Một phiên chợ phiên ở Hà Nội. Ảnh minh họa

Chợ phiên - không chỉ là phiên chợ

Có một điều thú vị là hầu hết các chợ phiên nói chung và chợ phiên ở xứ Ðoài nói riêng, đều mang những tên nôm mộc mạc và dân dã. Vùng Thạch Thất, nổi tiếng nhất phải kể đến chợ Nủa - xã Hữu Bằng, chợ Nưa - ở Chàng Sơn. Sang mạn Ðan Phượng, chợ phiên càng dày đặc như chợ Gối, chợ Dày, chợ Phùng. Huyện Hoài Ðức nổi tiếng với chợ Sấu ở Dương Liễu. Ðất Sơn Tây có chợ Mía, chợ Nghệ...

Chợ phiên là một nếp sinh hoạt dân gian có từ lâu đời. Cứ vài ngày, dân cả tổng, cả huyện mang những sản vật ngon nhất đến chợ phiên. Chợ Gối họp vào các ngày 4 và 9 (mồng 4, 9, 14, 19, 24, 29 âm lịch), chợ Trôi họp vào mồng 1, mồng 6, chợ Dày họp vào ngày 3, ngày 7... Mỗi phiên chợ lại có những sắc thái riêng. Ca dao xứ Ðoài viết:

Hà Ðông có chợ đàng xuôi
Ngỗng, vịt cũng lắm, đồ chơi cũng nhiều.
Chợ Nghè có món bún riêu
Bún cua, bún ốc, bún tiêu, bún gà
Bún đường bừa cái sợi nó ngà ngà
Riêu cua đầy gạch đổ òa lên trên

hay:

Tưởng rằng chợ Sái mỹ miều
Chỉ lắm hàng củi với nhiều hàng cơm
Chợ Nưa hàng giậm hàng rơm
Chợ Trôi hàng vải, hàng cơm dải dầu...

Bác Trần Tuyết, một người con của tổng Gối (tức xã Tân Hội, huyện Ðan Phượng ngày nay) cho biết, xưa kia vào ngày phiên, người dân quanh vùng kĩu kịt gánh hàng hóa từ mờ sáng đến chợ để buôn bán. Tổng Gối có nghề dệt, nên người ta mang sợi đến bán, đồng thời cất vải đem đi các nơi. Nay nghề dệt không còn, người ta không còn buôn bán sợi, vải nữa, nhưng chợ Gối vẫn là nơi buôn bán nông thổ sản có tiếng trong vùng. Trong các làng của tổng Gối, làng Thúy Hội có nghề rèn, bởi thế, các nông cụ dao, cuốc, cày... vẫn là một thứ đặc trưng. Ở khu vực này, cứ mua nông cụ, người ta lại nhớ ngày 4, ngày 9, ngày phiên của chợ Gối.

Trao đổi ý kiến với chúng tôi, họa sĩ lão thành Phan Kế An, một người con của đất Ðường Lâm - (Sơn Tây) cho biết: "Từ bé tôi đã được đến các chợ phiên. Ðường Lâm có chợ Mía nổi tiếng. Giữa ngày chợ lép và ngày chợ phiên không khí hoàn toàn khác nhau. Ðến với chợ phiên, người ta không chỉ tính chuyện mua bán, mà còn đến để giao lưu, sinh hoạt văn hóa. Chợ phiên có thể coi như những ngày hội nho nhỏ ở địa phương. Những ngày giáp Tết càng đông vui, nhộn nhịp nhiều sắc mầu".

Chợ phiên nên được coi là một di sản văn hóa

Khi Hà Tây hợp nhất với Hà Nội, văn hóa xứ Ðoài hòa vào dòng chảy của văn hóa Thăng Long. Người ta mừng vì khi được về với Thủ đô, tốc độ đô thị hóa sẽ nhanh hơn, đời sống người dân của cả một vùng rộng lớn sẽ có nhiều thay đổi, nhất là về cơ sở hạ tầng. Nhiều con đường mới, nhiều ngôi nhà mới... sẽ được xây lên, để "vùng 2" của Thủ đô theo cách nghĩ nôm na của nhiều người, sẽ tương xứng với "vùng 1". Nhưng sự đô thị hóa, không chỉ toàn những ưu điểm. Tốc độ đô thị hóa chóng mặt có thể khiến nét "chân quê" của những chợ phiên xứ Ðoài mai một, nhất là khi nhìn vào số phận long đong của những chợ phiên Hà Nội.

Trong số các chợ phiên Hà Nội, nổi tiếng nhất là chợ Bưởi. Theo ước đoán của các nhà nghiên cứu, chợ Bưởi hình thành từ đời Lý với quy mô nhỏ. Ðến cuối thế kỷ 19, chợ Bưởi đã là một chợ lớn ở ven kinh thành Thăng Long. Chợ Bưởi họp ngày 4, ngày 9, những người từ nơi xa đem cây cảnh, vật nuôi, nhất là chó mèo, chim cảnh về đây để bán. Nhiều người đến chợ Bưởi không chỉ để mua hàng mà đi chợ Bưởi chỉ để ngắm cây, ngắm chim nhằm thư giãn. Một khu chợ như thế, rất cần với Hà Nội, nơi thú chơi cây được coi là một nét thanh lịch của Tràng An. Những phiên chợ đó còn là nơi tìm lại chút phong vị chân quê sau những ồn ào phố thị.

Chính bởi thế, nhiều người Hà Nội thấy nuối tiếc khi xây chợ Bưởi mới, người ta không dành không gian cho cây cảnh, vật nuôi nên những người bán hàng phải bày cây cảnh ra vỉa hè. Giờ, ngày phiên, người ta vẫn đến khu vực cuối phố Hoàng Hoa Thám để bán hàng, nhưng lúc nào cũng nơm nớp nỗi lo bị phạt, bị đuổi. Xây dựng lại chợ Bưởi, hình như người ta quên rằng, nhu cầu làm đẹp ngôi nhà bằng cây cảnh, nhu cầu giải trí của người Thủ đô, dù đô thị phát triển đến mấy, vẫn là một nhu cầu thường trực hiện hữu.

Xứ Ðoài có nhiều chợ phiên nhưng ngày càng mai một. Có thể, một ngày nào đó, sẽ có những chợ phiên không còn nữa. Khi nói đến chợ phiên, họa sĩ Phan Kế An tâm sự: "Cuộc sống hiện đại cần những siêu thị, nhưng tôi cho rằng nó chưa đáp ứng hết nhu cầu và nhất là thói quen tiêu dùng của người Việt. Hơn nữa, chợ phiên còn là một hoạt động văn hóa. Bởi thế, trong quy hoạch, cần phải để chợ phiên song song tồn tại với những khu chợ hiện đại".

Nhà nghiên cứu văn hóa Bùi Thiết thì cho rằng, sở dĩ chợ phiên hiện nay tiềm tàng nguy cơ mai một vì chúng ta chưa có khái niệm... chợ văn hóa. Chợ phiên ngoài tính chất mua bán, còn là một loại hình sinh hoạt văn hóa - bởi thế, chợ phiên là một di sản văn hóa. Hà Nội đang làm mất đi chợ phiên, theo nhà sử học Bùi Thiết, nguyên nhân chính là do chúng ta không coi chợ phiên là một hoạt động văn hóa, không đưa chợ phiên vào danh sách di sản văn hóa. Việc xếp hạng những chợ phiên nào là chợ văn hóa là rất cần thiết. Khi xếp hạng, chúng ta mới có phương pháp bảo tồn hữu hiệu.


Theo Quehuongonline.vn