Má lấy chồng. Sớm mai đàng trai sang nhà rước dâu. Tôi tất bật chạy đôn chạy đáo từ mấy hôm trước, vừa lo chuyện viết thiệp mời đám vừa dự trù xem nên nấu món gì đãi khách, bao nhiêu mâm cỗ, dù gì cũng phải thật thịnh soạn để má vui. Má cứ dặn đi dặn lại: 

- Mời dòng họ thôi con, má có tuổi rồi, rình rang làm gì cho người ta đàm tiếu hả con?

Tôi ôm vai má cười cười:

- Đám cưới của má phải hoành tráng chứ, đâu xuề xòa được đâu má.

Má nhăn nhó, má trách tôi mời chi nhiều dữ, làm vài ba món đãi khách được rồi bày biện chi cho tốn kém. Tôi nói má ra tiệm áo cưới Sông Chiều ngoài chợ thử áo dài xem bộ nào được thì thuê. Má chớp mắt lia lịa. Bỗng dưng tôi thấy hai gò má má đỏ ửng lên, đỏ như những lúc má lom khom gặt lúa ngoài đồng quên cả trời nắng gay gắt trên đầu. Hai tay má xoa xoa vào nhau, mắc cỡ:

- Thôi, mày để má mày mặc áo bà ba được rồi. Con Hường mới cắt cho tao cái áo bà ba màu đỏ đẹp lắm, để má mặc thử con coi.

Tôi giả bộ giận hờn, ngày cưới ai lại mặc áo bà ba, huống chi vóc dáng má còn đẹp, cao ráo. Hàng xóm vẫn thường khen má tôi đẹp người lại giỏi giang, một mình lam lũ nuôi tôi từ khi tôi còn đỏ hỏn cho đến khi vai rộng lưng dài. Thời gian không làm má già nua. Nắng sương chỉ để lại vài ba đốm tàn nhan, mấy nếp nhăn trên trán má. 

- Ngày cưới má phải xinh đẹp, lộng lẫy. Má đâu có già. Má con còn trẻ măng.

Má cười cười. Mỗi lần tôi đề nghị điều gì má cười cười nghĩa là má đồng ý. Tôi biết tâm hồn má tôi còn trẻ lắm. Má tôi thường ngồi bó gối mà nhớ về ngày xưa, khoảng trời thanh xuân tươi đẹp của má. Thanh xuân má là chuỗi ngày cô đơn, cơ cực, một mình bươn chải nuôi tôi nên người. Hình như tôi đã cướp đi thanh xuân rực rỡ của má mình để rồi một ngày tôi ngoảnh lại, lòng xốn xang hỏi: Thanh xuân má để ở đâu? 

Má tôi cũng tên Thanh Xuân. Cái tên đẹp đẽ và đầy khao khát. Cái tên tôi trân trọng suốt cả cuộc đời.

Có lần má tôi kể: ngày ba cưới má, má không mặc áo dài, không đội mấn đỏ như những cô dâu khác. Má mặc áo bà ba màu tím đơn sơ, tóc cài hoa rừng đi bên ba, người lính chiến đấu trên chiến trường biên giới Tây Nam đầy máu lửa. Cưới nhau xong ba trở lại chiến trường. Ngày tôi cất tiếng khóc chào đời cũng là ngày ba tôi từ giã cuộc đời, vĩnh biệt người vợ hiền nơi quê nhà mong ngóng. Tôi không nhìn thấy ba tôi, cũng không được ba ôm ấp vỗ về. Tôi chỉ nhìn thấy ba mình qua những tấm ảnh má tôi giữ lại đến tận bây giờ, dẫu đã nhòe đi ít nhiều. Từ đó, má tôi sống thầm lặng, làm lụng vất vả nuôi tôi lớn khôn rồi ăn học nên người. Má tôi - người phụ nữ mạnh mẽ bản lĩnh, nhân hậu bao dung.

