Phạm Hồng Linh - ẢNH NVCC

Lạc lối trong tiếng dệt cói

Video art Lạc lối trong tiếng dệt chiếu cói bắt đầu. Màn hình hiện dần ra những sọc dọc mảnh. Sau đó, lần lượt những sợi ngang nhiều màu hiện lên, đan dần vào những sọc dọc đó như đan nong mốt. Sợi xanh, sợi hồng điều, sợi tím, sợi vàng… Một chiếc chiếu cói dần dần hình thành.

Trong suốt thời gian đó, tiếng xào xạc của cây cói (cây lác), tiếng quẹt trên sân của cói khi phơi, khi nhuộm không bao giờ dứt cả. Cả video dài 30 phút, để công chúng có thể hình dung về nghề dệt chiếu, về việc những nghệ nhân đã dệt ra sao.

Đó là một trong những tác phẩm của nhà thiết kế Việt Phạm Hồng Linh tham gia Area Code - hội chợ triển lãm trực tuyến đầu tiên giới thiệu các nghệ sĩ đương đại ở vùng New England, đông bắc Hoa Kỳ.

“Triển lãm hoàn toàn miễn phí cho cả nghệ sĩ và người xem, là một sự kiện phối hợp những công trình sáng tạo và thử nghiệm của một nhóm các nhà giám tuyển tại Boston. Area Code trưng bày các tác phẩm của những gallery nghệ thuật truyền cảm hứng nhất, các tổ chức phi lợi nhuận, và các nghệ sĩ độc lập không đại diện cho gallery nào”, Linh cho biết.

Tại Area Code, Linh có video art Lạc lối trong tiếng dệt cói và 4 bức tranh đồ họa làm bằng lập trình máy tính. “Tất cả đều được lấy cảm hứng từ những chiếc chiếu cói nhiều màu được dệt tay ở làng Cẩm Nê, Đà Nẵng. Đây là một nghề truyền thống được coi là di sản phi vật thể đang bị mai một dần. Đến nay chỉ còn một gia đình làm nghề ở đây. Bà Phan Thị Đào nghệ nhân dệt chiếu đã ngoài 80. Không biết mai đây có còn ai trong gia đình bà hay những dân làng khác tiếp tục theo nghề”, Linh chia sẻ.

Về tác phẩm video của mình, Linh nói: “Thật ra kỹ thuật dệt chiếu Việt Nam và lập trình máy tính đó có nhiều điểm chung. Trước khi dệt chiếu, người nghệ nhân phải bàn tính bố cục thiết kế, từng dòng đều phải tính toán xem là lá cói màu gì để làm nên được đúng họa tiết đặc trưng của tác phẩm. Quá trình đó giống như là những bước khi tạo ra một lập trình máy tính vậy. Linh muốn tìm những điểm chung này của hai đầu thế giới, và kết hợp nó để tạo ra một cách nhìn mới về hai ngành tưởng chừng như rất khác nhau”.

Những bức tranh còn lại thể hiện chiếc chiếu đều có giá đính kèm để bán. Linh dự kiến tiền bán tác phẩm sẽ gửi về cho làng Cẩm Nê (H.Hòa Vang, Đà Nẵng) để ủng hộ nghề dệt chiếu bằng cây cói ở đây. Hiện tại, một số tác phẩm tranh in đã được bán.

Phạm Hồng Linh và tác phẩm tranh in chiếc chiếu của mình - ẢNH NVCC

Nỗi nhớ truyền thống

Linh tâm sự, cô cố tình làm tác phẩm dài tới 30 phút để nhấn vào quá trình dệt chiếu kéo dài cả ngày của nghệ nhân. “Nếu mọi người có thể dành một vài giờ để xem một cuốn phim, thiết nghĩ cũng có thể dành nửa giờ để dõi theo từng cọng cói được đan vào nhau, cùng với tiếng xào xạc của rừng lác và tiếng khung cửi trước đây đã là nhịp đập của làng Cẩm Nê. Linh mong là từng người xem có thể cảm nhận khác nhau, tuỳ vào tâm trạng và ký ức của mỗi người, về chiếc chiếu cói này”, cô nói.

Với Linh, ký ức về chiếc chiếu là ký ức ngọt ngào: “Lúc tôi còn nhỏ, nhà lúc nào cũng có chiếu xếp lại ở góc nhà, lúc thì dùng để gia đình ngồi ăn cơm cùng nhau, lúc thì để ngủ trưa mùa hè cho mát. Mẹ lại nấu ăn rất giỏi nên lúc nào mâm cơm cũng đầy đủ màu sắc”.

Tuy nhiên, ký ức về những chiếc chiếu ở Cẩm Nê với nhiều người Đà Nẵng lại không đậm đà như vậy. “Lúc tôi tìm hiểu về chiếu dệt Việt Nam, chiếu Cẩm Nê để lại ấn tượng bởi màu sắc đặc trưng. Tìm hiểu thêm về làng nghề, tôi biết dưới triều Nguyễn, chiếu Cẩm Nê rất được yêu chuộng. Vậy mà bây giờ, chỉ còn 1 gia đình theo nghề... Tôi có 2 người bạn sinh ra và lớn lên ở Đà Nẵng đều chưa từng nghe qua về làng Cẩm Nê, thấy thật tiếc cho một nghề nghệ thuật truyền thống. Hai bạn cỡ bằng tuổi tôi, nên chắc là giới trẻ bây giờ cũng sẽ không biết nhiều về ngành này...”, Linh tâm sự.

Dường như được đánh thức, những bức tranh và video art của Linh đã gây tò mò cho nhiều người trẻ. “Tuy chiếc chiếu rất gần gũi với nhiều thế hệ người Việt, nhưng không nhiều người quan tâm đến nghề dệt chiếu. Những bức tranh và video art của tôi đã gợi trí tò mò cho nhiều bạn trẻ. Linh có một cô bạn sinh ra và lớn lên ở Đà Nẵng, nhưng chưa từng nghe về làng Cẩm Nê. Sau khi xem tranh, bạn đã muốn tìm hiểu thêm về nghề dệt chiếu thủ công. Hy vọng sẽ có nhiều người nhờ xem tranh mà quan tâm và dành sự giúp đỡ cho nghề truyền thống này”, Linh nói.

Phạm Hồng Linh (28 tuổi), tốt nghiệp cử nhân kinh tế tại Brown University (Mỹ), sau đó tốt nghiệp cao học Truyền thông thị giác tại Royal Collerge of Art (Anh).

Hiện Linh đang làm công việc thiết kế tại Boston (Mỹ). Cô có thể sử dụng 3 ngoại ngữ: Anh, Trung Quốc, Nhật. Linh yêu mến và muốn giới thiệu nghệ thuật, nghề thủ công truyền thống Việt Nam ra nước ngoài. Cô cũng quan tâm đến các dự án thiện nguyện.

Theo thanhnien