Cô gái người Pháp gốc Việt Hiền Munier (thứ hai từ phải qua) chia sẻ
cùng các bạn con nuôi gốc Việt khác về hành trình tìm kiếm mẹ ruột của mình

"Ước mong về thăm chốn thiêng/ Mong sao quê hương dang tay đón tôi/ Mong ước đến ngày trở về/ Lòng tôi yêu mến Việt Nam/ Lòng tôi vang tiếng Việt Nam/ Lòng tôi xin chào Việt Nam…". Lời bài hát thiết tha, lay động. 

Bên dưới, những người Việt Nam rưng rưng nhìn các bạn. Những cô gái, chàng trai ấy đã phải mang những dấu hỏi về mình trên chính làn da, mái tóc, màu mắt, nụ cười mà lớn lên nơi xứ người, và hôm nay mang những dấu hỏi ấy mà tìm về với nguồn cội.



Đừng nguôi hi vọng

Mấy hôm nay, câu chuyện về khát khao tìm lại chính người mẹ đã sinh ra mình của Hiền, của Châu, của Giang, của Thục Nữ, của Vân đã khiến những người đọc phải xót xa. Hôm nay, được yêu cầu thổ lộ ước mơ của mình, các bạn mỉm cười thật tươi mà trong mắt dâng lên làn nước.

 

Cùng với Hiền, với Châu, với Giang, em Nguyễn Văn Tâm - đại diện hơn 200 em bé mồ côi đang sống ở Trung tâm Bảo trợ trẻ em Gò Vấp - cũng quả quyết: "Em luôn giữ niềm tin to lớn là sẽ tìm lại được cha mẹ mình. Điều đó động viên em học và học giỏi để vươn lên, để khi gặp lại cha mẹ, em đã có thể vững vàng, không gây cho họ những lo lắng. Và nếu có một điều ước, em ước cho không còn em bé nào bị cha mẹ bỏ rơi".

Khán phòng lặng đi. Hơn ai hết, những người công tác ở các trung tâm bảo trợ, Sở Lao động - thương binh và xã hội, Hội Bảo vệ quyền trẻ em, Hội Bảo trợ bà mẹ, trẻ em và cả những người làm báo đang ngồi đây hiểu rằng việc ấy khó như thế nào. 

Như Hiền, đã bị bỏ rơi trên lề một cây cầu, không một dấu tích để lại. Như Vân, đã bị bỏ lại bệnh viện với tên mẹ và địa chỉ không xác thực ngay ở thời điểm đó. 

Như Giang, như Châu, như Thục Nữ, như Tâm chỉ còn lại tờ giấy chứng sinh với dòng chữ đau lòng: "Mẹ bỏ bé". 

Chia sẻ những nghiệt ngã thương tâm trong quá trình tiếp nhận, dưỡng nuôi những em bé gặp bất hạnh ngay lúc sinh ra ấy, các cán bộ chuyên trách không khỏi nghẹn lời.


Tôi đã được cha mẹ nuôi cho cả thế giới. Tôi sẽ tặng lại thế giới ấy cho các em mồ côi đồng cảnh và cha mẹ mình nếu tìm được”. 
Hiền Munier

Nhưng không phải như thế mà nguôi hi vọng. Những ngày đến Trung tâm Bảo trợ trẻ em Gò Vấp, chúng tôi vẫn thấy các nhân viên nơi đây lúc lúc lại đi lục tàng thư, ngày ngày vẫn lên kế hoạch xuống quận, phường, đi tỉnh, đi huyện để xác minh, tìm kiếm một cái tên, một địa chỉ nào đó có liên quan đến những đứa trẻ mà trung tâm tiếp nhận. "Tất nhiên những trường hợp tìm được người thân là rất hiếm hoi, nhưng vẫn phải làm".

Thêm vào câu chuyện về hành trình tìm mẹ khúc khuỷu dài dằng dặc ấy, ca sĩ Randy Trần bước lên sân khấu với bài hát Mẹ: "Mẹ ở nơi mô? Con chờ trông mẹ… Bao tháng năm dài chưa được biết mẹ là ai". 

Hát rồi, Randy trải lòng: "Bài hát ấy là nỗi lòng của mình. Randy sinh ngày 25-1-1971 tại Đà Nẵng. Chỉ một ngày sau, mẹ đã đưa vào cô nhi viện. Rồi sau này, Randy đi Mỹ theo diện con lai. 

