Ra Giêng, nhà tôi vừa bán lứa lợn đong thóc, nắng lên, vườn bưởi bắt đầu bị sâu bệnh thì chị Thanh dắt một anh chàng về ra mắt. Anh này nghe nói là người trên vùng thượng lưu sông Bôi, người ngắn ngủn; mình mẩy,  tay chân như được tạc vội từ một cục thịt. Được cái khuôn mặt to, nước da ngăm đen và rất ít nói. Tay rót ấm trà vào cái chén da lươn, bố nuôi tôi lòng trĩu nặng, giấu con gái cái hơi thở dài của bộ não đang thiếu nhiều thứ oxy, mẹ tôi dưới bếp thổi lửa mà chốc lại nghển cổ lên ngóng sợ có cái chén nào trên ấy vỡ không. Năm gian nhà ngói bền bỉ chống chịu hai mươi năm mưa bão giờ võng xuống trong làn khói thuốc lá của cha nuôi tôi như sắp sập. 

Tôi rón rén đến ngồi cạnh bậu cửa, chưa biết làm thế nào để phá tan bầu không khí đang đặc quánh thuốc lá, ngay cả tiếng con cá quả quẫy ngoài ao hình như cũng vọng đến tai tôi. Mắt tôi lơ đãng nhìn ra vườn, đắm chìm vào suy tư dưới nắng xuân vàng óng trên những  cành bưởi. Cứ thế này, chắc lát nữa ba tôi sẽ lấy cớ đi cho đám lợn ăn, đi thăm mấy đõ ong, không khéo lại chả đâu vào đâu như mấy lần chị Thanh dẫn những anh bạn là người trên thành phố về. Bỗng, anh bạn trai của chị Thanh bật phắt dậy, cả nhà đều tròn mắt nhìn vào phía chàng Sọ Dừa. Anh ấy chỉ kịp nói vội với bố tôi như xin phép rồi lao ra vườn: 

- Bố… là con cày.

Bố tôi há hốc miệng thì đã thấy đôi chân ngẳn ngủn của anh Sọ Dừa băng qua những gốc bưởi với cái cành gỗ xoan trên tay. Cả nhà ai cũng ngớ ra, sao cái câu ấy nó tối nghĩa mà xúc xiểm thế không biết. Cuộc “ra mắt” biến thành cuộc rượt đuổi. Cha tôi đã kiếm được cây gậy, tôi cầm cán chổi, mẹ tôi cầm con dao quắm đi nương, tất cả vừa chạy vừa hô hoán chỉ chỏ. Con cày chạy nhanh như tên, đám gà còn lại nhớn nhác chui vào hết các đống củi, góc chuồng bò không dám ló mặt ra. Con gà giống quý cuối cùng của cha tôi đã biến mất vào bụi tre rậm rạp, chỉ còn mấy cọng lông lơ phơ như vệt lông ngỗng Mỵ Châu trước bàn chân anh Sọ Dừa tứa máu gai cào. Cha tôi buông một tiếng: 

- Về thôi các con.

Nghe câu hiệu lệnh thu quân kiểu “vơ đũa cả nắm” làm đôi má chị Thanh tôi đỏ ửng. Thoắt cái, anh chị đã vặt lông xong con gà mái tơ, chặt xếp bằng hai đĩa đặt lên mâm cơm. Thế rồi cũng từ dạo anh Sọ Dừa hay qua lại tự dưng cái vườn bưởi chả cần phun thuốc cũng hết sâu bệnh. Hóa ra, anh làm cái cách rất thổ dân là bắt cóc một loài kiến đến cắn rệp, cái mà các nhà sinh học gọi là thiên địch. Con cày rồi cũng sa bẫy được bữa thịt thú rừng vui cả họ bên nội. Hôm tát ao nhà tôi, cái món lòng cá chấm rau đồ mà anh tự tay chế biến được các bác bên ngoại khen lấy, khen để là đậm đà bản sắc. Mỗi lần chị Thanh từ ngoài thành phố về, anh ta lại rón rén đến khi thì ngó cái cây, khi trèo hái đám hoa đu đủ đực, khi thì mò ao bắt con chai, con cua. Hình như anh sợ nếu không lân la như thế thì lấy đâu ra chữ nghĩa mà thưa chuyện với bố tôi thì phải. 

