Minh họa

Ngày tôi học cấp một, trong những bài văn miêu tả về người thân, chẳng bao giờ tôi viết về cha. Lúc đó, hình ảnh của mẹ gần như chiếm trọn trong trái tim non nớt của tôi. Mãi đến tận bây giờ, khi nhớ lại những kỷ niệm bên cha, tôi lại thấy thương cha thật nhiều.

Tuổi thơ của cha không được may mắn như người khác. Đến bây giờ, cha cũng không biết mình bao nhiêu tuổi. Chỉ nghe mấy ông bà già quen biết kể lại cha cùng trang lứa với người này người khác nên chắc cũng cùng tuổi ấy, sinh năm ấy. Bà nội mất khi cha chưa đầy 4 tuổi, ông nội cứ mải miết đi kiếm ăn rồi lần lượt nên duyên với ba bà sau này nữa.

Chưa đầy mười lăm tuổi, cha đã tham gia thanh niên xung phong đi đào kênh mương trong huyện. Lớn lên chút nữa, cha tham gia bộ đội trong Nam từ trước giải phóng. Lúc xuất ngũ về quê, chán cảnh gia đình, cha lại ra tận Phú Thọ ở với ông chú mấy năm mới về. Mẹ kể lại, ngày cha mẹ lấy nhau, ở chung với ông bà và các cô chú mấy năm, lúc ra ở riêng, chỉ được vài bát gạo. Có cái chum sành đựng nước mưa ông nội cho, bà nội kế cũng vào tận nhà chửi bới và lấy lại.

Nhớ những năm 90, cả gia đình tôi ở trong một căn nhà dột nát, xiêu vẹo. Vào những ngày mưa lớn, tôi thấy chẳng đêm nào cha ngủ yên. Cha cứ cầm cái đèn pin đi đi lại lại soi chỗ này chỗ khác. Có khi lại đội nón đứng giữa đêm mưa lạnh che lại cái chuồng gà hay bưng bê vật dụng này khác vào nhà. Những khi bão lũ, anh em tôi chỉ biết ngồi thu lu trên chiếc giường tre ọp ẹp nhìn những giọt nước từ mái nhà dột xuống thánh thót, loong boong vào những cái nồi cái chậu hứng nước mưa rỉ rả khắp nền nhà. Cha thì loay hoay làm đủ việc, thỉnh thoảng lại kéo một hơi thuốc lào với vẻ mặt đăm chiêu, những nếp nhăn trên mặt, trên trán chốc chốc đổ xô lại mỗi khi có cơn gió mạnh lướt qua như muốn đạp đổ, hất tung mái nhà lên trời.

Những ngày khốn khó kiếm ăn từng bữa, cha vẫn mua quà cho anh em tôi, hôm thì quả dưa, hôm thì cái bánh mì. Ngày ấy, tôi thường chạy đến bên kia cầu bắc qua sông về làng chờ đẩy xe cho cha vượt dốc. Mình cha đạp xe lên tận mạn trên mua khoai sắn về để cho mẹ bán. Mồ hôi trên chiếc áo bộ đội cũ cứ thế ướt đầm dính cả vào lưng cha.

Thích nhất là những đêm hè được đi soi cá với cha. Cha cầm chiếc lốp xe đạp đã đốt lửa lên cùng với một cái nơm nhỏ, tôi thì cầm cái giỏ lẽo đẽo theo cha lội hết ruộng này đến mương khác. Trong ánh lửa bập bùng, nóng ran, xen lẫn mùi khói cao su khen khét, cảm giác khi thấy cha bắt được một con cá, con cua nào đó bỏ giỏ tôi đang cầm sao mà thấy thích thú vô cùng. Đó còn là những đêm đông tôi được nằm ấm tròn lưng trong vòng tay của cha, hay những ngày tết đến, được cha cho đi chợ tết nhộn nhịp, đi đến nhà anh em họ hàng trong niềm vui khôn xiết khi được lì xì, được cha mua cho những cái bóng bay đủ hình thù, màu sắc.

Ngày tôi vào đại học, cha vẫn phải cặm cụi làm lụng. Ngoài mấy sào ruộng theo mùa, cha thường đi xe đạp chở thuê, khuân vác hàng thuê trong chợ. Dù một ngày chỉ được mấy chục nghìn, có hôm chỉ về tay không, ấy vậy mà ngày nắng cũng như ngày mưa, sáng sớm nào cha cũng đội sương đi trên chiếc xe đạp đã sờn khung đến tối mò mới về đến nhà.

Tôi tốt nghiệp đại học rồi ở luôn quê người lập nghiệp. Dù đã trưởng thành, có gia đình, con cái, ấy vậy mà gần như chủ nhật nào cha cũng gọi điện hỏi thăm. Rồi cha nói ở nhà trồng được cây này nuôi được con nọ, cha sẽ để dành cho vợ chồng, con cái lúc nào về ăn. Trước khi cúp máy, kiểu gì cha cũng dặn: Thỉnh thoảng gọi điện về cho cha, cha nhớ các con các cháu nhiều.

Nghe vậy, lòng tôi lại ngậm ngùi thương cha.

Nguyễn Đình Thu (vanhoadoisong)/ Quehuongonline