Bao nhiêu năm bôn ba trên thành phố, cuối cùng tôi từ bỏ mọi cơ hội lập nghiệp và phát triển ở đó quyết định về mái nhà xưa sống với má, một cuộc sống an nhàn, thanh thản mà không vướng bận, bon chen. Má trách tôi hoài, má bảo ở thành phố có điều kiện để phát triển bản thân, ai đời lại bỏ qua những cơ hội tốt đẹp mà về cái nơi khỉ ho cò gáy này, má ở nhà một mình cũng có sao đâu. Bỏ má một mình tôi sợ má buồn, tôi không yên tâm. Má không chịu lên thành phố ở với tôi, lần nào về quê tôi cũng nhắc má dọn đồ lên thành phố ở, chừng nào má nhớ quê thì tôi lại đưa má về. Má lắc đầu, ở quê có hương hồn của ông bà tôi, có những kỷ niệm thật đẹp với ba tôi, lòng dạ nào má bỏ đi cho đặng. Mươi bữa nửa tháng tôi lại về thăm má, nhà cửa vẫn tươm tất gọn ghẽ, đồ đạc vẫn ở nguyên vị trí như trước khi tôi rời khỏi căn nhà bình yên ấy. Chỉ có má là cô đơn trong ngôi nhà này. Tôi không cho má ra đồng vất vả như ngày trước. Má nghe lời tôi, nhưng má làm vườn. Phía sau nhà có mảnh vườn nhỏ má trồng rau, nuôi gà, trồng cả hoa để mỗi sớm hoa nở hương thơm thoang thoảng khắp vườn. Một buổi chiều cuối năm, tôi về quê. Lần này tôi về ở hẳn với má không lên thành phố nữa. Thầy hiệu trưởng trường cũ năm xưa tôi học - người thầy đức độ, tri thức - đã đồng ý nhận tôi ở lại dạy học. Má mừng lắm. Tôi đi dạy, má ở nhà nấu cơm, trông nhà, trưa trưa tôi chạy về ăn cơm cùng má.

Má tôi thường nói:

- Con cũng gần ba mươi rồi, mau mau lấy vợ cho má có dâu.

Tôi nhăn mặt:

- Biết lấy ai bây giờ, hả má?

- Thì con coi đồng nghiệp có cô nào được người, giỏi giang, hiền thảo thì ngỏ lời làm quen. Mày con trai mà nhát hít à!

Nghe má nói, tôi phụng phịu:

- Thôi, má lấy chồng trước đi rồi con lấy vợ.

Má tôi đỏ mặt. Không biết má ngượng hay má nhớ ba. Tôi biết ngày xưa má tôi có yêu một người, yêu sâu đậm. Người đàn ông đó và má đã từng có với nhau những kỷ niệm thật đẹp, những bức thư họ gửi cho nhau má vẫn giữ ở một góc riêng trong ngăn tủ của mình. Ngày nhỏ, có một lần tôi thấy má giở tủ gỗ ngắm nghía những bức thư phai màu thời gian, tự dưng tôi thấy tủi lòng không hiểu vì sao, tôi chạy đến bên má khóc thét: “Má, cái gì vậy má, thư của ai… của ai… mà má trân trọng dữ vậy má?”. Má lau nước mắt ôm tôi vào lòng. Đầu tôi nép vào ngực má. “Thư của người má thương”. “Người má thương?”, tôi trố mắt, “Không phải ba hay sao?”. Má dỗ dành tôi, từ tốn kể: “Người má thương là ba, nhưng hồi má trẻ má còn một người thương nữa. Chuyện dài lắm, cũng đã qua lâu lắm rồi. Miễn sao má không làm gì có lỗi với vong linh của ba con là được”.

Lớn lên tôi mới hiểu rõ ngọn ngành. Trước khi gặp ba, má và người đàn ông kia đã thương nhau rất nhiều. Rồi gia đình người kia biến động, quẫn trí, người má thương bỏ quê đi làm ăn xa. Má lấy ba làm chồng, ba tôi là quân nhân trực tiếp cầm súng chiến đấu trên chiến trận. “Con trai chờ đợi đã đành, con gái ai lại đi chờ đi đợi, tuổi xuân đi qua, lỡ thì thì khổ suốt đời”, bà ngoại tôi bảo vậy.

Lúc bà ngoại còn sống bà ngoại thường kể với tôi chuyện cuộc đời của má. Ngày trước má tôi chăm chỉ, giỏi giang, má cũng đi học trường làng được ít năm thì nghỉ học ra chợ phụ ngoại buôn bán. Tôi hỏi ngoại về người tình cũ của má. Ban đầu ngoại cốc đầu tôi, bảo: “Con nít biết gì mà hỏi”. Mà hồi ấy tôi cũng mười lăm, mười sáu tuổi chứ đâu còn nhỏ? Rồi ngoại cũng kể cho tôi nghe về người tình của má. Đó là chú Tư Cầu làng bên, người chú hiền lương, chất phác. Mỗi lần đi ngang nhà tôi chú Tư Cầu đều í ới gọi tôi xách rổ xuống mé sông lấy cá lên để chiều má tôi làm món cá kho tộ rắc tiêu thơm lừng cho tôi ăn. Hồi tôi còn nhỏ, đi đâu về ngang nhà chú cũng đều cho tôi kẹo, bánh. Lấy hoài cũng kì, tôi nói: “Chú Tư đem về cho mấy em con chú ăn, cho con hoài sao được?”. Chú cười: “Chú Tư có vợ đâu mà có con, hả nhóc?”. Tôi thắc mắc hoài sao chú Tư lớn tuổi rồi mà chưa có vợ, đến khi nghe ngoại kể chuyện tôi mới biết chú Tư đợi má.

