Nhà sử học Pháp Pierre Journoud. Ảnh: Marc Bambe

 

Là Giáo sư chuyên ngành Lịch sử đương đại tại Đại học Paul Valéry - Montpellier 3, thành viên Trung tâm Lịch sử châu Á đương đại Trường Đại học Paris I Phanthéon Sorbonne. Ông là tác giả của gần 20 bài báo, công trình nghiên cứu về Việt Nam và quan hệ Việt - Pháp, trong đó có những cuốn sách lịch sử công phu như: Tướng De Gaulle và Việt Nam: 1945 - 1969, Hòa giải (2011), Hồi ức Điện Biên Phủ: Các nhân chứng lên tiếng (2004).

Ông cũng là cái tên quen thuộc trong vai trò điều phối các chương trình liên quan đến chiến tranh và đặc biệt là Điện Biên Phủ ở Việt Nam. Trong 15 năm nay, ông thường xuyên tới Việt Nam để nghiên cứu và tham gia các cuộc hội thảo, tọa đàm về các chủ đề lịch sử quan hệ giữa hai nước.

Mới đây, Pierre Journoud đã cho ra mắt cuốn sách dày 475 trang mang tên "Điện Biên Phủ - Nơi tận cùng thế giới". Dưới góc nhìn mới mẻ của mình, Journoud đã phân tích nguyên nhân dẫn đến chiến thắng lịch sử của Việt Nam, sự thua cuộc của Pháp cũng như ảnh hưởng của chiến thắng Điện Biên Phủ tới những thuộc địa khác của Pháp.

Bìa cuốn "Điện Biên Phủ, nơi tận cùng thế giới".

Tư duy chiến tranh độc đáo của người Việt

Chương đầu tiên của cuốn sách tập trung vào phân tích tư duy chiến lược quân sự của người Việt được hun đúc qua nhiều đời.

Ở đây, tác giả đi sâu vào tìm hiểu các khía cạnh văn hoá, dân tộc và địa lý đã hình thành nên cách mà người Việt phản kháng trước sức ép bạo lực từ bên ngoài. Từ đó, người Việt đã đúc rút nên một tư duy chiến tranh độc đáo của riêng mình, như thuyết chiến tranh du kích, chiến tranh tâm lý, chiến tranh nhân dân, các khái niệm “thời cơ”, “tâm công”, “vừa đánh vừa đàm”.

Theo nhà sử học Pháp, nghệ thuật chiến tranh Việt Nam đã được hình thành và bồi đắp từ chính thực tế lịch sử khắc nghiệt, với nhiều thế kỉ bị xâm lược, đô hộ bởi những thế lực hùng mạnh gấp nhiều lần. Và ông tin rằng, chính kinh nghiệm được hun đúc từ những cuộc đối đầu không cân sức này đã tạo nên sức mạnh để Việt Nam đánh bại đội quân phương Tây, như quân đội viễn chinh Pháp.

Hội chứng Đông Dương

Ở những chương tiếp theo, tác giả không chỉ nói về diễn biến chiến dịch Điện Biên Phủ, mà còn chú trọng khai thác những câu chuyện từ những nhân chứng sống trở về từ trận địa. Đó là ký ức ám ảnh của anh lính trẻ người Pháp "rằng chỉ muốn đào đất chui xuống khi bị pháo của Quân đội nhân dân Việt Nam dội như ngày tận thế".

Đó cũng là những tâm sự của những người lính bên thắng trận, như anh bộ đội Đỗ Ca Sơn khi bắt tay những lính Pháp, gọi đó là cái bắt tay với một kẻ bại trận hơn là một kẻ thù.

Nhiều nhân chứng sống đã chia sẻ câu chuyện của mình trong cuốn sách của nhà sử học Pháp.

Sau tất cả, nhà sử học Pháp nhận định, Điện Biên Phủ vẫn là một thất bại đau đớn của Pháp, mở màn cho sự chấm dứt của thế giới mang tên "thực dân phương Tây". Điện Biên Phủ cũng là khởi nguồn cho “hội chứng Đông Dương” (sang chấn tâm lý khi bị đánh bại, bị bắt làm tù binh và buộc phải rời khỏi Đông Dương của các sĩ quan Pháp).

Điện Biên Phủ không chỉ có ở Việt Nam

"Điện Biên Phủ" trong cuốn sách của sử gia Pháp không chỉ giới hạn ở Việt Nam, và cũng không chỉ thuộc về thế kỉ 20. Tác giả đã sử dụng hình ảnh Điện Biên Phủ để liên hệ tới chuỗi thất bại thảm hại của Pháp tại hàng loạt thuộc địa sau đó, điển hình như Algeria.

Trong thế kỉ 21, "Điện Biện Phủ" cũng hiện diện như một lời cảnh báo về thất bại khi Pháp có dự định can dự vào những cuộc chiến ở các nước khác, như Afganistan (2008).

Khép lại cuốn sách cũng là lúc quá khứ được khép lại. Trong phần cuối, tác giả phản ánh hiện tại và tương lai của Việt Nam, Pháp khi hai bên cùng dũng cảm vượt qua những ký ức đau thương để xây dựng tình hữu nghị ngày một tốt đẹp.

Theo thoidai