Sáng sớm, bà cụ vác cái bao cũ kĩ trên vai đi lặng lẽ từ dòng kênh nhỏ ngang qua con hẻm vắng chỗ Miên ở. Buổi trưa, Miên đang nằm trong phòng bỗng nghe tiếng rao não nuột vọng lại từ đầu hẻm: “Ai xôi, chè, đậu hũ non thơm ngon béo ngậy hôn?”. Tiếng rao kéo dài, đặc sệt. Giọng người già khó nhọc bật ra từ cổ họng khô khốc, nặng trĩu như bị đè nén bởi những tủi cực của cuộc đời. Vẫn là cụ già lưng còng đầu đội cái nón lá rách tươm, lúp xúp che kín nửa khuôn mặt rám nắng. Ngày nào người đàn bà cũng quanh quẩn ở cái chợ còm của thị xã quê hương. Chợ nằm cách dòng kênh không xa, Miên không nhớ rõ cái chợ này mọc lên từ khi nào, mãi đến khi Miên rời quê ra thị xã học cấp ba, cái chợ được xây dựng lại, nền chợ cao ráo và đường đi cũng thoáng đãng hơn, người dân đỡ phải xắn quần lội bì bõm trên con đường mùa mưa nước ngập đen ngòm.

Cuộc đời người đàn bà âm thầm kia gắn liền với cái chợ còm xơ xác. Nhà bà ở dưới chiếc ghe bầu con con quanh năm tư lự bên dòng kênh. Mùa mưa, nước dưới kênh dâng lên, rau muống, lục bình đua nhau xanh mượt. Mùa hạn, nước dưới kênh lắng xuống để lộ hai triền sông khô và dài, cũng có khi người dân hai bên bờ vô ý thả rác trôi dập dềnh trên mặt nước bốc mùi tanh tưởi. Bà cụ rời ghe khi trời còn chưa sáng. Tiếng dép sột soạt bao nhiêu năm gieo trên con đường đá cuội, trở thành thanh âm quen thuộc gọi thức người dân sống trong dãy trọ nghèo, gọi thức Miên. Bóng bà lầm lũi, chiếc bao trên vai cứ thế mà nặng dần, nặng dần bởi những vỏ chai nhựa, những lon bia, bao nilon hay những gì có thể bán lại được cho vựa mà cụ già tìm gặp. Sáng nào bà cụ cũng tạt ngang đại lí vé số Năm Roi, lấy vài chục tờ rồi rong ruổi bán trong các con hẻm, khu nhà trọ. Nhiều người cám cảnh mua giúp cụ tờ vé số, cũng có hôm cụ bị bọn côn đồ đầu đường xó chợ chặn đường giật vé số rồi hả hê ra đi, để lại những giọt nước mắt vắn dài lặn trên đôi gò má sạm màu của cụ...

Hôm nay Miên không đến cơ quan. Chủ nhật, Miên tranh thủ thức dậy thật sớm đi chợ mua ít hoa quả, rau củ về chuẩn bị bữa ăn thịnh soạn sau một tuần làm việc mệt nhọc. Phòng trọ nhỏ Miên kê cái giường ngủ, bàn đặt kệ sách, cái tủ đựng quần áo và góc bếp con con. Đang loay hoay nấu ăn, bỗng Miên nghe có tiếng ai đó la thất thanh, tiếng kêu trời và tiếng khóc rưng rức vọng lại từ phía dòng kênh nhỏ. Miên vội tắt bếp, chạy ra cửa, đứng lóng ngóng. Vài người phụ nữ bồng con nghe tiếng khóc cũng hớt hải chạy ra xem chuyện gì. Mấy đứa trẻ con nhanh nhảu đi trước, biết chuyện, chúng nó chạy ngược về xóm trọ tếu táo báo tin:

- Chiếc ghe bà già bán vé số chìm rồi kìa.

- Trời ơi, sao khổ dữ vậy? - Người hàng xóm buột miệng.

- Cứu người đi, thấy bà cụ chấp chới dưới nước, thương quá.

Miên khép hờ cánh cửa rồi chạy vùn vụt về phía dòng kênh. Khi Miên đến nơi thì mấy người đàn ông đã đưa được hai người già nua tóc bạc lên bờ. Ông cụ ngồi dưới gốc chuối, run rẩy. Bà cụ mình mẩy ướt sũng, quệt nước mắt quờ quạng nhặt nhạnh cái rổ, cái thùng, những món đồ trôi ra từ chiếc ghe. Bà ngưng khóc, đôi mắt mây mờ bỗng chốc đỏ hoe. Tóc bà rã rượi. Người xóm trọ đang gồng mình kéo chiếc ghe lên bờ, ngó nghiêng tìm lỗ thủng. Chiếc ghe bầu cũ kĩ này vợ chồng bà cụ đi từ hồi mới lấy nhau, hồi đó ông cụ đóng ghe bằng gỗ cây mù u, chắc lắm. Mà chắc chắn cỡ nào rồi cũng bị thời gian mài mòn, gạch đá còn mòn huống chi cây gỗ. Lũ hàu bám một lớp dưới đáy ghe. Trời mưa, tháng nắng, những đêm nước lên khiến đáy ghe nứt toác một đường, nước chui qua kẽ hở vào trong ghe, đầy dần rồi chìm đắm. 

