Cậu bé sinh ra đã không biết cha là ai - Ảnh minh họa

Đã 5 năm trôi qua kể từ ngày mẹ Minh bỏ đi, để lại con trai cho bà ngoại. Có người nói bà mẹ trẻ ấy đã vào miền Tây, người lại bảo cô ra Bắc. Mỗi lần hỏi ngoại, Minh chỉ nhận được tiếng thở dài.

Minh là cậu bé sinh ra không có cha. Em mang họ mẹ, còn cha em là ai, mẹ em làm nghề gì, cậu bé để trống trong tờ ghi lý lịch đầu năm học.

Hồi còn nhỏ, khi các bạn hay hỏi "cha bạn làm nghề gì", "có hay mua đồ chơi cho không"… Minh đều gật đầu vì  nghĩ cha đang đi làm xa như lời mẹ nói. Trong trí tưởng tưởng em, cha mình cao to như cha thằng Tin, hiền lành như cha thằng Bun. Cậu bé đã không ngừng chờ đợi, cho đến một ngày…

Đó là ngày cuối cùng Minh gặp mẹ. Mẹ vẫn đón em ở cổng trường như mọi ngày nhưng hôm ấy mẹ bịt khẩu trang, mặc áo khoác chống nắng khiến cậu không nhận ra. Khi tiếng la hét cùng tiếng khóc vang lên ở bên kia đường, cậu bé sững sờ thấy mẹ bị một đám người lạ vừa đánh vừa chửi “đồ cướp chồng”...

Mọi việc diễn ra quá nhanh. Tối đó mẹ bỏ em đi. Minh thiếu hơi ấm của mẹ từ ngày ấy.

Mỗi năm thêm một lớp, cậu bé bắt đầu hiểu rằng mình là đứa trẻ không được chào đón từ phía cha và mẹ. Lúc sinh con, mẹ em mới 20 tuổi, còn cha em là ai trong số những người đàn ông đến quán bar nơi mẹ làm, thì chỉ mẹ Minh mới biết.

Chiều nào em cũng nán lại trước cổng trường để chờ mẹ ghé thăm. Cậu cố tìm trong số những phụ huynh che kín mặt biết đâu đó lại có mẹ mình. Em thầm ganh tị với bạn bè được cha mẹ đón, được mua cho ổ bánh mì vừa đi vừa nhai.

Đêm với em lúc nào cũng thật buồn. Cậu bé trút mọi giận hờn vào cuốn sổ nhật ký cất kỹ trong góc tủ. Trang viết nào của Minh cũng bắt đầu bằng hai tiếng "mẹ ơi". Nhưng nhiều trang bị bỏ ngỏ với dấu ba chấm vì nỗi nhớ thương, tủi hờn xen lẫn trách móc mẹ cứ đan xen.

Minh mong mỏi được biết mẹ đang sống ở đâu, có lập gia đình như người ta đồn đoán... Vậy mà một tin nhắn hỏi thăm hay cuộc điện thoại động viên con cũng không có. Nghĩ ngang đấy, nước mắt cậu đã chảy dài.

Ở lớp Minh được miễn các khoản tiền quỹ, cuối năm còn được hội phụ huynh tặng quà. Cậu bé cười tươi một lát rồi lại buồn thiu. Minh chỉ muốn người khác biết đến mình bằng thành tích học tập tốt chứ không đi kèm với hoàn cảnh “không có cha, mẹ đi đâu không rõ”.

Cậu học trò nghèo đếm tết đến qua mỗi mùa cau. Mỗi dịp bà ngoại bán cau là cậu biết tết sắp về. Hồi còn ở nhà, mẹ thường kéo cậu trên những mo cau cùng mấy đứa trẻ con trong xóm. Ai cũng bảo “trông như mấy chị em chơi với nhau”.

Khi những người mua cau tới hái, mẹ cùng Minh nhặt những quả cau rụng sang biếu hàng xóm. Mọi người lại bảo “chị em nhà này thảo quá”.

Cậu vẫn quen gọi mẹ là “chị” và xưng “em”, cậu vẫn ngóng chờ mùa cau nào đấy mẹ sẽ về cùng chơi trò kéo bẹ cau với lũ trẻ.

Minh đã từng đạp xe đi tìm mẹ, nhưng lại thất thểu trở về vì không một chút thông tin. Vậy nhưng, cậu học trò nghèo vẫn không ngừng nuôi hy vọng.  

Theo phunuonline