Minh họa

Cuối tháng trời mưa rả rích, mái hiên ủ dột, nghe lẫn trong mưa một câu ca buồn. Quán chợ nay vắng teo, khách chạy vào mua vội mớ rau cái chả rồi bỏ đi, chẳng ai có thời giờ mà tha thẩn nâng lên đặt xuống. Bà bán bánh ngồi nhìn ra làn mưa đau đáu. Bà nhìn thằng bé nhặt ve chai ở góc chợ. Nó còm nhom so với tuổi, choàng vào người cái mảnh ni lon trắng đục mỏng dính, đội cái nón tơi tả, có vẻ hôm nay nó cũng chẳng kiếm được mấy thứ.

Bà biết nó từ khi nó mới hành nghề lượm ve chai ở đây, bởi cái góc chợ nhỏ xíu này, quán bà nom chừng là quán lâu nhất, dễ đến gần 20 năm. Ai đến, ai đi phần nhiều bà đều rõ nguồn cơn. Thằng nhỏ là con nhà xóm Chài, nó lượm ve chai từ năm lên 4 tuổi, năm nay nó đã 14 tuổi. Lúc đầu nó lóc cóc đi theo mẹ lên chợ bán mớ cá sông, rồi nhân tiện lượm về. Đó là khi bố nó còn chưa chết vì nghiện, và mẹ nó chưa bỏ đi. Rồi nó ở với bà nội, một bà già khổ sở quanh năm đau ốm, thương cháu hết lòng nhưng chẳng làm được gì nên bữa no bữa đói. Thành ra nó chỉ học hết cấp 1. Hai năm nay, nó là lao động chính trong nhà. Bà ngẫm cũng lạ, nhiều đứa trẻ lớn tuổi hơn còn được nâng như trứng vậy mà thằng bé ngần ấy tuổi đã phải bươn chải kiếm sống. Nhưng nó cũng không hề oán trách, mà luôn biết vươn lên.

Cũng ngày mưa thế này, nhưng là mùa đông, bà còn nhớ rõ ngày hôm ấy, gió thổi căm căm, mưa lạnh như cứa vào da thịt. Vẫn như mọi khi thằng bé liêu xiêu từ phía bờ sông đi lên. Nó mang theo mớ cá nhỏ tí người ta hay mua về cho chó, nhưng trời mưa gió cũng chẳng ai để ý đến. Môi nó tím tái run rẩy, mặt nhợt đi rồi bất ngờ ngất ngay trước quán của bà. Bà lôi nó vào bên bếp, cởi cái áo mưa, quàng cho nó cái mảnh bạt chắn gió, thổi lửa cho ấm hơn. Khi nó bắt đầu hấp háy tỉnh lại, bà cho nó cái bánh. Nó ăn quá ngon lành. Kể từ đó, thằng bé hay qua lại quán bà. Thời gian trôi nhanh quá, vậy mà từ bận đấy cũng 5 - 6 năm rồi.

Khác với vẻ trầm ngâm của bà, con bé cháu giơ tay đùa nghịch những giọt nước mưa rơi trên mái xuống, nó thích thú ngắm những hạt mưa vỡ tan ra rồi bắn lên như những hạt thủy tinh trong trẻo. Ở tuổi 16, trái tim nhân từ và hồn nhiên của nó còn trong hơn cả những giọt nước mưa. Từ nhỏ đến lớn con bé luôn tự lập, học hành đứng đầu lớp, ít khi bà phải lo lắng. Những ngày nghỉ học nó phụ bà bán hàng. Từ ngày thằng bé bỏ học, con bé cho nó sách giáo khoa cũ và tranh thủ dạy nó vào những khi rảnh rỗi. Giờ nó đang chờ thằng bé nhặt nốt vỏ chai đoạn cuối chợ rồi sẽ lại dạy học như mọi khi.

Giọng con bé trong trẻo:

- Hôm nay mưa to sao em không nghỉ?

Thằng bé không trả lời, lột xột gỡ cái tấm ni lông lẳng nhẳng nước mưa, chui vào sát cái bếp lò con con ngồi cạnh con bé. Nó cười, nụ cười trên khuôn mặt đen bóng vẫn tươi rói dù hơi đanh lại vì lạnh.

- Xem chị có gì cho em này.

Con bé lục trong ba lô rồi lôi ra một cuốn từ điển tiếng Anh.

Thằng bé vồ lấy cuốn sách và tiếng reo của nó gần như muốn bật lên nhưng bị kìm lại trong nỗi sung sướng âm ỉ không nói nên lời.