Vất vả một lúc thì số đồ đạc trôi sông cũng được bà cụ và người xóm vớt lên hết. Người xóm trọ là thế, nghèo cực chứ chí nghĩa chí tình. Họ là dân tứ xứ tụ lại trong xóm tìm kế sinh nhai. Họ đối đãi với nhau bằng cả tấm lòng, sẵn sàng giúp nhau khi gặp khó khăn hoạn nạn. Mọi việc đã xong xuôi, người đàn bà tay xốc nách đứa nhỏ, tay chống hông đứng trên bờ vừa chớp mắt vừa nói:

- Khổ nỗi. Ghe xuồng thế này làm sao mà ở được đây hả cụ?

Bà cụ vuốt lại mớ tóc màu mây, quấn lại một lọn bé xíu sau gáy, nói bằng giọng cơ hàn:

- Tui cũng không biết làm sao. Ướt hết cả rồi. 

Miên lặng lẽ bước đến bên cạnh ông cụ. Hồi trước đến giờ Miên nghe người trong xóm kể về ông lão, nhưng chưa một lần trông thấy mặt ông. Từ khi neo ghe ở dòng kênh nhỏ chảy ngang qua xóm chợ tòm tèm, ngót nghét mấy năm trời, Miên không bao giờ thấy ông cụ bước khỏi chiếc ghe lên bờ. Ông vẫn sống lặng lẽ dưới chiếc ghe đợi mùa nước lớn, buồn lòng ông lão kéo đờn cò, toàn mấy bài buồn rũ rượi vang lên trong những đêm sương thắt thẻo tiếng cúm núm kêu ơ hời não nuột. Người ta bảo ông cụ khổ gì, sầu gì mà đờn bi thiết dữ vậy không biết? Miên không biết. Người xóm nghèo cũng không biết. Ông cụ vẫn âm thầm. Bấy giờ Miên ngồi cạnh bà cụ già, thấy cụ run run, Miên xoa xoa bờ vai trơ gầy của bà cụ, hỏi khẽ:

- Cụ khổ quá! Ông bà đều già hết cả rồi mà vất vả thế này, rồi con cháu cụ đâu?

Bà cụ buồn bã kể lại:

- Hồi đó, tui với ổng có đứa con. Cô nghĩ xem, sống quanh quẩn trên ghe, không đất, không nhà, sao chịu nổi? Rồi nó bỏ vợ chồng tui đi biệt xứ, nó bảo đi làm ăn xa, chừng nữa nó về. Vậy là vợ chồng tui đợi.

- Rồi anh ấy có về không? Hả cụ? - Miên tiếp lời.

- Không cô ạ! Tui đợi mấy năm trời không thấy nó về, trong dạ nghĩ mà đau: không biết nó có gặp tai họa gì không mà đi mãi. Buồn quá vợ chồng tui cũng lang bạt trên ghe, đi đến giờ này vẫn chưa một lần gặp lại con...

Nói đến đó, nước mắt bà cụ chảy ra. Hai giọt nước mắt hiếm hoi lăn lăn trên gò má, lăn xuống cằm rồi nhểu vào cổ áo. 

Ngừng một chút, như để nuốt những nghẹn ngào vào lòng, bà cụ lại nói bằng những lời xót xa, buồn tủi. Lúc này mọi người đã về hết cả rồi, nắng đã lên cao và mặt kênh bắt đầu rực rỡ bởi những tia nắng long lanh soi rọi.

- Hồi đó, ông ấy có đi bộ đội. Trong trận chiến, ông ấy bị bom Mỹ phạt đứng mất đôi chân. Đến giờ vẫn phải đi chân giả đó cô.

