Ngày nhỏ, gia đình tôi nghèo, cả gia tài chỉ vỏn vẹn một chiếc xe máy, một chiếc xe đạp mi ni đã cũ và cái giá sách là chút giá trị, tiền kiếm được ngày nào là tiêu hết ngày đó. Mẹ đi làm từ sáng sớm đến tối mịt mới về nhà. Mẹ tôi bán hàng ngoài chợ, mẹ đi làm sớm nên tôi hay phải dậy theo. Đôi lúc, tôi làm nũng, vì còn nhỏ quá, lại thèm ngủ nên cứ quấy mẹ ngặt nghèo mãi. Mẹ thương lắm nhưng cũng đành chịu, xách tôi dậy, đánh răng rửa mặt trong cái chậu nhôm cũ đã ngả màu rồi đặt tôi lên cái ghế mây của chiếc xe đạp tróc sơn. Thế là hai mẹ con thong dong chở nhau đi, vừa đi vừa hát, vang cả một góc trời.

Lần nào cũng thế, mẹ chở tôi đi học bằng chiếc xe cọc cạch đã nhuốm màu theo năm tháng. Mẹ thả tôi ở cổng trưởng để tôi tự đi vào. Mẹ quay đầu xe nhưng vẫn không quên ngoái lại nhìn tôi vào lớp hẳn rồi mới lặng lẽ ra về.

Nhà có hai anh em, dưới tôi còn một cậu em trai kém sáu tuổi, rất kháu khỉnh và ngoan ngoãn. Những ngày nghỉ, mẹ giao cho tôi trọng trách trông em, lần nào mẹ đi chợ về cũng đều mua quà cho hai anh em, đứa lớn một phần, đứa nhỏ một phần, mà thường quà chỉ là vài chiếc bánh rán, bánh gai, đôi khi là túi nước đậu tuy nhỏ nhưng hạnh phúc vô cùng. Mẹ luôn bảo: “Mẹ rất thương hai đứa, gia đình mình ngày đó khó khăn quá, các con phải chịu thiệt thòi nhiều, mẹ thì ham công việc nên cứ để hai anh em con vạ vật, không có đồ chơi như bạn bè cùng trang lứa, đến quần áo cũng không mua được bộ nào tử tế”. Mỗi lần nói đến đấy, mẹ lại rơm rớm nước mắt. Tôi thì từ nhỏ sống rất lạc quan và yêu đời, nên chỉ vỗ nhè nhẹ lên vai mẹ rồi nói: “Được rồi mẹ, mẹ không cần phải kể chuyện cổ tích nữa đâu, chúng con có mẹ là đủ rồi”.

Tôi nhớ lúc bé, mẹ hay đọc truyện cho nghe trước giờ đi ngủ, cho dù mẹ có bận bịu đến mấy. Chính mẹ là người đem văn chương đến cho tôi. Những câu chuyện cổ tích mẹ thường kể trước lúc đi ngủ chính là một đặc ân cuối ngày, vẫn những câu chuyện Tấm Cám, Cóc kiện trời, Thánh Gióng, Cây tre trăm đốt...

mà sao mẹ kể đi kể lại vẫn cứ hấp dẫn. Tôi vẫn nhớ rõ những tối nhà mất điện, tôi nằm ngủ ngon lành trong vòng tay mẹ, mẹ phe phẩy chiếc quạt giấy, xua tan tiết trời oi bức của mùa hè.

Thế rồi tôi lớn, nhà cửa cũng khấm khá lên, những năm tháng cũ vẫn mãi là những câu chuyện đi theo bước tôi trưởng thành. Tôi không còn thấy mẹ cao lớn như ngày ấu thơ nữa. Mẹ giờ nhỏ bé và chậm chạp nhưng tình thương của mẹ dành cho tôi thì không bao giờ thay đổi. Ngày tôi mười sáu tuổi, tôi có một quyết định làm thay đổi cả một cuộc đời, đem theo ước mơ, hoài bão đến một vùng đất xa lạ, nơi ấy không có bố mẹ, không có em trai. Tôi chuyển đến sống cùng cậu mợ và bà ngoại.

Ngày tôi ra sân bay, mẹ không nói, nhưng tôi biết mẹ buồn, bắt đầu những tháng ngày xa cách, thả tôi về một mảnh trời lạ. Mẹ gói ghém cả nhớ thương vào đống hành lý ngổn ngang. Mẹ dặn, xa nhà không được khóc, đàn ông phải mạnh mẽ lên con ạ. Tôi hiểu, nói xong những lời đó, lòng mẹ đau như cắt. Tôi không nhớ ngày đó có nói với mẹ là tôi yêu mẹ không? Câu nói ấy khi nhỏ tôi nói nhiều lắm vậy mà lúc lớn thì ít khi tôi nhắc lại. Tôi chỉ gửi mẹ cái ôm thật chặt. Tôi đi mà không ngoái lại một lần. Tôi sợ rằng nếu chỉ cần ngoảnh lại nhìn mẹ, tôi sẽ không bước nổi. Trên máy bay, nhìn ra cửa sổ, mây vẫn bay ngút ngàn cuối chân trời xa tít tắp.

Ngày nhận được tin đỗ vào một trường công an, người tôi thông báo đầu tiên chính là mẹ. Tôi thấy niềm vui ánh lên trong đôi mắt của mẹ, tôi nghĩ đây là điều hạnh phúc lớn thứ hai của cuộc đời mẹ chỉ sau ngày tôi chào đời. Có lẽ, niềm hạnh phúc lớn lao nhất của một người mẹ là thấy con mình lớn khôn, trưởng thành. Tôi cảm thấy hạnh phúc tột cùng khi chứng kiến hình ảnh đó. Giống như cảm xúc của kẻ đã đi một chặng đường dài đằng đẵng, qua cả cùng trời cuối đất để tìm thấy đường chân trời. Một thứ mà nếu chưa từng điên rồ tìm kiếm, bạn sẽ không bao giờ tìm ra.

Bảy năm dài đằng đẵng xa nhà, ngày cầm tấm bằng tốt nghiệp trong tay, tôi đã không ngần ngại chọn một tỉnh biên giới phía Bắc là nơi dừng chân trong chuyến hành trình chinh phục thử thách của cuộc đời mình. Vì ra đây, tôi được gần gia đình sau bảy năm xa cách...

Có một lần ngày nhỏ, tôi nép sau lưng mẹ, nắm chặt vạt áo, mở to đôi mắt rụt rè nhìn thế giới rộng lớn. Đồng cỏ xanh chạy dài mãi đến tận phía chân núi xa. Mẹ đẩy tôi ra phía trước: “Chạy chơi đi con”. Tôi ngập ngừng mãi rồi cũng buông tay mẹ, chạy băng qua những gốc cây, những cánh đồng, qua tháng năm, qua những biến động, qua những vụng dại, qua những vấp ngã, qua những đánh rơi.

Mẹ đứng sau tôi...

Không lời...

Mẹ vẫn đợi...

Tôi tin mẹ vẫn đợi tôi ở đó...

Vì cuộc đời tôi có mẹ!

Ðinh Tuấn Anh (baolaocai)

Theo Quehuongonline.vn