“Ai cũng có duyên có nợ hết con à! Ông trời sắp đặt cả”. Ngoại bảo vậy.

Tôi hỏi má về chú Tư Cầu, má lặng người đi rồi đánh trống lảng sang chuyện khác. Tôi bạo miệng nói với má:

- Phải chi chú Tư Cầu là ba của con thì hay quá má.

Má la:

- Nói bậy, người ta nghe người ta cười đó con.

Tôi thương má. Tôi quý chú Tư Cầu. Bà ngoại mất, câu chuyện tình đẹp đẽ của má với chú Tư Cầu tôi biết nhưng không nói ra. Mãi đến khi tôi tốt nghiệp đại học, lưng má còng, còn chú Tư Cầu mái đầu đã phơn phớt bạc, tôi nói với má:

- Má lấy chú Tư Cầu làm chồng đi má.

Má tôi chưng hửng:

- Trời, con nói gì vậy? Chú Tư… Chú Tư…

- Con biết hết rồi. Con biết má với chú Tư thương nhau từ hồi bà ngoại còn sống lận.

Má ngoảnh mặt đi chỗ khác. Mắt má đỏ hoe.

Ngày tết, chú Tư Cầu mang trầu cau sang nhà tôi hỏi cưới má. Ông bà ngoại đã mất hết cả rồi, tôi đứng ra tác hợp cho hai người nên duyên chồng vợ. Chú Tư Cầu thương tôi như con. Hàng xóm cũng ủng hộ vì má tôi là người phụ nữ giàu đức hy sinh, chăm chỉ, đảm đang; còn chú Tư Cầu sống thật thà, hiền như đất. Chú Tư hỏi má có chịu về sống với chú Tư suốt đoạn đời còn lại hay không? Gò má má đỏ ửng nghĩa là má đồng ý. Lòng tôi rộn rã.

Má tôi tâm sự:

- Má chỉ sợ định kiến thôi con, đàn bà sống hơn nửa đời người, con cái đã lớn rồi ai đời lại đi lấy chồng?

- Không đâu má. Mình sống ở thời nào rồi mà má còn sợ định kiến? Đàn bà thì sao, hơn nửa đời người thì sao, ai cũng cần hạnh phúc, cần được chở che. Má cũng vậy.

Má nhìn tôi. Chính tôi cũng không nghĩ rằng mình lại nói ra những điều sâu kín như thế.

Dòng sông chảy qua trước nhà. Dòng sông đã từng chứng kiến bao đổi thay của gia đình tôi, từng bước trưởng thành của tôi và hạnh phúc trong cuộc đời của má.

Sáng hôm sau, chú Tư Cầu sang nhà rước má về làng bên. Ngày má lấy chồng trông má đẹp lắm. Má mặc áo dài đỏ có thêu hình con công phía trước, tóc má xõa dài, mái tóc má giữ gìn suốt bao năm tháng. Chú Tư trông bảnh bao hẳn, không giống như chú Tư Cầu chân lấm tay bùn, cày sâu cuốc bẫm như tôi thường trông thấy. Đám cưới má, hàng xóm đến góp vui uống ly rượu mừng chúc má hạnh phúc trọn cuộc đời còn lại. Sau những bão giông, đơn độc và lẻ loi mà má gánh chịu một mình suốt quãng đời đã qua, tôi tin hạnh phúc và bình yên sẽ đến với má.

Chú Tư Cầu đón má về nhà mới, lòng tôi lâng lâng. Tôi nhớ lại lúc má đứng bên cạnh chú Tư trước bàn thờ của ngoại, mắt má long lanh, những tia hạnh phúc bất giác nhảy múa trong đôi mắt của má. Khoảnh khắc ấy hạnh phúc và thiêng vô cùng.

Hoàng Khánh Duy (baolamdong)

Theo Quehuongonline.vn