Phở

Không chỉ là món ăn đơn thuần, phở còn là nét đẹp tinh tế của văn hóa ẩm thực Việt Nam trong mắt bạn bè thế giới. Suất ăn giống nhau ở nhiều địa phương, thường có bánh phở ăn cùng thịt bò hoặc gà, hành lá. Những gia vị luôn có trên bàn gồm tương ớt, dấm tỏi, chanh, ớt, hạt tiêu... Quán phở ở miền Nam thường phục vụ thêm rau sống.

Những thương hiệu làm nên tên tuổi cho phở Hà Nội phải kể đến phở Bát Đàn, phở Thìn, phở Cồ… Đến Lạng Sơn, bạn hãy thử phở chua. Ghé Sài Gòn, bạn nhớ đến hàng "phở xe lửa" đã tồn tại hơn nửa thế kỷ. Quán phở Hai Hiển ở Sa Đéc và phở khô ở Gia Lai cũng là những gợi ý thú vị khác.

Bún riêu

Bún riêu cua từng được đánh giá là món ăn ngon nhất ở Việt Nam. Nước dùng của bún riêu là điểm đáng chú ý đầu tiên với màu đỏ hơi thẫm nấu từ cà chua và chút dầu điều. Thịt cua đồng và cà chua chần là tâm hồn của bún riêu. Me thêm vị chua cho nước dùng, trong khi đậu phụ rán giòn khiến món ăn thêm hấp dẫn.

Tùy quán, bún riêu cua có thể được ăn thêm với thịt bò, heo, ốc hoặc cá. Sợi bún trắng tạo nên sự cân bằng cho một món ăn vừa đầy màu sắc và vừa nhẹ nhàng. Khách có thể nêm chanh, ớt và rau sống - như hoa chuối và bạc hà, để có một bữa ăn hoàn hảo.

Món ăn có nguồn gốc ở miền Bắc nhưng cũng phổ biến ở nhiều tỉnh thành miền Nam. Không chỉ TP HCM, nhiều quán ăn có thâm niên hàng chục năm tại Đà Lạt cũng níu chân du khách phương xa cũng nhờ món bún riêu.

Hủ tiếu

Suất ăn phổ biến nhất là hủ tiếu thịt hoặc xương heo, ăn kèm giá, hẹ và hành ngò... Mỗi nơi có một cách chế biến hủ tiếu riêng, nổi bật là cách nấu của người dân Mỹ Tho (Tiền Giang) hoặc Sa Đéc (Đồng Tháp). Tại TP HCM, bạn có thể tìm thấy nhiều biến tấu như hủ tiếu sa tế, hủ tiếu Nam Vang, hủ tiếu hấp, hủ tiếu cá, hủ tiếu mực...

Bún bò Huế

Ngày nay, bún bò Huế được bán phổ biến ở khắp nơi, biến tấu với nhiều cách khi ăn kèm với giò heo, sợi bún to... Tuy nhiên, hương vị cay đặc trưng của món ăn vẫn được duy trì làm nên thương hiệu. Trên bàn ăn của khách không thể thiếu các loại đồ nêm như ớt bằm, ớt trái, sa tế, chanh, nước mắm... Bún bò Huế ngon hơn khi dùng nóng, thực khách vừa ăn vừa hít hà.

Mì Quảng

Mì Quảng không giống như phở Hà Nội hay bún Huế, mà chỉ dùng một chút nước lèo đậm đà, lẫn mùi thơm của hành ngò cùng vị vừa bùi vừa béo của đậu phộng... Bên trên phần rau sống là sợi mì làm bằng tay từ gạo Phú Chiêm, tôm, thịt heo, thịt xíu, trứng cút...  đậm đà gia vị. Miếng thịt sườn ninh vừa mềm tới, nước dùng bắt mắt chan vừa xăm xắp mì.

Món ăn dân dã của người miền Trung nay trở thành thức quà quen thuộc với thực khách từ Hà Nội vào TP HCM. Nhiều địa phương còn biến tấu món ăn, cho khách thêm sự lựa chọn với mì quảng mề gà, bò, sườn, tôm, trứng, cá lóc, chả sứa...

Theo vnexpress