***

Sấm đã vang phía cuối trời, còn một tháng nữa là mùa ngâu. Thế mà, cứ hết lần này, lần khác chưa thấy tin tức hơi hướm gì bên nhà giai. Hai bên gia đình đợi nhau, lại như thể ngóng chờ sẽ có một cái biến nào đấy để thúc đẩy đám cưới nhanh hơn. Anh Sọ Dừa làm bạn trai chị Thanh mãi cũng thành người lạ. Có hôm bực quá, giữa mâm cơm chiều thứ 6 bố tôi bảo:

- Không biết vì cái gì mà nhà ông trên kia không xuống rước quách con Thanh đi. Nhà này còn con Vân về sau cho bố chàng nào ở rể là được.

Thế là đêm ấy, hình như bố mẹ tôi lại giận nhau, ba lần sinh nở chỉ giữ được mỗi chị ấy, sao mẹ tôi không chạnh lòng chứ. Sau này chả biết bố tôi đánh tiếng nhờ ai làm mai làm mối, lên bày đường đi nước bước cho nhà trai. Các cụ biết lý số bói toán trong làng bảo, mệnh của chị Thanh là cha mẹ không được thăm nom đón rước trước và trong lễ cưới. Ngày chị lên xe hoa, vườn bưởi đã lúc lỉu quả, cha tôi mặt vuông chữ điền, râu quai nón ăn to nói lớn là vậy mà lúc đón dâu cũng chạy ra một góc vườn để chùi nước mắt. Tôi chạy theo cha, cha bảo ngày xưa chôn cất mấy đứa con vừa lọt lòng cha cũng chưa hề rơi nước mắt như hôm nay, con quay vào đi, tôi nhìn lên phái đầu cha có cái tổ chim sẻ vừa mới kết cỏ mới tinh.

***

Tôi bước vào căn nhà nhỏ nằm bên một khe suối, căn nhà bé quá so với mấy cặp vợ chồng đang sống trong đó. Những ngày chị tôi đi học, anh Sọ Dừa ngày đi làm thuê, tối tha thẩn các nhà hàng xóm để đêm khuya mới về nằm ở cái giường gỗ xoan gai ngay đầu hồi. Mâm cơm đón bố vợ cũng bình dị như mọi ngày ngoại trừ mấy con cá suối, con gà choai vừa bắt từ trên đồi. Bao năm sống trong mái nhà tôi, hôm nay ngắm chị Thanh như một người xa lạ ở cái làng này, ai mà không chạnh lòng. Chén rượu trên tay ba tôi mãi vẫn còn nguyên lưng chén, hình như men rừng thơm nồng làm ông nghẹn, mà lại như ngọt quá. Ngấm cái men ấy rồi nhìn vẻ mặt bố tôi bỗng tươi hẳn lên.

Lúc về qua con suối, nơi rác rưởi vẫn còn nổi lềnh phềnh như dấu tích của một trận mưa lụt, cha tôi cầm một hòn cuội bỏ vào túi áo. Tôi đang định hỏi thì đã thấy anh rể Sọ Dừa lao xuống con suối cạn vớt thêm mấy viên sỏi khác đẹp hơn rồi bảo cha tôi mang về bỏ vào chậu cây cảnh. Cha tôi lôi tay anh lên:

- Thôi con, bố chỉ lấy một hòn cuội này về ghi lại năm tháng bố lần đầu lên nhà con để làm kỉ niệm. Sau này về mà chăm vườn cho bố, không có mày đám cày cáo rồi sâu rệp lại phá vườn thì sao. Cứ về, đất đấy, nước ấy chỉ sợ hai đứa mày không có sức làm thôi con ạ.

Anh Sọ Dừa vốn đã ít nói, giờ chả biết nói gì cứ đứng ngây người ra như người bắt được vàng, hai bàn tay buông những viên cuội rơi tõm xuống dòng suối đang chảy lững lờ về phía có ngôi làng tôi. Cái giây phút bên bờ suối ấy, cả nhà tôi lại lặng im như buổi ra mắt đầu tiên. Lần này thì không hy vọng có con cày nào chạy qua rồi. Thế nên, tôi kéo tay bố cất tiếng:
- Thế bố không để dành cho con rể út đến ở rể à?

- Ờ, (bố tôi cười), cứ là rể hiền như anh con thì bố cho ở rể tất. Con rể là con trai của bố mà. 
                                                                       Truyện ngắn của Bùi Việt Phương


Theo Người Hà Nội