Tôi với người bạn thân - anh Nguyễn Văn Đồng - ngồi xe lam về Vàm Láng. Đường đất thô mộc, xe lam lắc lư, nhưng tôi bồi hồi. Bởi đã biết địa danh “Đám lá tối trời” khi đọc sách sử. Giờ về “mục sở thị”. Đúng là “đám lá tối trời”. Mênh mang, ken dày, phủ xanh trước mắt tôi là một rừng dừa nước. Tôi không lạ với dừa nước khi ở chiến trường Nam bộ, nhưng chưa bao giờ thấy dừa nước nhiều thế, dày rậm thế. Đúng là che cả mặt trời. Ngay vào lúc đó, tôi đã có cảm giác mình sẽ viết được trường ca này, dù cho tới bấy giờ tôi chưa viết được câu thơ nào, chỉ mới nghĩ ra cái đầu đề “Những nghĩa sĩ Cần Giuộc”.

Trường ca đã được viết từ năm 1978-1980, in lần đầu ở NXB Văn nghệ TPHCM năm 1981, in lần 2 năm 1982 trong bộ ba trường ca Những ngọn sóng mặt trời. Đây là tác phẩm tôi viết với tất cả lòng ngưỡng mộ những nghĩa sĩ Cần Giuộc, ngưỡng mộ anh hùng dân tộc Trương Định, và đặc biệt ngưỡng mộ nhà thơ mù Nguyễn Đình Chiểu.

Rồi có dịp về thăm Cần Giuộc và Gò Công, lại thức dậy trong tôi lòng ngưỡng mộ từ bao nhiêu năm trước. Cần Giuộc đã có cụm tượng đài “Những nghĩa sĩ Cần Giuộc” - tác phẩm của nhà điêu khắc Phan Gia Hương (con dâu cụ Ca Văn Thỉnh) - và được anh Trương Hòa Bình người Cần Giuộc vận động những người yêu quê hương xây nên. Kinh phí 29 tỉ đồng, và theo tôi, là xứng đáng tới từng đồng bạc lẻ. Vì cụm tượng đài thật đẹp, đầy xúc cảm, và bên dưới cụm tượng là một nhà hầm được thiết kế như một bảo tàng. Người tới viếng cụm tượng đài được giới thiệu rất đầy đủ về lịch sử những ngày đầu chống Pháp, về những nghĩa sĩ Cần Giuộc, về lãnh tụ Trương Định, về nhà thơ vĩ đại Nguyễn Đình Chiểu. Cần Giuộc đầy lịch sử, và cũng đầy văn hóa.

Bữa cơm ở Cần Giuộc trưa ấy do các cháu ở Trung tâm văn hóa đãi, với mắm còng đặc sản, mắm tôm chà Gò Công, cá dứa cửa sông Soài Rạp... đã khiến tôi rất thích thú. Tôi như được trở về với những ngày mùa hạ năm 1977, trở về với những dòng thơ đầu tiên mình viết trong trường ca Những nghĩa sĩ Cần Giuộc. Cũng xin nói, đó là trường ca tôi tự viết, không có bất cứ ai đặt hàng. Đặt hàng cho tôi, có thể là những người nông dân chân lấm tay bùn, những nghĩa quân Trương Định. Đặt hàng cho tôi, có thể là rừng dừa nước ở “Đám lá tối trời”. Và có thể, là những con còng, con tép nhỏ nhoi nơi hai dòng sông Vàm Cỏ và Soài Rạp giao nhau để cùng chảy ra biển.

Cứ nhớ hồi 1977 đó, khi tôi với anh Đồng trở lại Sài Gòn, chúng tôi đã mua mỗi người 5 ký gạo ngon Long An. Mua về cho bạn bè. Không dám mua nhiều hơn, vì sợ quản lý thị trường bắt tịch thu. Long An chỉ cách Sài Gòn chưa tới 20 cây số, lúc đó gạo ê hề, còn Sài Gòn thì thiếu gạo ăn. Có phải ấy là lúc ông Sáu Dân (Võ Văn Kiệt) chủ trương mua gạo đồng bằng sông Cửu Long về “cứu đói” cho Sài Gòn chăng? Một quyết định “xé rào cứu dân” mà sau này người dân còn nhớ mãi.

