Trong những con hẻm nhỏ là nhiều quán ăn, cà phê xinh xắn
với không gian xanh mướt



Một buổi sáng tháng 8, tôi lang thang và lạc vào một con hẻm nhỏ trên đường Trần Cao Vân, quận 1. Hẻm số 28, đầu hẻm chật kín những chiếc xe máy của những nhà hàng lân cận, nhưng càng vào bên trong, những không gian rộng rãi, thoáng đãng bất chợt hiện ra.
Con hẻm dài vài chục mét mà hội tụ đủ văn hóa ba miền, từ cà phê Sài Gòn, món ngon Hà Nội tới cơm gà Quảng Nam. Nghe giọng nói của người dân trong hẻm, từ bác trông xe, cô đẩy chiếc xe đạp bán chuối hấp, đậu phộng rang hay chị gái đang nướng gà mỡ chảy xèo xèo trên than củi… cũng ngờ ngợ đoán họ đến từ đủ mọi miền quê.

Chân tôi dừng bước ở một quán cà phê nhỏ gọn nhưng rất xinh với những giỏ cây treo trước mái hiên và những chiếc ghế cũ, có dựa lưng, kê vào sát bên tường. “Nhà anh Trung”, cà phê tên vậy. Tôi hỏi cậu thanh niên đang pha đồ uống, thấy tiếng cười giòn tan “vì cái nhà này thuê của anh Trung”. Sài Gòn mộc mạc và dễ gần như thế, từ cái tên của quán.

Đường Trần Cao Vân có một con hẻm thú vị khác, số 20. Bên ngoài hẻm là một quán ăn khá sang trọng và đông khách, nhất là vào buổi trưa Trong hẻm là đủ các loại hình kinh doanh, từ món ăn với phở Hà Nội, hủ tiếu Nam Vang, văn phòng bất động sản, cho tới cà phê…


Quán cà phê nằm sâu tít bên trong hẻm có lợi thế là một khoảnh sân rộng, tha hồ cho khách để xe. Sàn gỗ, cầu thang gỗ, nội thất bài trí theo hướng cổ điển, nhạc nhẹ nhàng, thích hợp cho những ai cần một không gian tĩnh lặng suy nghĩ hoặc đọc một cuốn sách hay. “Chị chủ quán em thích đọc sách, nên hay kết hợp với các bạn khác làm sách cũ, tổ chức những phiên trao đổi sách ngay ở quán này”, cậu thanh niên pha chế chừng 19 tuổi nhoẻn miệng cười khi nghe tôi hỏi lý do tên wifi là “cà phê sách”…


Ngày nào tôi cũng đi làm và trở về nhà trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, xuyên suốt con đường này có những con hẻm với những quán cà phê nhỏ thôi nhưng thu hút nhiều người trẻ đến, tìm một không gian cho riêng mình. Tôi tiếc hùi hụi khi một ngày trở lại hẻm 15/29, cà phê có cái tên rất đặc trưng Sài Gòn hẻm đã đóng cửa, chuyển sang nơi khác vì phải trả mặt bằng.
Cái quán bé xíu, là phần trệt của căn nhà có sơn màu xanh da trời, lầu trên là những gian phòng cho khách du lịch thuê theo kiểu “homestay”, trước cửa là giàn hoa giấy nở bung. Ngay đối diện quán là một quán chuyên đồ ăn Hà Nội nghe tên đã muốn thử “Béo ơi”, sát bên quán cũng là một hội quán cà phê khác, thi thoảng có các buổi triển lãm tranh, nói chuyện với các nhiếp ảnh, tác giả sách… Thế mà, khi hoa giấy vẫn còn nở đỏ hồng, nắng Sài Gòn vẫn còn chứa chan, những quán cà phê ấy đã không còn chốn cũ…


“Em thích ngồi ở quán này, dù chỗ cho mình chỉ là cái bàn bé xíu xiu, quay ra cái cửa sổ cũng bé tẹo teo, có mấy bông hoa khô lơ thơ. Cứ trưa là chạy ra đây, ngồi một lúc rồi vào cơ quan làm tiếp. Lâu thành người quen chốn này”, Phạm Việt Anh Minh, chàng trai sáng lập ra Humans of Sài Gòn nói với tôi như thế, trong ngày đầu tiên chúng tôi gặp nhau.
Nếu như Hà Nội có ngõ thì Sài Gòn có hẻm. Ngồi trong hẻm Sài Gòn, tôi nhớ Hà Nội, nhớ cảm giác hồi hộp khi bước vào những con ngõ nhỏ, ngoằn ngoèo, bé xíu, tối om nhưng rồi vỡ òa khi gặp không gian đầy nắng, hoa, cây xanh trong những ngôi nhà cổ.
Hẻm Sài Gòn, ngõ Hà Nội, chắc ai đi xa cũng thường nhớ lắm…

Theo Thanh niên