- Chị mua được ở tiệm sách cũ đó, giá rẻ bất ngờ luôn, tặng cho em nhân dịp sinh nhật chị. Hihi.

- Sinh nhật chị nhưng em lại không có quà cho chị.

- Món quà quý giá nhất là mang đến niềm vui cho người khác mà, chị đã nói với em về cho đi và nhận lại còn gì.

Thằng bé gật đầu và cho cuốn sách lên mũi hít hà mùi giấy cũ, mắt con bé lấp lánh niềm vui. Bà lặng lẽ ngồi quan sát hai đứa trẻ, chúng lớn lên thật nhanh, tâm hồn cũng rất đẹp, bà cảm thấy trong lòng rất bình an.

- Nào, hôm nay học nốt phần từ vựng nha, nhưng trước hết em phải trả bài cho chị mười từ mới đã.

Bà ngắt lời:

- Để cho em ăn vài cái bánh cho đỡ đói.

Thằng bé đón lấy bánh, vui vẻ ăn, từ lâu nó đã quen với sự tử tế của hai bà cháu hàng bánh nên tự nhiên như thể một người nhà. Lát sau, hai đứa chụm đầu lại học, thằng bé đọc và viết lên trên mớ giấy nháp là phía sau của những tờ lịch cũ, con bé gật gù dạy tiếp.

Thằng bé thông minh lắm, đó không chỉ là lời khẳng định của con bé, mà bà từng nghe cả sư cô trên chùa cũng nói thế. Hàng tối ba, năm, bảy nó học trên chùa. Ở chùa có một nhóm sinh viên tình nguyện hay ghé đến giúp sư cô quét tước dọn dẹp, dần họ nảy ra ý định mở lớp dạy miễn phí cho trẻ con xóm Chài. Cái xóm đó nghèo nàn nhất thị trấn, nơi nhiều đứa trẻ không được đến trường. Nên cái vòng đói nghèo, thất học ấy cứ luẩn quẩn mãi. Nhờ có vụ mở lớp ấy, mà thằng bé được đi học, rồi buổi nào rảnh thì nó nhờ con bé dạy lại chỗ không hiểu. Dần dần, nó đã đọc thông viết thạo, làm toán khá nhanh và nói được ít tiếng Anh. Hai đứa học hành nghiêm túc, cho đến giờ dọn hàng về. Thằng bé nhanh nhảu gom lại những chảo, rổ, khăn giúp bà. Tay nó vừa thoăn thoắt, miệng nói:

- Bà nội bảo nghe người ta đồn mẹ con sắp lấy chồng mới rồi bà ạ. Trước con có ý định gom tiền đi tìm mẹ, nhưng giờ có lẽ thôi. Nếu không có con, có khi cuộc sống của mẹ sẽ tốt hơn.

Bà ngưng tay lại không nhìn nó, lén giấu một tiếng thở dài, tầm tuổi ấy mà nó đã có những suy nghĩ già dặn như vậy, nghĩ thật tội.

Bẵng đi một thời gian không thấy thằng bé qua chợ, cũng không đến chùa, hôm nay có mấy người từ xóm bờ sông lên chợ nói, bà nội thằng bé đang hấp hối. Hai bà cháu hàng bánh vội vã đến nhà thằng bé thì đã thấy sư cô và vài người nữa đang ở đấy. Sư cô nói bà ấy vừa đi rồi. Thằng bé ngồi bên người đã khuất, gương mặt nó bơ phờ, vô hồn nhưng không khóc. Có lẽ nó đã quen nén tất cả đau đớn vào lòng.

Mọi người trong xóm đến khá đông, những lúc này mới thấy hết được cái tình người ngay cả khi ai cũng thiếu thốn. Mỗi người góp một ít, xúm một tay để lo ma chay cho người quá cố. Rồi cũng qua cái đám ba ngày trọn vẹn.

Vài ngày sau đám tang, có một người phụ nữ xuất hiện, người đàn bà nhìn thoáng qua khuôn mặt khắc khổ, đôi mắt đượm buồn. Thằng bé lờ mờ nhận ra mẹ mình, lúc mẹ bỏ đi nó mới lên 6. Nhiều năm rồi, mẹ không về, cũng không hề liên lạc. Người đàn bà rưng rưng nước mắt, nhưng khá ngượng ngập khi bắt đầu nói chuyện với con. Bà nói bà có nỗi khổ riêng mong thằng bé hiểu, trước đây bôn ba thân không lo nổi, đến khi đỡ túng bấn thì xấu hổ nên không dám trở về. Bà nói vẫn thỉnh thoảng nghe ngóng tình hình hai bà cháu, có lần nhờ một người quen gửi tiền về nhưng bà nội thằng bé nhất quyết không nhận nên cũng không biết làm thế nào. Hôm rồi, nghe tin bà đã mất, nên lần này về muốn đưa nó cùng đi.

