Sông Ly Ly nhìn từ cầu Hương An về phía đông

Tôi chọn từ đầu nguồn mà không chọn thượng nguồn có cái lý của nó. Bởi, sông xuất phát từ rất nhiều con suối nho nhỏ chảy từ các ngọn núi phía Hòn Tàu, Đá Đen, Đá Tịnh…, cơ bản là từ khá nhiều ngọn đồi có độ cao không lớn trải khắp thung lũng Quế Sơn nằm dưới chân dãy Hòn Tàu. Một nhánh dài gom nước từ các con suối phía tây nam, vùng Hòn Chiêng, Châu Sơn chảy xuống cầu Liêu, qua trung tâm huyện Quế Sơn - bắt đầu mang theo tên Rù Rì - chảy qua những Đông Phú, Quế Minh, Quế Châu… Một nhánh gom nước từ các con suối vùng tây bắc thung lũng, mạn dãy Hòn Tàu nối với Duy Xuyên, trong đó Suối Tiên (Quế Hiệp) cung cấp một lượng lớn nước cho sông. Con suối chảy qua phía cầu Chợ Đụn và nhập với sông Rù Rì ở xã Quế Thuận. Đoạn sông qua Phú Thọ có nhiều bãi đá và vụng nước đẹp. Thêm một chiếc cầu máng và cầu đường sắt nối Quế Sơn với Thăng Bình. Nước từ hồ Khe Gũ và những dòng suối nhỏ khác chạy men theo các ngọn đồi sát đường sắt, khoảng gần Núi Quế hợp vào với sông ở làng Xuân Lư. Từ đây, sông chảy qua địa phận xã/cầu Hương An và chính thức mang tên Ly Ly.

Trước kia, đây là đoạn sông đẹp, chảy vòng vèo men theo các rặng tre phủ bóng xuống mặt nước. Cũng trên khúc sông lắm cá này người ta đắp các con đập Trà Đình, An Lạc để lấy nước tưới ruộng. Nghe kể rằng hồi xưa xửa ghe tàu buôn còn vô tới cả đoạn sông Ly Ly mang tên sông Trại chở theo cá mắm để đi bán nữa(?). Một thời ghe từ dưới vùng cửa biển còn lên đây “xúc sạn” về bán, cũng ở đoạn sông Trại. Họ mua đàng hoàng chứ không xúc trộm như đám “sa tặc” bây giờ. Những chiếc ghe gỗ khá lớn, cắm sào trên khúc sông rộng, đãi sạn đến hai, ba ngày, khi nào đầy ghe mới rời đi. Nhiều ghe còn đem theo cả bọn trẻ con. Tiếc là hồi ấy chúng tôi chưa được dịp gặp gỡ chúng nó, dù rất muốn, bởi chúng chỉ luẩn quẩn trên ghe chẳng bao giờ chịu ghé lên bờ. Mùa nắng, nhiều người từ dưới Trà Nhiêu, Bàn Thạch còn chở lác lên phơi trên bãi. Họ chẻ lác thành những sợi nhỏ, trải trên cát vàng, có lẽ nhờ cái nắng giòn của cát nên lác chóng khô và bền. Họ còn phơi cả những sợi đay dùng để dệt chiếu nhưng ít hơn. Nhiều hôm họ ở lại, nấu ăn trên bãi. Thỉnh thoảng chúng tôi còn nhặt được những đoạn cây đay chụm nham nhở còn sót lại, trắng, suôn và mềm. Thứ này làm phao câu cá thì khỏi chê rồi.

Qua bao biến động, bờ sông Ly Ly – Rù Rì không còn “mềm mại” như xưa. Đã vắng hẳn những hàng tre lả bóng xuống mặt nước hiền hòa. Nước sông cũng cạn hẳn đi. Mùa hè, nhiều đoạn sông chỉ còn lại những vũng nước nhỏ. Chừng như muốn tô đậm thêm nghĩa cho câu “thương hải biến vi tang điền”!Đoạn cuối xóm Tra nối với biền, sông Ly Ly nhập với sông Bà Rén làm thành một ngã ba sông khá rộng trước khi nhập với sông Thu Bồn và chảy ra Cửa Đại, về biển. Vùng này nước lặng, thỉnh thoảng nước mặn dâng lên tạo thành thứ nước quen gọi “chè hai”, có rất nhiều cá, đủ chủng loại. Một thời, đêm đêm vẫn thường nghe những người đánh lưới đánh cá đập dầm trên mặt nước ầm ầm hoặc gõ dầm lách cách trên be ghe để lùa cá về phía lưới đang giăng. Tất thảy tạo nên âm điệu vui tai cho cả một vùng sông nước. Khoảng sông này cũng thích hợp để những người làm nghề giăng nò, đó để bắt cá. Bây giờ, người ta thay bằng lưới lồng kiểu Trung Quốc, châm cá bằng máy xung điện nên cá đã ít đi hẳn, nhiều loại cá tuyệt chủng. Và cũng vắng hẳn những âm điệu vui tai của vùng sông nước.

Qua bao biến động, bờ sông Ly Ly – Rù Rì không còn “mềm mại” như xưa. Đã vắng hẳn những hàng tre lả bóng xuống mặt nước hiền hòa. Nước sông cũng cạn hẳn đi. Mùa hè, nhiều đoạn sông chỉ còn lại những vũng nước nhỏ. Chừng như muốn tô đậm thêm nghĩa cho câu “thương hải biến vi tang điền”!

Theo Báo Quảng Nam