Vừa nói, bà cụ vừa chờm người sang kéo ống quần ông lão lên một đoạn, đặt vào mắt Miên là đôi chân bằng gỗ được đẽo gọt cẩn thận, sơn màu da. Đôi chân vô tri, vô giác. Đôi chân bằng gỗ thay thế đôi chân bằng xương bằng thịt - di chứng của chiến tranh. Hình ảnh ấy khiến Miên nghẹn ngào, Miên ngoảnh mặt vội đi kẻo chút nữa cô sẽ khóc. Miên chưa bao giờ rơi nước mắt trước mặt ai, nhất là những người cơ khổ. Không phải vì Miên có trái tim sắt đá hay vô cảm, mà vì Miên không muốn người ta nghĩ rằng mình đang thương hại người ta. Miên không muốn người khác thương hại mình như cái thuở mẹ mất, Miên bị người nhà họ nội ruồng rẫy, hắt hủi. Miên luôn mạnh mẽ, là phóng viên bao lần lăn xả để lấy tin, viết bài, hoàn cảnh nào Miên cũng từng chứng kiến. Có hoàn cảnh khiến tim Miên nhói đau, quặn thắt. Hóa ra, ông cụ cứ luẩn quẩn trên chiếc ghe bầu này cũng vì đôi chân bị chiến tranh cướp mất. Người đàn bà cực nhọc hằng ngày lầm lũi ra chợ, lao vào cuộc mưu sinh gian nan ở cái tuổi lẽ ra phải được chăm sóc, chở che. Miên hỏi:

- Cụ sống trên ghe, cực khổ nhất là khi nào hả cụ?

- Mưa gió cô ạ! Cô thấy đó, cái ghe bé tẹo, mưa chướng hất nước ướt tứ tung, có chỗ nào ráo đâu? - Ngẫm ngợi một lúc, bà cụ nói tiếp - Mà đói cũng được xem là cực nhất chứ cô? Có hôm tui bệnh, không đi nhặt được ve chai hay bán vé số, trong khạp không còn hột gạo. Tui phải nấu cháo loãng để hai vợ chồng húp, quẹt nước mắm thắng, ăn mà nước mắt trào ra.

Miên nhìn bà cụ, bà cụ nhìn ông cụ, ông thả mắt về phía dòng kênh. Đôi mắt dợn lên nỗi âu lo, trăn trở. Bên bờ kênh, chiếc ghe bầu nằm chênh vênh, thủng đáy, rồi họ sẽ sống ở đâu khi vết nứt toác dưới đáy ghe chưa được chữa lành? Gió xơ xác gió. Gió thốc qua xé toạc tàu lá chuối xanh rờn trên đầu ông cụ. Non trưa, nắng đã lên, con đường nhỏ xôn xao tiếng cười đùa con trẻ, ai đi qua cũng lặng lẽ nhìn hai vợ chồng người già ngồi dưới mái lá che tạm chỗ gốc chuối bên bờ kênh, cái nhìn ái ngại, cảm thương...

*

Bài viết về đôi vợ chồng già, sống lênh đênh trên chiếc ghe bầu nhỏ xíu của tác giả Mộc Miên vừa được đăng tải sáng hôm nay. Miên mừng húm. Mấy năm trời theo nghề báo chí, đi tác nghiệp, đăng không biết bao nhiêu bài. Vậy mà bài viết hôm nay khiến Miên xúc động lạ kì, ngỡ như lần đầu tiên Miên được cầm bút. Cảm giác ấy bất chợt khiến Miên nhớ về lần đầu tiên cô được đăng bài trên tờ báo trung ương có tiếng. Cầm tờ báo trên tay, Miên hấp tấp chạy đến bên dòng kênh nhỏ vắt ngang xóm trọ nghèo nàn, gọi to:

- Cụ ơi, cụ, cháu cho cụ xem cái này này!

Người đàn bà thập thững bước lên, cười hiền:

- Xem gì vậy, cô phóng viên?

- Bài viết về hai cụ đã được đăng rồi này!

Cụ già chưng hửng:

- Trời, cô viết về vợ chồng chúng tui à? Có cần phải nhọc lòng vậy không hả cô? 

- Không đâu, bà ạ! Vì những người đã từng hi sinh vì đất nước như cụ ông, vì những người đàn bà thầm lặng, giàu đức hi sinh như cụ bà... không nên bị cuộc đời bỏ quên...

Người già cầm tờ báo trên tay, tự dưng bà thấy mắt mình ươn ướt. Bà đưa tay quệt nước mắt, nhìn Miên, và mỉm cười. Nụ cười tươi rói. Bài báo mang tên: “Để đời không bỏ quên...”. 

Miên hớn hở:

- Cháu có kêu gọi những tấm lòng cao cả quyên góp, ủng hộ, xây cho vợ chồng cụ căn nhà nhỏ, gọi là nhà tình thương, để an yên những ngày còn lại của cuộc đời.

Người đàn bà ngẩn mặt nhìn Miên. Bên trong đôi mắt kia là những giọt hồng vỡ òa, long lanh, hạnh phúc...

Hoàng Khánh Duy (baolamdong)

Theo Quehuongonline.vn