Thử đặt câu hỏi “Đã bao giờ bạn thấy cha khóc?”, câu trả lời có lẽ không dễ. Có người chưa bao giờ thấy cha rơi nước mắt, cũng có người không thể chắc cha từng khóc hay chưa.

Trong một lần chia sẻ, Trấn Thành nói anh chỉ thấy được 4 lần cha anh rơi nước mắt, trong 34 năm dài. Con số ấy quá ít ỏi. Chắc chắn, không riêng Trấn Thành. Chẳng biết từ bao giờ, khi nhắc đến cha, người ta hình dung ngay đến sự mạnh mẽ, vững chãi. Hình ảnh người cha với những giọt nước mắt trở nên hiếm hoi, lạ lẫm. 

Cha của chị Ca Dao (27 tuổi, hiện sống và làm việc tại Anh) là nhà giáo Phạm Đình Thành. Ông có một trung tâm dạy ngữ văn nho nhỏ tại Đà Nẵng. Hai mấy năm trên đời, chị chỉ thấy cha rơi nước mắt 2 lần: lần đầu khi ông nội qua đời, lần thứ hai khi chị lấy chồng.

“Lần đầu, trong khi mọi người khóc thương trước sự ra đi của ông nội, ba cố giấu nỗi đau vào trong, lẳng lặng lo hậu sự cho ông chu toàn. "Khi các thầy cô trong trường tới thăm, chắc không kìm được nữa nên ảnh mới khóc”, mẹ nói. 

Lần thứ hai, con gái đi lấy chồng. Trước ngày cưới, ông nói: “Chẳng có chi phải khóc, thằng nào chịu cưới tui còn cho thêm tiền”. Vậy mà lúc làm lễ, ông đứng lên phát biểu: “Con gái tôi còn nhỏ dại, mong anh chị sui chỉ bảo thêm cho cháu. Và... xin hãy yêu thương con gái tôi” rồi bật khóc nức nở. Sau đó hai ba con ôm nhau khóc luôn”, chị nhớ lại.

Hình ảnh cha khóc trong đám cưới được Ca Dao chia sẻ
Hình ảnh cha khóc trong đám cưới được Ca Dao chia sẻ
Khoảnh khắc xúc động khiến chị không thể quên
Khoảnh khắc xúc động khiến chị không thể quên

Chị Ca Dao nói, cha chị thuộc típ đàn ông nhìn ngoài mạnh mẽ, cứng rắn, có chút thô kệch của người miền Trung, nhưng trong lòng rất tình cảm. Cha cũng là người nuôi dưỡng sự lãng mạn từ nhỏ cho chị với khu vườn trồng rất nhiều hoa ở quê.

“Từ trước đến nay, ba vốn mạnh mẽ, cứng rắn. Nếu không hiểu sẽ thấy đôi khi ông hơi nóng tính, lạnh lùng, thậm chí... cộc lốc, nhưng gần gũi rồi mới biết ba là người đàn ông thấu hiểu, tình cảm và ấm áp.

Ba luôn là người rất đặc biệt trong lòng tôi. Cách giao tiếp của ông với tôi cũng hơi lạ. Mỗi lần có chuyện gì quan trọng, khó nói, khó giải thích thì hai ba con lại viết email. Có lần tôi trải qua một biến cố khá lớn, lúc đó hai ba con không cùng chiến tuyến, ông viết mail răn dạy với lời mở đầu: “Ba có vài điều muốn dặn dò con”. Tôi mất tận 3 ngày mới có thể trả lời thư ba, giải thích hết những suy nghĩ trong lòng. Và sau đó, ba từ phe đối lập trở thành đồng minh”, chị kể.

Chị bảo cha chị không thường nói những lời yêu thương ngọt ngào nhưng luôn cảm nhận được giữa hai người luôn có một sợi dây gắn kết đặc biệt, giúp chị cảm nhận được những suy nghĩ, sự quan tâm và yêu thương từ ông.

Cha Ca Dao hôn con gái trong ngày chị lấy chồng
Cha chị Ca Dao hôn con gái trong ngày chị lấy chồng
Ông cũng dành tình càm trìu mến cho con rể
Ông cũng dành tình cảm trìu mến cho con rể

Ngày của cha, ở xa nhau đến mấy nghìn cây số nhưng lòng chị vẫn hướng về ngôi nhà nhỏ ở quê nhà. Ca Dao nói chị vẫn nhớ những lời thơ ngọt ngào của nhà thơ Đỗ Trung Lai trong Tôi ru con gái tôi để dành tặng mọi người, đặc biệt những cô gái nhân ngày của cha năm nay. Ở đó, độc giả có thể nhìn thấy một góc tâm hồn khác hơn của những người cha.

"À ơi con ngủ cho ngoan/ Đắp chăn rồi bố mắc màn cho con/ Nửa đời nước nước non non/ Con vừa một tuổi, bố tròn bốn mươi/ Nửa đời đi ngược về xuôi/ Đêm nay bố ngắm con cười trong mơ/ Môi hồng, da trắng, tóc tơ/ Bố cho máu đỏ, mẹ cho hình hài/ Trời cho tính nết sau này/ Cầu cho con những khéo tay, dịu dàng/ Trong đêm con thở nhẹ nhàng/ Cầu cho con khỏi bần hàn mai sau/… / Đi cùng con lúc tuổi hoa/ Đời người ngắn lắm! Bố già đến nơi/ Nay mai trời gọi lên trời/ Cũng là đã có mấy lời cho con/ À ơi máu đỏ như son/ Mai sau con lớn, con còn nhớ chăng?".

 

Theo phunuonline.com.vn