Ngày xưa, sau nhà tôi là những ngọn đồi cao ngất, cây cối rậm rạp, nhiều nhất vẫn là loài măng đắng. Măng đắng mọc nhanh đến lạ. Về đến đầu làng, nhìn lên những đồi cao, không gì khác là những vạt măng đắng xanh ngút ngàn. Loài măng này mọc ngọn từ tháng chín, tháng mười cho đến tận tháng ba, tháng tư năm sau mới hết mùa. 

Người dân quê tôi hay gọi là măng sặt đắng, bà và mẹ lại gọi chúng là loài măng chìa vôi, măng anh. Ngọn của chúng to hơn ngón chân cái một chút, vỏ có màu hơi óng vàng, khác hẳn với măng sặt và măng vầu. Vị đắng thì khỏi nói, chẳng ai thử miếng măng đầu tiên mà không xuýt xoa bởi cái đắng đến điếng người của nó. Thế nhưng, chẳng hiểu sao, bao đời nay người dân quê tôi gắn bó với loài măng này đến thân thuộc, thiếu vắng món măng đắng trong bữa cơm là thấy thiếu đi một dư vị của núi đồi.

Lũ trẻ quê chúng tôi thì đã quá quen với loài măng này. Những ngày thơ bé, tôi và bọn trẻ trong xóm thường rủ nhau lên đồi măng chăn trâu, chăn bò vào mỗi buổi chiều. Lên đến đỉnh đồi, thú nhất là cả bọn cùng rủ nhau lặn vào những vạt măng đắng rậm um tùm để tìm măng; chẳng biết sợ ong ve hay rắn rết, cả bọn cứ rúc sâu vào tận những gốc măng tìm những ấu măng đang đội đất mọc lên.

Thích nhất là vào đúng mùa măng đắng nở, ngọn mọc lên tua tủa. Chỉ độ vài ngày không lên là thấy chúng mọc san sát nhau, có khi mọc cả ra những con đường mòn dẫn lên đồi. Những lúc tìm được những đọt măng non, chúng tôi rủ nhau ngồi bệt xuống đất, bóc măng rồi ăn sống ngay tại chỗ. Măng đắng ăn sống giòn sần sật, vị đắng thì tê hết đầu lưỡi nhưng vì đã quá quen với cái đắng của loài măng này nên chúng tôi cứ ăn ngấu nghiến đến ngon lành. Ăn sống chán, chúng tôi đi tìm củi, nhóm lửa để nướng măng. Những ngọn măng vừa hái được ném vào đống củi cháy bùng bùng, chẳng mấy chốc vỏ đã cháy đen, tỏa mùi thơm ngai ngái. Khi bóc vỏ ngoài, phần lõi măng trắng ngần ăn mềm nhưng vẫn đắng ngắt. Cả bọn chia nhau ăn từng ngọn măng, tay chân, mặt mũi lem luốc than củi mà vẫn cười vang cả núi đồi. 

Cuối buổi chiều, chúng tôi lùa trâu bò về nhà, mang theo những đọt măng đắng sau lưng. Những ngày vào mùa măng, bữa cơm đạm bạc của nhà tôi ít khi nào thiếu món măng đắng; có hôm, thức ăn chỉ có món măng đắng kho mà ăn cứ thấy ngon lành. Măng đắng hái về, chỉ có mẹ mới biết cách chế biến món ăn ngon. Măng được bóc vỏ, thái thành những miếng nhỏ chừng hai đốt tay rồi mẹ cho vào nồi luộc đi luộc lại tới ba lần, mỗi lần như thế, mẹ đều chắt bỏ nước đắng sau đó lại đổ nước mới vào luộc tiếp. Nhờ thế, khi ăn măng bớt đắng đi nhiều. Măng đắng được mẹ chế biến thành nhiều món ăn mà đến giờ tôi vẫn còn nhớ mãi cái dư vị của nó. Măng đắng luộc chấm muối vừng ăn bùi bùi, sần sật; măng đắng kho cá với tương bần tốn cơm biết mấy, rồi cả món măng đắng nấu canh cá rô đồng, măng vùi tro bếp... 

Những lúc mấy bà cháu đứng ở sân nhà, ngước nhìn lên đồi măng sau nhà, bà bảo, những đồi măng này có từ khi bà ở dưới xuôi lên đây lập nghiệp. Những năm tháng đói mòn đói mỏi, măng đắng nuôi sống cả xóm, cây măng già còn giúp bà và người dân quê mình đan vách dựng nhà. Những lúc kể chuyện măng, đôi mắt bà nheo nheo như cố nhớ về ký ức xa xăm của những ngày đi khai phá vùng đất hoang, đôi mắt bà như nhuốm màu xanh của rừng măng bạt ngàn, vị đắng của măng như thấm vào nỗi cơ cực của bà, của mẹ bao tháng ngày.

Khi bà tôi đau yếu, những ngày cuối cùng, không ăn uống được gì, trong lời thì thào với hơi thở yếu ớt, bà bảo mẹ rằng muốn ăn miếng măng đắng trên đồi quê mình. Nghe bà nói vậy, mẹ khóc nức nở mà không nói thành lời. Tôi chạy vụt lên đồi cao, cố tìm được đôi ba ngọn măng dù không đúng mùa. Mẹ nấu măng mang lên bón cho bà ăn. Đôi mắt bà sáng ngời, khuôn mặt tươi tỉnh, miệng ăn những miếng măng đắng ngon lành như vẫn còn khỏe mạnh. Thế nhưng, tôi đâu biết rằng, đó bữa măng cuối cùng bà ăn rồi đi về cõi xa. 

Những ngày thơ bé đã qua lâu, những đồi măng sau nhà tôi cũng không còn nữa, chỉ lác đác một vài cụm măng nhỏ. Nhưng mỗi khi mùa măng về, trong tôi lại nồng ấm ký ức tuổi thơ, lại dậy lên cái hương vị khó quên vị đắng măng rừng.

Nguyễn Thế Lượng (baodaklak)

Theo Quehuongonline.vn