Đang mùa dịch bệnh, nhiều nơi giãn cách xã hội, hạn chế tối đa tiếp xúc, thời gian cả gia đình ở nhà cùng nhau nhiều hơn.

Mấy hôm nay, vô tình đọc đoạn nhật ký ở nhà chống dịch được chia sẻ nhiều trên Facebook, thoạt tiên thấy vui vui: suốt ngày chỉ quanh quẩn “mẹ mắng em - mẹ mắng bố… Thức dậy ăn: mắng, chơi cũng mắng, ngủ lại mắng” nhưng ngẫm nghĩ hồi lâu, không dưng, lòng tôi lại dội lên những băn khoăn.

Phải chăng, có một áp lực mang tên hoàn hảo trong nhà từ đàn bà - những người xây tổ ấm?

ẢNH: BÙI ĐÌNH CHƯƠNG
ẢNH: BÙI ĐÌNH CHƯƠNG

Tôi nhớ ba mẹ mình. Tuổi già chỉ có hai ông bà vào ra với nhau. Căn nhà thênh thang, quét đằng sau chưa xong đằng trước sân lá đã rụng đầy; lau bàn ghế ở phòng ăn chưa xong, phòng khách bàn thờ bụi đã phủ. Vậy mà khi ba tôi cầm cây chổi hay cái khăn lau, bao giờ mẹ cũng chặn ngang: “Thôi, để đó!”.

Ông rửa chén thì bà chê không sạch. Cái chén từ đời thuở nào, mẻ miệng trầy xước là bình thường, có gì bền mãi theo thời gian đâu. Vậy mà thi thoảng mẹ lại bê ra hết, đẩy gọng kính lão lên xuống, cẩn thận như cô giáo chấm bài học sinh, rồi chép miệng như lúc soi tay chân mấy đứa cháu bị té ngã hay muỗi cắn, như thể đứt hết ruột gan: “Ba rửa chén hay tụi con rửa mà hư hết của mẹ”. 

Mỗi lần giỗ, tết, nhìn mẹ cứ lăng xăng trong gian bếp, chẳng chịu ngồi xuống nghỉ ngơi giây phút nào, tôi thật tình thấy thương mà cũng thắc mắc ghê gớm. Con cháu đứa nào cũng lớn, thậm chí cháu ngoại mẹ đã đến tuổi lấy chồng mà bà cứ thức khuya dậy sớm lục đục ngâm nếp, ngâm đậu, luộc gà, ướp thịt, không giao hay kêu réo đứa nào.

Nhiều lúc chị em, dì cháu mải nói chuyện vui quá ngồi cười hỉ hả, quên mất bà ngoại đang lúi húi ở đâu đó. Giật mình, chúng tôi thấy hối hận chạy đi kiếm bà, đỡ cái rổ, cái thúng trên tay, có khi bị bà dỗi: “Có ai làm đâu mà mẹ ngồi?”. Có khi bà lỏn lẻn cười hiền khô: “Ngồi chơi đi, mẹ làm được!”.

Đành rằng có học bao nhiêu lần tôi cũng không thể gói được đòn bánh tét như mẹ, đành rằng chị Hai nếu rửa chén thì thể nào cũng làm bể, Út đứng quét nhà cái lưng thẳng băng, cháu ngoại tưới cây chỉ có giẫm hết chồi non… nhưng không lẽ vì thế mà mẹ cứ ôm mọi việc lớn nhỏ trong ngoài vào mình?

Bởi tôi nghĩ, mấy ai trưởng thành trong suôn sẻ và bảo bọc bao giờ. Cũng mấy ai làm gì mà không vướng vấp sai sót.

Cũng chẳng mấy ai có thể nhẹ nhàng cho được khi nắm níu, đeo mang quá nhiều thứ trên vai. Cuộc sống của chúng ta thú vị phải chăng chính vì nó bất toàn và đầy va vấp? Đàn bà có cần thiết phải xem cái nhà là lãnh địa của riêng mình và gian bếp là nơi bất khả xâm phạm thì mới tự hào, mới cảm thấy vui?

Em gái tôi hay nói: “Khi nào chị có một cái nhà riêng mà từng viên gạch cánh cửa do chị đổ mồ hôi vất vả chọn, từng cái chén do chị sắm sửa từ những ngày khó khăn, chị sẽ hiểu được mẹ”.

Tôi biết em nói đúng. Đúng như khi chúng ta mang thai, chấp nhận chênh vênh đi biển mồ côi để sinh ra một đứa con, chúng ta mới hiểu thế nào là tình yêu thương con của người mẹ.

Thế nhưng, vấn đề ở chỗ có vẻ nghiêm trọng hơn sự trải nghiệm và thấu hiểu, là cái gì đó cao hơn, tôi không diễn tả được, chỉ biết rằng đó là áp lực, khiến cho tất cả, kể cả bản thân mình cũng không thể thanh thản, vui vẻ. Vậy hà cớ gì lại mang dây tự buộc lấy mình?

Suy tận cùng, mọi thứ xung quanh chúng ta từ cái nhìn thấy, đong đo được, như cái nhà, cái xe đến những mối quan hệ tình cảm - gia đình, bạn bè hay tình yêu - cái đích cuối cùng cũng chỉ là làm sao cho mình vui vẻ, thoải mái.

Không nhất định mọi thứ trong tay phải hoàn hảo thì mới khiến mình thanh thản, hạnh phúc. Cái xe chúng ta có không nhất thiết phải mắc tiền lộng lẫy, căn nhà thi thoảng bề bộn, món ăn không nhất thiết phải ngon, tiền bạc không nhất thiết lúc nào cũng phải dư dả, người mình yêu thương không nhất thiết cái gì cũng giỏi…

Tôi chắc hẳn mẹ không thể thấy thoải mái hay vui cho lắm khi sau mỗi lần con cháu tụ họp, với từng ấy việc, việc nào cũng không cho ai làm, kết quả đôi chân đã đi gần cả một đời vất vả mỏi như ai lấy dao mà dần, từng khớp xương như chực rơi ra, có khi nằm bệnh cả tuần mới khỏi.

Sau nhiều lần bị mẹ cằn nhằn rửa chén không sạch, ba không thèm rửa nữa, bỏ đi chơi. Mẹ lại tiếp tục giận hờn. Tựa như một người tự đưa tay cào lấy mình cho trầy da, rồi ngồi rơi nước mắt, cũng một mình.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Tôi ước gì mẹ và tất cả đàn bà trên khắp thế gian đều hiểu rằng ai cũng thích gần một khuôn mặt vui vẻ, tươi cười, một khuôn mặt giãn ra, thực sự thư thả từ sự bao dung, buông bỏ.

Tôi lại cảm thấy thương mẹ thật nhiều. Ước gì mẹ có thể ngồi im đó nhìn ba tôi rửa chén, dẫu chưa sạch hay bể một hai cái cũng không sao.

Mẹ hãy cứ thong thả uống ly nước, ăn miếng trái cây để cảm nhận cuộc sống thật tuyệt khi được yêu thương và chia sẻ chứ không phải cố oằn mình gánh vác, xong việc thì hài lòng về cái sự tròn vẹn, hoàn hảo nhưng không hề có cảm giác hạnh phúc, vui vẻ mà chỉ thấy tủi thân, cô đơn vì không có sự thấu hiểu. Vậy hoàn hảo, chỉn chu để làm gì?

Vốn dĩ cuộc sống không thiếu những áp lực. Chúng ta sống là để vui. Trong chính mái nhà của mình, có cần thiết đàn bà gây nên áp lực, ngăn không cho mình được vui? 

 

Theo phunuonline.com.vn