Ông Andy cùng gia đình trong những chuyến du lịch tại Việt Nam - Ảnh: NVCC

Anh Hoàng Minh (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) vẫn thường viết thư tình cho vợ vào những ngày không đặc biệt. 

"Gửi K.P. hay khóc nhè! Anh thương em và con nhiều lắm. Con và em là những mảnh ghép quan trọng trong đời anh..." - trích một trong những thư tay anh viết cho vợ.

Mỗi ngày đều phụ vợ

Anh Minh chia sẻ anh luôn trân trọng những người phụ nữ xung quanh mình. Anh tạm "chia" ba nhóm nữ trong gia đình: Bà và mẹ - vợ - con gái. Ở cơ quan thì có sếp nữ và đồng nghiệp nữ. 

"Đối với bà và mẹ, mình luôn kính trọng và tỏ lòng biết ơn. Vợ và con gái thì mình yêu thương, ủng hộ, động viên, giúp đỡ. Đối với sếp nữ thì mình tôn trọng vì họ là người đứng mũi chịu sào" - anh Minh bộc bạch.

Chị Pha Lê, vợ anh Minh, mỉm cười hạnh phúc: "Mình thấy có ngày đặc biệt dành cho phụ nữ đã là vui rồi. Do vậy mình không vịn vào đó mà đưa "yêu sách" đối với chồng mình bao giờ. Nhưng có điều tất nhiên là phụ nữ vẫn thích được chồng quan tâm và dù chỉ để nói rằng "Chúc mừng ngày 8-3/ Tui giặt giùm bà cái áo của tui". 

Bản thân mình cũng xem đây là dịp để nói và thể hiện sự quan tâm với bà, mẹ và chị của mình, dù có khi bận bịu công việc và xa nhà, mình cũng chỉ kịp gọi để nói lời chúc mừng thôi".

Còn ông Andy Robins (người Anh) có vợ là người Việt Nam và mới sống ở đây một năm nhưng khá thích thú về những ngày lễ như 8-3 tại đất nước của vợ. 

Ông chia sẻ: "Ở Anh dường như không ai quan tâm đến ngày này. Nhưng ở Việt Nam, không khí chuẩn bị cho ngày này khá là chu đáo. Như trong công ty, chúng tôi đã chộn rộn tổ chức ngày hội này cho các chị em phụ nữ. 

Còn ở gia đình, tôi sống với một người phụ nữ quá tài năng, điều hành một tập đoàn đa quốc gia và chăm sóc hai con nhỏ. Vậy thì làm sao mà tôi không yêu cho được. Mỗi ngày tôi phụ vợ đưa con đi học, rồi tôi đi làm, chiều lại đón con. Vợ tôi thường xuyên đi công tác nước ngoài, việc chăm con tôi vẫn hoàn thành tốt".

Làm bạn với mẹ

Không được ở gần nhau, mẹ ở Phan Thiết, còn bản thân đi làm tại Sài Gòn, anh Phạm Dũng (32 tuổi) có thói quen gọi cho mẹ hầu như mỗi ngày. 

"Thường thì câu chuyện chẳng có gì, tôi chỉ hỏi mẹ ăn uống gì, đi chợ chưa, chân cẳng mẹ thế nào vì mẹ tôi bị đau chân nhưng đã thành thói quen, không gọi lại thấy thiếu" - anh kể.

Đến ngày đặc biệt, 8-3 hay 20-10, là anh Phạm Dũng lại lên lịch để hai mẹ con đi du lịch cùng nhau. Nhiều năm nay, anh và mẹ đã trở thành người đồng hành đi khắp nơi như Nepal, bảy nước Đông Nam Á... 

"Mẹ đau chân lại lớn tuổi nên tôi không chọn đi tour mà đi tự túc. Lúc nào mẹ khỏe thì đi, không thì hai mẹ con ở lại khách sạn nghỉ ngơi, không cần phải đi đủ điểm này, điểm kia" - anh chia sẻ.

Anh nói mình còn trẻ, còn nhiều dịp để đi đó đi đây với bạn bè. "Mẹ thì đã bao nhiêu cực khổ, tuổi cũng đã lớn nên làm được gì cho mẹ thì phải làm ngay" - anh Dũng bộc bạch.

Trên trang Facebook của Lê Anh Tú (30 tuổi, Q.3, TP.HCM) không chỉ có ảnh chụp cà phê, gặp gỡ bạn bè mà cả những bức ảnh "hẹn hò" của hai mẹ con anh.

Những buổi “hẹn hò” của Anh Tú và mẹ ở quán trà sữa, cà phê, quán ăn… - Ảnh: NVCC

Mẹ anh, cô Nguyễn Thị Kim Hương (62 tuổi), hưởng ứng con trai bằng cách "pose" hình (khoe ảnh) rất xìtin với anh khi hai mẹ con đi trà sữa, ăn nhà hàng...

Anh Tú kể về một thói quen anh đã duy trì suốt bảy năm nay từ khi mẹ về hưu: "Mẹ tôi là cô giáo, hồi còn đi dạy thì ngày 20-11 rồi ngày 8-3 học trò đến chơi, tặng hoa vui lắm. Sau này khi mẹ không còn đi dạy, cứ đến ngày nhà giáo tôi đưa mẹ đi chơi, tặng hoa cho mẹ để bù đắp cho không khí hồi xưa".

Những ngày đặc biệt như sinh nhật mẹ hay 8-3, hai cha con anh cùng vào bếp tạo không khí gắn kết trong gia đình.

Theo tuoitre