Sống nơi xứ người nhưng lòng chỉ mong được gặp mẹ. Hồi trẻ thì giận, tức: Tại sao mẹ bỏ rơi mình? Lớn lên, hiểu chuyện rồi thì hiểu: mẹ chọn cô nhi viện là nơi mình sẽ có được cuộc sống tốt hơn ở với bà…".

Số liệu thống kê trẻ em Việt Nam được nhận làm con nuôi từ năm 2011 đến 2017 Nguồn: Cục Con nuôi Bộ Tư pháp

Gần 50 tuổi vẫn tự nhận mình là "trẻ mồ côi". Kể lại câu chuyện kiên nhẫn hiếm có của mình, Randy vẫn nói với Hiền, với Giang, với Châu, với Tâm: "Đừng nguôi hi vọng. Chúng ta vẫn còn có hạnh phúc. Chúng ta cần phải tiếp tục cố gắng…". 

Không cô đơn

Suốt gần 20 năm qua, cứ vài tháng Michael Sơn Phạm lại "tay xách nách mang" về Việt Nam một lần. Hành lý của ông lỉnh kỉnh thuốc men, dụng cụ y tế… cho các cô nhi mà ông hỗ trợ ở Việt Nam. 

Người đàn ông Mỹ gốc Việt tuổi lục tuần này là chủ tịch Tổ chức Trẻ em không biên giới (Kids without Borders) do ông sáng lập năm 1999 với sứ mệnh mà ông bảo đã chọn cho đời mình.

Sơn Phạm gọi những đứa trẻ bị bỏ rơi tại các cô nhi viện mà ông hỗ trợ là con. 

"Tôi có mấy trăm đứa con ở Việt Nam, đó là những đứa trẻ ở các mái ấm mà tôi xem như con ruột. Vợ chồng tôi cũng có con, có cháu rồi, lúc nào chúng tôi cũng lo lắng cho trẻ em. 

Bất cứ khi nào chúng tôi thấy trẻ em thiếu thốn là lòng lại nôn nao, mong muốn mình giúp được chút nào thì giúp. Trẻ em phải có đầy đủ sức khỏe, gia đình, hạnh phúc. Đó là điều mà chúng tôi luôn hướng tới" - ông tâm sự.

Không chỉ hỗ trợ các bé được nuôi dưỡng tại các mái ấm, một trong những điều mà Sơn Phạm và Trẻ em không biên giới rất tâm huyết là việc "giúp các con biết đường về cội nguồn": 

"Tôi biết nhiều con từ trại mồ côi được nhận nuôi ở nước ngoài, đi khắp nơi thế giới rồi lớn lên muốn biết về nguồn cội của mình. Đứa nào muốn tìm về nguồn gốc cha mẹ, đứa nào muốn tìm về trung tâm nơi mình lớn lên, chúng tôi đóng vai trò liên lạc, làm người cầm tay cho hai bên kết nối với nhau".

Gần 10 năm trước, Sơn Phạm cũng là người hỗ trợ nhóm con nuôi gốc Việt đi Mỹ theo chiến dịch Babylift quay trở về Việt Nam tìm cha mẹ ruột. 

Nhiều năm gần đây, ông liên tục được nhiều trẻ là con nuôi gốc Việt trên khắp thế giới nhờ tìm kiếm gia đình người Việt của các con. 


Tôi mong được cùng khám phá Việt Nam với mẹ mình. Tôi sẽ ở lại Việt Nam cho đến khi điều ấy thành sự thật”.
Châu Amandine

Hai mươi năm gắn bó với các mái ấm nuôi dưỡng trẻ bị bỏ rơi, biết rõ đây không phải là chuyện dễ dàng, Sơn Phạm trăn trở suy nghĩ cách giúp những đứa con Việt này.

Bắt đầu từ những lá thư chứa chan tâm sự nhưng ít ỏi thông tin, ông lùng khắp các "hang cùng ngõ hẻm" để thu thập bất cứ mẩu tin tức nào liên quan, dù là nhỏ nhất. 

"Chúng tôi xếp tất cả thông tin lại với nhau, đưa cho các con xem và giúp các con hiểu được câu chuyện của mình" - ông nói.

Đến với cuộc giao lưu "Cội nguồn con ở đâu?", Sơn Phạm lại có thêm những người cam kết chung tay. 

Ông Bùi Đức Huy, một khách mời thường tham gia các hoạt động xã hội cùng báo Tuổi Trẻ, xúc động nhắn nhủ với các nhân vật chính của chương trình: "Tôi nghĩ cội nguồn của con trước hết nằm trong tim của cha, của mẹ. Vì một lý do nào đó mà phải bỏ con, họ day dứt và trăn trở suốt đời. Không ai mong con bằng cha mẹ. Các bạn đừng bỏ cuộc. Hôm nay chúng ta mới bắt đầu cho hành trình ấy, sẽ còn dài và chúng tôi sẽ cùng đi".