Thằng bé từng nghĩ bản thân đi tìm mẹ, nghĩ đến viễn cảnh được mẹ ôm vào lòng một lần cho thỏa thèm khát khi nhìn thấy những đứa trẻ khác có mẹ. Nó cũng chưa từng nghĩ sẽ căm ghét mẹ, có thể bởi vì dù bản thân lớn lên trong nghèo khó, nhưng xung quanh lại có rất nhiều người tốt chìa tay cho nó nắm, nên trái tim nó cũng học được sự vị tha. Chỉ có điều khi mẹ nó đứng trước mặt, nó cảm thấy một bầu không khí kỳ kỳ, hoàn toàn xa lạ, chẳng biết nên khóc hay cười. Nó nói rằng cần thêm thời gian suy nghĩ. Người đàn bà ở thêm đến ngày hôm sau rồi ghi lại địa chỉ và số điện thoại, nói rằng khi nào quyết định xong thì hãy liên lạc với mình. Trước khi đi bà để lại cho nó một khoản tiền không lớn lắm, nhưng với nó, đó là một con số khổng lồ.

Thời gian sau đó thằng bé vẫn ngày ngày đi lượm ve chai, và bắt cá sông không có gì thay đổi. Nó không hiểu lắm, nhưng nghe người lớn nói sau khi mất, linh hồn người đã khuất vẫn về nhà ăn cơm, nên người ta cúng cơm đến 49 ngày. Thằng bé không biết có ranh giới giữa cõi sống và cõi chết để người ta đi đi về về không, nhưng trong lòng nó, bà vẫn luôn ở đây. Hàng ngày, nó ăn gì cũng thắp hương mời bà ăn cùng. Qua ngày 49, nó gặp sư cô xin gửi bà lên chùa để cho hồn bà được thanh thản.

Một buổi chiều thằng bé qua chợ, nó trầm ngâm:

- Cháu nghĩ kỹ rồi cháu sẽ đi cùng mẹ bà ạ.

- Bà thấy cháu quyết định vậy là đúng.

Mặt con bé thoáng buồn, nhưng mỉm cười nắm lấy tay thằng bé:

- Nhớ viết thư về cho mọi người nha.

Thằng bé gật đầu và nói lời cảm ơn. Rồi nó lên chùa và qua hàng xóm tạm biệt từng người.

Ngày hôm sau nó lên đường, con bé tiễn nó ra bến xe sát chợ. Tự nhiên hai đứa rơi nước mắt, đó là lần đầu tiên chúng nó cảm thấy sự xa cách, cảm giác một tình bạn sắp chia lìa. Thằng bé lên xe rồi, con bé vẫn tần ngần nhìn theo bóng xe đến khi khuất sau khúc cua đường cái.

Một ngày gió heo may đổ trên triền sông, trên những lán chợ cũ phất phơ màu cũ kỹ, con bé chạy từ cổng chợ vào hớn ha hớn hở.

- Bà ơi, bà ơi, xem cháu có gì này.

Nó lôi từ trong ba lô ra một lá thư nhỏ, rồi nó đọc lên:

“Chị và bà thương!

Cháu đã đến nơi ở mới an toàn, dù ở đây còn nhiều bỡ ngỡ, cháu cũng chưa thật sự cảm thấy thoải mái khi nói chuyện với mẹ và ba dượng, nhưng mọi thứ ổn. Cháu rất nhớ mọi người.”

Một ngày nọ, có một món quà từ bưu điện gửi tới, mở ra là một cuốn sách mà nó rất thích. Dòng chữ đều đặn trong cuốn sách cho nó biết người gửi tới.

“Hôm nay là sinh nhật em, em tặng chị món quà này…”

Rằm lên chùa cầu an, con bé nghe sư cô kể là nhận được một khoản tiền nho nhỏ cho lớp học thiện nguyện do thằng bé gửi về. Hỏi nó còn nhỏ sao có tiền, nó nói đã được đi học lại, rồi vừa học vừa phụ giúp ở quán sửa xe máy của ba dượng nên cũng có được thưởng chút tiền để dành. Cái thằng bé thật là sống luôn biết ơn!

Con bé lặng lẽ ngồi trên ghế đá, nhìn những bông hoa đại trắng muốt rơi trên nền đất, tiếng kinh tụng đều đều, không gian thật thanh tịnh.

Lý Huyền (baoquangnam)/Quehuongonline.vn