Khi nghị sĩ Katie Porter, đảng Dân chủ, ở California, kết thúc cuộc hôn nhân đầy rắc rối của mình, bà nhận thấy việc ra đi thật khó khăn. Nhưng có một thứ khiến người phụ trở nên tự tin hơn, trong nhiều năm, bà đã tự quyết định các khoản đầu tư, kế hoạch tiết kiệm nên tin mình và các con sẽ ổn. "Việc biết mình có cái ăn và được ở nhà chăm sóc con vào tháng sau, tháng sau nữa thực sự rất có ý nghĩa với tôi", bà Porter nói. Người phụ nữ cho biết đã quyết định ly hôn chồng vì bị lạm dụng thể chất.

Nhưng theo bà, không phải phụ nữ nào cũng coi năng lực tài chính cá nhân là chìa khóa cho sự tự do và an toàn.

Nghiên cứu được công bố vào tháng 6 bởi ngân hàng UBS (Thụy Sĩ) dựa trên khảo sát 1.320 phụ nữ có số dư tài khoản từ 250.000 USD, cũng ủng hộ quan điểm này. Theo kết quả nghiên cứu, ngay cả phụ nữ có trình độ học vấn và thành tựu cao cũng không tham gia nhiều vào việc ra quyết định tài chính lâu dài.

Trên thực tế, Millennial Women (phụ nữ thế hệ Y, tuổi từ 24-39) - những người được cho đã góp phần nâng tầm vai trò giới - vẫn ít độc lập tài chính hơn so với Baby-boomer Women (phụ nữ tuổi từ 56-74). Khoảng 54% phụ nữ thế hệ trẻ cho biết họ nhường chồng lập kế hoạch tài chính dài hạn, thay vì chia sẻ trách nhiệm hoặc tự làm. Trong khi đó, con số này ở phụ nữ baby-boomer là 39%.

Chỉ 76% phụ nữ thế hệ Y cho rằng tự chủ tài chính là cần thiết, trong khi, 89% phụ nữ thế hệ trước tin vào điều này. Lý do khiến những phụ nữ trẻ tuổi nhường quyền cho chồng là vì tin đàn ông biết nhiều hơn mình.

Erin Lowry, một cố vấn tài chính cá nhân và là tác giả của "Broke Millennial" cho biết, một lý do có thể khiến phụ nữ thời baby-boomer coi độc lập tài chính là điều cần thiết cho sự bình đẳng vì họ đã từng chứng kiến kết cục của nhiều người không có được điều đó.

Tuy nhiên, nghiên cứu của UBS cũng có những hạn chế: Nó không khảo sát những phụ nữ thời kỳ baby-boomer ở độ tuổi tương đương thế hệ Y bây giờ. Vì vậy, khó có thể kết luận tuổi tác và trí tuệ quyết định thái độ của phụ nữ thế nào so với những yếu tố khác. Và những phụ nữ được khảo sát - đều có ít nhất 250.000 USD đầu tư, có thể không phải là đại diện cho thế hệ của họ.

                     Ảnh minh họa: Tamara Beckwith.

Một cuộc khảo sát của Gallup được công bố vào tháng Một cho thấy, các cặp đôi từ 18-34 tuổi, không biết phân chia công bằng công việc gia đình bằng các cặp vợ chồng lớn tuổi.

Bất bình đẳng thấy rõ trong đại dịch. Phụ nữ có nguy cơ bị gạt sang một bên khi Covid-19 bùng phát. Theo phân tích của Trung tâm Luật Phụ nữ Quốc gia Mỹ, trong số 1,1 triệu người từ 20 tuổi trở lên phải nghỉ việc vào tháng 8 và tháng 9, gần 80% là nữ.

Một nghiên cứu được công bố vào tháng trước bởi công ty tư vấn McKinsey & Company cho thấy 1/3 các bà mẹ đã nghĩ đến chuyện nghỉ việc hoặc chuyển hướng sự nghiệp trong đại dịch. Phần lớn là do họ gặp khó khăn trong việc chăm sóc con cái.

Bà Porter nói rằng nhiều cuộc trò chuyện về trao quyền cho phụ nữ tập trung vào việc đàm phán tăng lương. "Nhưng việc tăng lương đó có ích gì nếu bạn không biết phải lập kế hoạch thế nào với số tiền đó? Việc leo lên nấc thang sự nghiệp mới, lương cao hơn, nhiều đãi ngộ hơn sẽ có ích lợi gì đâu nếu không dành thời gian đầu tư đúng đắn?" bà lập luận.

Một sinh viên tuổi 30, mới tốt nghiệp, kết hôn vài năm trước, chồng cô là người kiếm được nhiều tiền hơn và đưa ra quyết định tài chính cho gia đình. Đồng nghĩa, anh chồng có tiếng nói hơn trong việc quyết định con học ở đâu, vợ chồng du lịch ở điểm nào.

Anh ta lạm dụng thân thể vợ nhưng vì phụ thuộc chuyện tiền bạc nên cô không thể ly hôn. Chỉ đến khi bạn bè khuyến khích lập một tài khoản ngân hàng riêng, cô mới quyết định rời xa anh ta được.

"Người ta vẫn tin thế giới bình đẳng. Chúng tôi có thể làm bất cứ điều gì chúng tôi muốn. Chúng tôi sẽ có những người cộng sự tuyệt vời, những người sẽ bình đẳng với chúng tôi. Lẽ đương nhiên, tôi nghĩ tự chủ tài chính chẳng cần thiết", người phụ nữ đang làm thủ tục ly hôn chồng, nói.

Sau sai lầm ban đầu, cô cho rằng tự chủ tài chính là cốt lõi của độc lập mà phụ nữ cần liên tục khẳng định.

Theo vnexpress