(Đọc tập tản văn "Cầm lấy bàn tay con" của Ngô Nguyệt Hữu)

Khi viết về đấng sinh thành, con cái, là lúc chúng ta trải lòng một cách chân thành nhất, dù diễn đạt có thế này thế kia, nhưng cảm xúc ấy bao giờ cũng xuất phát từ trái tim.

Có thể nói, dù không gian câu chuyện lẫn tính cách nhân vật có nhiều nét tương đồng, nhưng đây là một chủ đề mở ra nhiều góc nhìn khác nhau. Gần đây, khi đọc Gối ôm biết nói của Tô Diệu Hiền - Đỗ Tuyết Hoa, Sao con hỏi mà con kiến không trả lời của Trần Lê Sơn Ý, Cha cõng con của Lương Đình Dũng… và bây giờ đọc Cầm lấy bàn tay con (Nhà xuất bản Văn học - 2022) của Ngô Nguyệt Hữu, trong lòng tôi dạt dào xiết bao cảm xúc. 

Khi có con, nuôi con, người ta mới có thể cảm nhận hết được tình yêu thương như biển trời của cha mẹ. Ngô Nguyệt Hữu đã viết bằng tâm thế này. Lối viết nhẩn nha của anh có nhiều điều tưởng chừng ai cũng biết, nhưng rồi vẫn bất ngờ và lại liên tưởng đến chuyện của mình.

Như lúc dạy con: “Bằng những thứ nhỏ nhặt nhất, như khi con cúi xuống nhặt cho bà nội cái lược bà nội run tay làm rớt” (tr.10), hay lúc nghĩ về vợ: “Lương Triều Vỹ vào vai Diệp Văn, biên kịch viết một câu rất hay trong bộ phim điện ảnh ấy: “Mỗi đêm nàng đều thắp lên một ngọn đèn đợi ta về”. Đàn ông mê chơi, mặt phụ nữ ngóng về tựa như ngọn đèn vậy, bão giông gió nổi gì cũng nhẫn nhịn sáng đèn” (tr.65)… 

Và, có lẽ đây cũng là chi tiết khiến nhiều người thích thú, rằng, trong căn nhà hai tầng, con ở tầng trên: “Lần duy nhất mà má lên lầu một là hồi mình học lớp Mười, mình nghe Lam Trường hát Tình đơn phương. Má cố lắm lên đến nơi, hỏi nhỏ: “Bộ con thất tình hay sao mà nghe bài này hoài vậy Bi?”. Má ở nhà dưới lắng tai thấy mình nghe đi nghe lại, má tưởng mình mê cô nào đó đơn phương, má lo” (tr.47). Chi tiết này, với tôi nhẹ nhàng và cảm động lắm! Đừng tưởng chỉ hồi nhỏ thôi nhé, mãi sau này khi ta đã lớn, người mẹ vẫn còn thường trực nỗi lo ấy. 

Câu chuyện tản mạn về gia đình, với bất kỳ ai cũng là chất liệu có thể viết lại. Nhưng hiện nay, trên thị trường sách Việt Nam, loại sách này vẫn chưa nhiều. Có lẽ, những mưu sinh hằng ngày, những âu lo cơm áo gạo tiền… đã khiến người ta không còn thời gian để viết lại chăng? Viết để ghi lại dấu ấn tháng ngày yêu thương ấy, không chỉ bây giờ mà còn dư vang mãi mãi. Đọc để một lần nữa nhắc nhở ta về tình yêu thương bất biến của cha mẹ, con cái, cách nuôi dạy con của mỗi nếp nhà vốn đã là những giá trị vĩnh cửu. 

Nói như Ngô Nguyệt Hữu, “còn biết bao nhiêu câu chuyện ngày nay sẽ trở thành ngày xưa để kể lại. Cầu bình an cho tất cả chúng ta, để mai mốt ai cũng được ngồi nhắc chuyện ngày xưa”… 

Theo phụ nữ TPHCM