Có hai người quê Quảng Ngãi bây giờ hiển thánh tại Sài Gòn và Tiền Giang, đó là Lê Văn Duyệt và Trương Định. Nếu Lê Văn Duyệt được thờ tại Lăng Ông Sài Gòn, thì Trương Định được thờ ngay tại Vàm Láng (Gò Công). Buổi tối mấy anh em chúng tôi ngược từ “Đám lá tối trời” về Gia Thuận thắp hương đền thờ Trương Công, chúng tôi như được Ngài phù hộ. Mới tới trước cửa đền thờ, vắng hoe, đã lo không được gặp bác thủ từ, thì đột ngột bác thủ từ chạy từ đâu về. Bác nói đang đi dự đám cưới, rồi tự nhiên chạy về đền thờ. Tôi nghĩ, chắc là Ngài “khiến” rồi. Chúng tôi lặng lẽ thắp hương đảnh lễ, lặng lẽ nhìn ngắm bức chân dung Ngài. Trong ánh đèn mờ tỏ, gương mặt Ngài sáng quắc. Đó là gương mặt một võ tướng, và là gương mặt một Đại anh hùng. “Chớ mang thành bại luận anh hùng”, đúng vậy. Như Trương Định là bại một trận để thắng cả ngàn năm.

Ở Vàm Láng có một bến cá nhỏ. Bến cá Vàm Láng buổi chiều khá tấp nập. Thuyền về, cá tươi được chuyển lên ngay cái chợ xép trên bờ. Tôi mua luôn mấy ký cá tươi sống, vừa cá mòi dầu vừa cá kèo thiên nhiên (để phân biệt với cá kèo nuôi). Thích thì mua, thế thôi. Cá ở đây rẻ tới mức tôi không ngờ. Như thế, làm sao bà con mình ở đây khá lên được?

Vàm Láng đang thay đổi, nhưng rất chậm. Đó vẫn là vùng nghèo của đất Gò Công. Ngay thị xã Gò Công, cũng rất nghèo. Đêm về thị xã, đèn đóm lờ mờ, tìm một quán ăn mất hơn nửa tiếng đồng hồ. Sau khi sáp nhập vào Mỹ Tho, thị xã Gò Công đã thành “đô thị bị lãng quên”. Nhìn thì biết, thu nhập của người dân ở đây rất thấp. Có hai món nổi tiếng ở thị xã này, là mắm tôm chà, và tủ thờ bằng gỗ khảm xà cừ. Cả hai cơ sở chúng tôi không đi thăm được vì hơi khuya. Còn về Sài Gòn. Nhưng với hai đặc sản ấy (nghe nói nghề tủ gỗ khảm xà cừ là của người gốc Quảng Ngãi định cư ở đây) thì Gò Công cũng chẳng giàu lên được. Chỉ mong sao nơi này sớm thành điểm du lịch, mở theo tuyến Cần Giuộc-Vàm Láng-Gò Công. Đó là tuyến du lịch văn hóa lịch sử và thiên nhiên hoang dã.

Thị xã Gò Công với kiến trúc Pháp đặc trưng có thể trở thành một “Hội An phương Nam” với khí chất trầm mặc mà thân thiện của cư dân ở đây. Gò Công cũng là quê hương của Nam Phương Hoàng hậu. Bà là con gái của điền chủ Nguyễn Hữu Hào - một người Tây học nổi tiếng, và là cháu ngoại ông Huyện Sĩ - người giàu nhất Nam kỳ cuối thế kỷ 19. Nam Phương Hoàng hậu cũng là người có khí chất trầm lặng và mang đậm bản tính phụ nữ Nam bộ, đúng như khí chất của quê hương bà.

Khi chúng tôi tìm được một quán ăn hiếm hoi và đẹp ở thị xã, muốn gọi một xị rượu ngâm trái sơ ri để thưởng thức, thì nhà hàng xin lỗi và nói nhà hàng không bán rượu. Thật ngạc nhiên, khi ở Nam bộ lại có một thị xã nói “không” với rượu mạnh. Rất gần phong thái Hội An! Với cầu Mỹ Lợi nay đã thênh thang, qua sông Vàm Cỏ Đông khỏi phải đi phà, thì Sài Gòn đi Gò Công hay Cần Giuộc đi Vàm Láng đều dễ dàng. Đường sá tốt, từ Gò Công về Sài Gòn chỉ 52 ki lô mét. Nhưng tới bao giờ? Tới bao giờ thì Cần Giuộc, Gò Công mới trở thành một liên hợp du lịch? Tôi tự hỏi mình. Đêm đã khuya. Sài Gòn thì sáng lóa, còn Gò Công vẫn mờ mờ.


Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn