Trên thực tế việc “cho” và “nhận” không đơn thuần chỉ mang nghĩa đen mà đằng sau còn ẩn chứa những thông điệp và bài học sâu sắc trong cuộc sống. Ở độ tuổi hoa niên, con trẻ thường chưa hình thành những suy nghĩ chín chắn, nếu chỉ biết “nhận” trẻ sẽ trở nên ích kỷ, chỉ thích vun vén cho bản thân. Song khi cho đi, bé sẽ có được niềm vui, từ đó hình thành lòng nhân ái. Không ai khác, ba mẹ ở một vị trí vô cùng đặc biệt, là người con tin tưởng, thương yêu và là nền móng phát triển nhân cách của các bé. Do đó ngay từ các hoạt động xoay quanh đời sống cần luôn khéo léo lồng ghép thêm nhiều bài học hữu ích để khai sáng tư duy trẻ và nạp thêm sự bao dung nhân hậu.

Chúng ta đã thực sự biết cách cho đi?

Trong truyền thống người Việt từ ngàn xưa đã luôn đề cao triết lý “của cho không bằng cách cho”. Và quả thực vậy, việc lựa chọn phương thức “cho” luôn đóng vai trò quan trọng. Những bậc phụ huynh không muốn con mình trở thành kẻ ích kỷ chỉ biết nghĩ đến bản thân và càng không muốn con trong vai “kẻ khờ” khi chưa có những chuẩn mực thích hợp trong việc cho đi, dẫn đến bị các mối quan hệ đồng trang lứa lợi dụng. Bên cạnh đó, lòng nhân hậu bao dung càng được ban phát vô điều kiện thường vô hình trung mang lại suy nghĩ trở thành nghĩa vụ và trách nhiệm, quên đi cách biết ơn từ những người đóng vai trò “kẻ nhận”. Bên cạnh đó, ba mẹ cũng gặp nhiều khó khăn trong vấn đề bắt nhịp tâm lý trẻ, đặc biệt ở lứa tuổi teen, bởi khi được dạy phải “cho” thì ít nhiều dù là người lớn hay trẻ nhỏ đều mong chờ được nhận lại. Thế nên làm sao để khi “cho đi” con không rơi vào vòng xoáy của mối quan hệ trao đổi “qua lại” mang tính chất thực dụng sẽ là thử thách thực sự cho ba mẹ trong vấn đề giáo dục con.

Có một câu chuyện mà tôi nhớ mãi nhân dịp ghé thăm người thân vào dịp Tết Nguyên đán. Với truyền thống mừng tuổi ngày Tết, tôi không quên chuẩn bị những phong bao lì xì đỏ thắm dành cho các cháu. Thế nhưng các bé sau khi cám ơn rối rít vì nhận được lì xì liền mở ra xem ngay và xị mặt thì thầm với nhau rằng “ít quá”. Người lớn nghe được cũng không chấp trẻ con mà cười xòa bỏ qua. Nhưng dư âm đọng lại của ngày hôm đó ít nhiều khiến tôi không khỏi phải suy ngẫm, phải chăng do xã hội ngày càng phát triển theo chiều hướng đủ đầy của cải vật chất thì những giá trị nhân văn thường ít nhiều bị xem nhẹ và lãng quên. Nhiều trẻ con thời đại mới thậm chí còn có cuộc sống vương giả, nhận được sự yêu thương từ ông bà, cha mẹ đến mọi người xung quanh dẫn đến lâu dài trong tâm trí các bé thường mặc định những điều đó là hiển nhiên chúng phải được nhận và thậm chí phải được nhận thật nhiều.


“Mỗi món quà nhận được dù thuộc phạm trù giá trị nào đi chăng nữa vẫn đáng quý, đáng trân trọng và đáng được bày tỏ lòng biết ơn chân thành nhất.”

***

* Ba mẹ là mặt hồ tĩnh lặng để con soi chiếu nhân cách

Khi đứa trẻ ngày một lớn lên, đặc biệt ở độ tuổi teen – giai đoạn hình thành và hoàn thiện nhân cách, trẻ thường có xu hướng quan sát những hành động của những người thân xung quanh nhất là ba mẹ để học theo. Từ đó các bậc phụ huynh được ví như mặt gương phản chiếu hầu hết nhân sinh quan về cuộc sống. Để dạy con cách “cho và nhận”, trước tiên ba mẹ nên trong vai trò người truyền cảm hứng qua các thể hiện sự bao dung xoay quanh cuộc sống thường ngày. Có thể đến từ những việc nhỏ như giúp đỡ người khác, cư xử ôn nhu chừng mực và cuối cùng hãy tham gia vào các hoạt động xã hội. Đó sẽ là minh chứng thiết thực giáo dục con hiệu quả hơn bất cứ lý thuyết khô cứng nào khác.

* Dắt dìu con vào những gợn sóng thực tế

Trái với người lớn đã trải qua nhiều tình huống thăng trầm trong cuộc sống và đúc kết cho mình không ít những kinh nghiệm, trẻ con thường non nớt hơn trong cách nhìn nhận vấn đề. Vì vậy ba mẹ nên sẵn lòng chia sẻ mỗi khi con có vướng mắc cần giải đáp, đồng thời tạo không khí cởi mở trong gia đình để trở thành “người bạn lớn” – nơi con tin cậy để tham khảo ý kiến về những mối quan hệ xung quanh. Song song đó sự xung đột giữa những luồng tư tưởng trái chiều là không tránh khỏi vì góc độ nhìn nhận con trẻ bao giờ cũng khác biệt nên ba mẹ hãy luôn cho trẻ thời gian để thích ứng. Nếu bé có những e ngại thì ba mẹ nên chủ động là người chuyện trò, gợi ý và kể những vấn đề gặp phải trong cuộc sống hằng ngày, đồng thời bày tỏ niềm mong muốn lắng nghe ý kiến của con. Tin chắc rằng khi được cụ thể hóa cách giải quyết từng trường hợp sẽ mang lại cho trẻ kỹ năng điều tiết cũng như ý thức hơn trong mối quan hệ giữa “cho và nhận”.

* Bày tỏ lòng biết ơn chân thành

Thời khắc thấu hiểu hoàn toàn những khái niệm giữa các mối quan hệ trong cuộc sống cũng sẽ là lúc ba mẹ tôn tạo cho con lòng biết ơn. Không phải lúc nào cũng nghĩ rằng cho đi để đổi lại những giá trị vật chất được đong đếm rạch ròi, “cho đi” cũng có thể là vốn quý của tâm hồn như việc truyền cho ai đó một tinh thần lạc quan, một ngọn lửa nhiệt huyết khi người khác cần đến ta làm chỗ dựa. Hay đơn giản hơn, “cho đi” như cái mỉm cười thân thiện mà con trẻ có thể dành cho người bạn vừa chuyển đến lớp đôi khi có thể nảy nở tình bạn tươi đẹp. Trên nền tảng cơ sở đó, lấy giá trị nhân văn của tinh thần làm trọng yếu thắp sáng nên trái tim giàu yêu thương. Mỗi món quà nhận được dù thuộc phạm trù giá trị nào đi chăng nữa vẫn đáng quý, đáng trân trọng và đáng được bày tỏ lòng biết ơn chân thành nhất.

Theo nudoanhnhan