thương.

Nhà báo Hữu Việt (Báo Phụ nữ Thủ đô) từng viết về gia đình Thiếu tướng Trần Tử Bình: Trong giai đoạn cách mạng ấy, có lẽ hiếm thấy những cặp “đồng chí chồng, đồng chí vợ” như ông bà Trần Tử Bình - Nguyễn Thị Hưng. Ông bà không chỉ là những người đồng chí chung lý tưởng mà còn trực tiếp lãnh đạo các cuộc khởi nghĩa, chồng Hà Nội - vợ Hưng Yên. Cuộc đời của ông bà gắn liền với những sự kiện quan trọng của một giai đoạn cách mạng hào hùng nhất trong lịch sử dân tộc…

Đối với Thiếu tướng Trần Tử Bình, ông đã trải qua các cương vị: Phó Giám đốc, Chính trị ủy viên Trường võ bị Trần Quốc Tuấn (1946), Phó Bí thư Quân ủy Trung ương (1947), Chính ủy Trường Lục quân Việt Nam tại Trung Quốc (1951 - 1956), Tổng Thanh tra Quân đội kiêm Phó Tổng Thanh tra Chính phủ (1956 - 1958), Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Trung Quốc (1959 - 1967). Còn bà công tác tại Bộ Ngoại thương đến khi về hưu (1976).

Trong công tác cũng như trong cuộc sống đời thường, bà luôn giữ vững phẩm chất được tôi luyện trong suốt cuộc đời theo cách mạng, tận tụy với công việc, gần gũi, chân tình với đồng chí, đồng nghiệp. Bà đã trở thành hậu phương vững chắc để chồng cống hiến, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.

Theo phunuvietnam.vn