Ông Chung Hùng Bang - đại diện Sở Lao động - thương binh và xã hội, bà Mai Thị Ngọc Mai - Hội Bảo trợ trẻ em TP, bà Beatrice VA-Nguyen - đại diện Lãnh sự quán Pháp, bà Nguyễn Thị Thu Hương - Trung tâm Bảo trợ trẻ em Gò Vấp, TS tâm lý Huỳnh Văn Sơn… mỗi người một công việc, một góc nhìn, một khía cạnh trách nhiệm, nhưng ai cũng đồng lòng: sẽ không để ai phải "mồ côi" trên đường tìm về nguồn cội của mình.

Hơn 20 lần thử ADN

Về Việt Nam, nhiều năm qua Randy Trần được biết đến với những bài hát da diết về mẹ, và với hành trình tìm mẹ không ngừng nghỉ.

Không bỏ qua một cơ hội nào, có người phụ nữ nào liên hệ nói có con trai lai Mỹ trạc tuổi anh bị thất lạc, Randy cũng tìm đến, nghe chuyện, tìm hiểu và… thử ADN.

Đã hơn 20 lần thử ADN. Randy giải thích: "Lòng con mong mẹ thế nào thì lòng mẹ mong con còn cào xé hơn như thế. Randy thử là để cho cả mình và những bà mẹ chưa tìm thấy con ấy cùng yên tâm".

Mang đến hi vọng và sự tin tưởng bằng người thật việc thật cụ thể, chị Lê Mỹ Hương xuất hiện trong cuộc giao lưu với chính mẹ của mình.

Chị vui vẻ kể lại cuộc phiêu lưu đến nước Úc xa xôi khi còn là cô bé lên 5 tuổi, cuộc trở về khi đã là thiếu phụ ngoài 30 tuổi và tìm lại được mẹ, quyết định sống hẳn ở Việt Nam với mẹ.

"Thế rồi 14 năm sau, tôi được biết người mẹ mà tôi sống cùng 14 năm qua lại vẫn chưa phải mẹ ruột của mình. Tôi thất vọng, tuyệt vọng. Nhưng rồi tôi lại đứng lên vì mẹ tôi chắc chắn vẫn đang chờ tôi ở đâu đó. Tôi lại đi tìm, và đây, các bạn nhìn xem, cách nay 4 tháng tôi đã tìm thấy mẹ" - chị Hương kể.

Chị nắm bàn tay bà cụ đã già, đã nhăn nheo áp vào má mình. Mẹ chị mỉm cười, tự hào nói với người ngồi cạnh: "Nhìn xem, khuôn mặt nó giống tôi"...

Học tiếng Việt để chuẩn bị gặp mẹ

Vừa được 10 tháng tuổi, cậu bé Phan Văn Giang được cha mẹ người Pháp nhận nuôi từ Trung tâm Bảo trợ trẻ em Gò Vấp, được đặt tên là Aurélien Malnoury. 27 năm sau, anh quay trở lại.

"Hãy gọi tôi là Giang, tôi muốn tìm lại gia đình mình - anh nói bằng tiếng Việt mới học - Tôi luôn lo là nếu mình không nói được tiếng Việt thì làm sao nói chuyện với cha mẹ" - anh thật thà.

Cách đây 3 năm, Giang và mẹ nuôi quay trở lại Việt Nam lần đầu. Tại đây, chứng kiến niềm hạnh phúc trong ánh mắt con trai, người xem chuyến đi về Việt Nam là lời giải đáp cho mảnh ghép còn thiếu của cuộc đời mình, người mẹ nuôi thốt lên lời xin lỗi vì lâu như vậy mới dẫn anh về Việt Nam. "Giây phút đó tôi thật sự xúc động" - anh kể.

Hiện tại, khi đã về Việt Nam sống, anh đến mái ấm hằng tuần, phụ tất cả mọi việc có thể, kể cả giặt quần áo cho các em.

"Tôi muốn bắt đầu từ cuối năm nay có thể làm huấn luyện viên thể thao cho đám nhỏ, muốn tổ chức các hoạt động, dạy kỹ năng sống, truyền cho các em triết lý tích cực của mình" - anh hào hứng chia sẻ, bày tỏ mình muốn đóng góp tích cực hơn vì "giờ mình đã ở Việt Nam rồi".

Theo Tuổi trẻ