Mặc dù các con nói mẹ già rồi nên nghỉ ngơi cho khỏe, hoặc qua mấy nhà hàng xóm chơi cho khuây khỏa, nhưng mẹ tôi gạt đi bảo: “Thú đan len hình thành trong mẹ từ lâu rồi, nên chúng mày cứ để cho mẹ đan lấy vui, chứ ăn không ở không chán lắm...”.

Quả đúng là từ rất lâu rồi, có lẽ phải từ thời con gái, khi mẹ còn chưa xây dựng gia đình với cha tôi, thì mẹ đã được bà ngoại tôi dạy đan len, chẳng vậy mà mẹ tôi đan len thuần thục và khéo léo lắm. Suốt năm tháng ấu thơ sống ở quê nhà bên mẹ, hầu như năm nào mẹ cũng đan len và dù bận trăm công ngàn việc của mùa gặt, mùa cấy, hay mùa của những đợt trồng cây vụ đông, vun xới chăm tưới rau màu... vậy mà mẹ vẫn dành thời gian khi rảnh rỗi để đan len. Những lúc cuối mùa thu, đầu mùa đông luôn được xem là “cao điểm” đan len của mẹ, bởi các sản phẩm mẹ đan ra thường phải chạy đua với thời gian để hoàn thành sản phẩm cho chồng con có cái áo, cái mũ, tấm khăn chống chọi với cái giá lạnh.

Gọi là đan len, chứ giai đoạn tôi còn học cấp 1, cấp 2 ở trường làng, khi ấy len đâu có phổ biến và dễ mua như những năm sau này, nên những chiếc áo, mũ, khăn, thậm chí cả găng tay chống lạnh mẹ đều đan dệt nên bằng sợi khâu của bao xi măng được tận dụng lại. Mà những sợi dây khâu miệng của bao xi măng khi đó cũng không nhiều, không sẵn nên mẹ cũng phải dành dụm tiền mua, chứ đâu xin được. Tôi còn nhớ, mỗi khi dặn mua được sợi khâu bao, mang về nhà mấy mẹ con lại lúi húi mang ra sân giếng để giặt rửa bằng xà phòng cho thật sạch, thật trắng, sau đó mang vắt lên dây phơi cho khô. Công đoạn kế tiếp là chắp nối từng đoạn sợi dây lại với nhau, bởi mỗi đoạn dây khâu bao thường chỉ dài chừng hơn 1 mét. Mấy anh chị em tôi được mẹ huấn luyện cách chắp nối các sợ dây với nhau sao cho điểm thắt nút nhỏ nhất, để khi mẹ đan được dễ dàng và lúc thành sản phẩm không bị lộ quá nhiều những mối nối...

Khi tôi đã lớn hơn, bước vào cấp 3 trường huyện, kinh tế gia đình vẫn nghèo và mẹ cũng như những người phụ nữ trong làng vẫn giữ thói quen đan len. Lúc này, những sợi dây khâu bao bố xi măng không còn được trọng dụng để đan nữa vì len đã nhiều, bán không quá đắt nên mọi người đều dùng len để đan. Việc dùng len thật để đan thành áo, mũ, khăn... không chỉ đẹp mà còn ấm áp hơn rất nhiều so với sản phẩm được đan từ sợi khâu bao xi măng.

Mẹ tôi đặc biệt khéo tay khi những chiếc áo dài tay, với người vụng, chậm chạp có khi phải mất cả tháng trời, nhưng với mẹ tôi thì bà chỉ đan trong khoảng một tuần lễ là hoàn thành. Hầu như chỉ trừ khi lên giường đi ngủ hoặc những lúc ra đồng làm việc, chứ còn cứ ngơi tay một cái là mẹ lại đan len mải miết. Năm tháng dần trôi, các con khôn lớn ra thành phố học hành rồi lập nghiệp hết, cha mẹ tôi vẫn sống ở quê và mẹ tôi vẫn giữ thói quen và sở thích đan len mỗi khi mùa đông đến như một thú vui tiêu khiển. Nhiều khi tôi còn thấy, mẹ đan xong một cái áo, hay cái mũ, cái khăn rồi lại tháo gỡ ra và bắt đầu đan lại theo một hình mẫu mới. Thấy vậy, tôi hỏi sao mẹ làm vậy chi cho mệt, thì mẹ bảo: “Mẹ không mệt, mà mẹ thấy vui nên cứ làm cứ tháo ra đan lại cho khuây khỏa ấy mà...”.

Một mùa đông lạnh giá lại về và trong ngăn ký ức tuổi thơ nơi quê nhà của mình, tôi luôn hoài nhớ về những mùa đan len của mẹ, bởi chính từ bàn tay tảo tần của mẹ và những sợi dây khâu bao xi măng, sợi len mảnh mai nhỏ nhoi, mẹ đã đan dệt nên những chiếc áo, cái khăn, cái mũ để chở che, ủ ấm cho cho mấy anh chị em chúng vượt qua biết bao nhiêu mùa đông khắc nghiệt...

Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn