Minh họa

Người đàn bà ở làng sau tám kỳ sinh nở không một lần được ôm ấp đứa con của mình khoan sâu vào chị những nỗi đau như không có ở con người. Chồng người đàn bà đã thét lên một tiếng rùng rợn rồi lao xuống dòng sông, nơi những sinh linh, nơi một phần máu thịt của anh và người con gái đã chờ đợi anh ngày khải hoàn cũng là lúc bắt đầu một bi kịch mới. Trở về làng, chỉ kịp quẳng chiếc ba lô lỗ chỗ vết đạn, họ đã đổ ập vào nhau mê mải, này là đợi chờ đằng đẵng, này là khao khát hàng nghìn đêm, này là những báo tử nhầm, những tưởng tượng thiếu khuyết của thân thể cường tráng ngày trở lại. 
 
Người đàn ông về làng lành lặn, vẹn nguyên và mạnh mẽ như người con gái vẫn hằng mơ trong những đêm dài. Tháng ngày hạnh phúc trôi như trên trần gian chỉ có mình họ, người lính đã tính nhẩm một ước mơ dài rộng trên những luống cày, trên những sông hồ trong mái nhà nhỏ đơn sơ. Thiên thần của họ đang hình thành, sắp hòa vào những niềm vui của họ, thành quả của những vun trồng, thậm chí cả những gửi gắm của đồng đội đã vĩnh viễn nằm lại ở chiến trường. Họ thì thầm vào tai nhau về ngày đứa bé chào đời, họ loay hoay nghĩ những cái tên mà người lính đã từng nghĩ đến từ những ngày còn ở trong đạn bom mù mịt, mà người vợ nghĩ đến từ những đêm ướt đầm nước mắt. Họ mở lòng bàn tay, quay lưng lại, cùng nhau viết những chữ nguệch ngoạc lên đó rồi nắm bàn tay, họ xoay người lại, mắt khẽ nhắm hờ và thơm lên tóc nhau rồi như một trò ú òa của trẻ con, hai bàn tay cùng mở. Những tiếng cười đan vào nhau, trong lòng bàn tay, hiện ra đồng nhất hai từ Chiến thắng. 

Không gian như ngưng lại, có những hạnh phúc giản đơn đến ngỡ ngàng, nó nhỏ bé nhưng lấp lánh như hạt sương mai treo trên đầu ngọn cỏ, nhỏ như những hạt thóc mẩy xôn xao ca hát trên bông lúa cánh đồng vàng mùa gặt, như củ khoai cựa mình thì thầm cùng đất những đêm đông. Nó là một điều gì khó giải thích lắm mà lúc này đây người lính và vợ anh không thể giải thích được, họ chờ đợi, họ nâng niu đợi ngày chiến thắng. Rồi cái ngày ấy cũng đến, nhưng nó không phải là một niềm vui vỡ òa mà là một nỗi kinh hoàng buốt nhói, vợ chồng người lính không tin ở mắt mình, họ như có tội với họ mạc, tổ tông, đứa bé không được làm người. Sau những ngày vật vã người vợ sinh ra một cục thịt không rõ hình hài, chị thét lên rùng rợn rồi ngất xỉu, trong nhà như có đám tang. Dân làng buồn thiu như một vụ mất mùa, cả những cây tre cũng rũ xuống như chia sẻ với người lính, như ngẫm ngợi về một nguyên nhân nào đó. 

Một nguyên nhân xa xôi, bí ẩn, tàng hình đã giáng xuống họ. Họ có tội tình gì? Họ kiểm soát lại những ăn ở, ứng xử của họ từ lúc sinh ra. Họ thở dài. Nhưng người lính và người vợ không tuyệt vọng. Trong hơn mười năm, vợ chồng người lính đã đi khắp các cửa đền cửa phủ, đã chữa chạy ngược xuôi đủ thứ nhưng tất cả vẫn cứ như lần đầu tiên, sau mỗi lần càng hãi hùng hơn, càng hoang mang hơn. Người lính ngày càng u uất và im lặng trên đồng đất dường như cũng ngày càng cằn cỗi, những bông lúa bạc phếch lúc lắc ngán ngẩm, những củ khoai thối đen trong lòng đất, còn người lính, giờ đã già xọm đi như một tội nhân đêm đêm ngồi ở bờ sông, hướng mặt ra dòng sông đang lầm lì kéo một vệt đen thẫm về nơi vô định. 

Dòng sông quê giờ đã trôi khỏi ký ức anh, nó chỉ còn chờn vờn những chiếc ang sành đựng những nỗi đau chập chờn trôi lặng lẽ. Một chiếc ang, hàng chục hàng trăm chiếc ang sành lều bều trên mặt nước chạng vạng như một đám tụ tập của những oan hồn âm u lướt trên mặt nước. Một nỗi đau, hàng ngàn hàng vạn nỗi đau vón cục u u gió thổi, va dạt vào nhau lanh canh, thê thiết. Những chiếc ang va đập vỡ tan ra, lặng lẽ chìm xuống đáy sông không sủi bọt, một sinh linh, nhiều sinh linh thậm chí chưa có tên, chưa có một giây khắc của đời sống, của thế giới mà chúng sẽ đến đã phải vội vã giã từ sang một thế giới khác, một thế giới mà những người lành lặn không thể hiểu được, càng không bao giờ với tới được. Người đàn ông lặn ngụp tuyệt vọng trong dòng nước ngầu đục. Xung quanh anh, cảnh tượng rờn rợn liêu trai, những chiếc ang sành lũ lượt kéo đến vây xung quanh người lính, chúng nhấp nhô như những chiếc thuyền thúng, bên trong là những ngọn nến đang cháy chờn vờn và từng đứa trẻ hình thù kỳ dị âm u động cựa phát ra những tiếng kêu thương cảm, hàng ngàn hàng vạn ánh nến rọi sáng cả một vùng sông. 

Dòng sông ngầu đỏ, mùi bùn rác sực lên táp vào mặt mũi người lính giờ đã như một kẻ đầu hàng số phận. Anh hét lên, nhưng sao quái lạ, không một âm thanh nào thoát ra khỏi vòm họng rát buốt của anh, chúng đã bị những ánh nến chập chờn hút hết hay là anh đã ở một thế giới khác, một thế giới mà âm thanh là vô nghĩa. Những ánh nến càng lúc càng lừ lừ xoay vòng tròn xung quanh anh. Một suy nghĩ dội lên, ta đã mắc tội lỗi gì ư, tổ tiên ta đã làm điều gì thất đức để đến giây phút này ta phải gánh nỗi đau tuyệt chủng. Một nỗi đau như một thứ tội lỗi lớn nhất của người đàn ông ở cái xứ sở này, điều đó chưa đủ hay sao mà những ánh nến kia còn nô giỡn, làm nhục ta trong hoàn cảnh đau đớn tột cùng như thế. Bàn chân chới với của anh như đã chạm vào những mảnh vỡ của biết bao ang sành liễn sứ đầu nguồn giữa nguồn trôi giạt dồn tụ về đây, từ biết bao năm nay, từng âm thầm như chính anh âm thầm, như bản tính những người nông dân quen chịu đựng và im lặng. 

Anh đã hoàn toàn bỏ mặc trạng thái của cơ thể muốn trôi dạt đi đâu mặc kệ. Anh muốn dứt đi cái suy nghĩ giày vò ở trong trí não nhưng không sao dứt được. Nó bám dai dẳng suốt từ cái đêm hãi hùng anh tưởng chính thức có được hạnh phúc bằng xương bằng thịt đầu tiên cùng người con gái đợi chờ sau bom đạn. Cho đến tận đêm nay, trên dòng sông với xiết bao ánh nến chập chờn này anh vẫn không sao xóa được những suy nghĩ như một sự báo thù truyền kiếp nhuộm đen dần trí não của anh. Anh lại hét lên một tiếng, vẫn không một âm thanh, kể cả âm thanh của chính mình. Những bóng nến sau phút trêu giỡn đang bập bềnh rủ nhau trôi về phía hạ nguồn, vừa trôi chúng vừa va lanh canh, sóng sánh một cách quái đản, có những tiếng cười, có những tiếng khóc, cả những tiếng la hét dội vào anh. Anh không nghe được tiếng của mình nhưng những động tĩnh xung quanh thảy đều dồn vào trí não anh. Những bóng nến xa dần chỉ còn nhìn thấy những vệt nhỏ li ti, nhiều cái bóng đã biến mất trong nước đục. 

Dòng sông thơ ấu mát rượi phù sa thuở nào giờ tanh ngòm và đặc sánh vây bủa một người con đang tuyệt vọng. Để nguyên cả quần áo ướt, anh vật xuống bãi bồi, gió xào xạc tanh nồng mùi xú khí, đêm không một chấm sao chỉ trăng suông mờ ảo và lạnh lẽo. Đã nhiều lần anh định rời khỏi làng nhưng cứ qua được sông lại có một cái gì níu giữ. Anh đã hại chị, chính anh đã hại chị, còn hơn cả một sự giết người. Anh đã giết chị bằng chính tình yêu của mình, khát vọng của người lính còn sống sót sau chiến tranh, một mơ ước chung chính đáng đã trở thành nguyên nhân dẫn đến những bi kịch nối tiếp. Đã bao nhiêu đêm trắng, khi đã vượt sang bên kia sông anh lại quay trở lại. Những lúc ấy, chị luôn đón chờ anh, chị nhỏ nhẹ bảo em biết anh sẽ quay trở lại, anh không thể nào bỏ em, chúng ta không ai có lỗi cả, trời Phật có mắt, trời Phật sẽ rủ lòng thương vợ chồng mình. Những lúc ấy anh khóc, giọt nước mắt đàn ông đặc như máu rơi xuống cổ xuống vai chị, anh nghẹn đắng, anh biết mình mắc nợ một người đàn bà, một món nợ trong kiếp này anh không thể trả. Có những hôm bình tĩnh và đầm ấm, anh bảo, hay là anh đưa em qua sông, em còn trẻ, cuộc đời phía trước còn rất dài, cũng là một cách em tha tội cho anh. Chị khẽ sững người, chị hiểu ngay ra tình thế, chị rúc vào bộ ngực gầy guộc của anh, thì thầm như mắng, anh ngốc lắm, lẽ nào em không biết điều đó, chúng ta còn thời gian, lẽ nào trời Phật không có mắt. Những lúc ấy chị luôn dịu dàng như một người mẹ. 

Anh không biết chị lấy đâu ra sự chịu đựng bền bỉ đến thế, nếu là người khác, hẳn đã bỏ đi ngay từ lần sinh nở đầu tiên, thậm chí bỏ anh từ khi có cái giấy báo tử nhầm về làng, nhưng chị đã chờ đợi. Trong nỗi đau, có lẽ nào anh hèn nhát và sớm quy hàng hơn chị, một thứ đầu hàng không điều kiện, không khế ước, không có một điều khoản nào, thậm chí không có cả kẻ chiến thắng. Đến lần thứ năm thì anh rơi vào trầm cảm, anh đã hiểu quá rõ nguyên nhân của nó, nguyên nhân từ những cuộc quần thảo liên miên với bọn giặc ở những khu rừng trụi lá. Đồng đội anh, những người còn sống hầu như toàn bộ đều rơi vào thảm trạng như anh, có người không chịu được đã tìm đến một thế giới khác, một thế giới mà anh luôn nghĩ đến nó, đặc biệt là những lúc anh ngồi bó gối đối diện dòng sông. Anh không chọn giải pháp như những người bạn chính vì anh đã mắc nợ chị quá nhiều, thà rằng chị chấp nhận lời van xin của anh, sang bên kia dòng sông với những mơ ước khác thì anh mới có thể thanh thản kết thúc cuộc sống của mình. Nhưng chị kiên quyết ở lại cùng anh, kiên trì hy vọng rồi tuyệt vọng. Chị và anh bây giờ đã là một khối thống nhất không thể tách rời, chị vẫn tin vào một điềm lành sẽ đến với họ, mặc dù niềm tin ngày càng nhỏ lại nhưng họ còn biết đến một thế giới nào khác nữa. Có lúc anh bảo, thôi đi em, chúng ta sẽ tìm một đứa con nuôi, chị nhìn anh, nghẹn ngào khi thấy những sợi tóc của anh đã bắt đầu bạc, có những sợi đã lìa khỏi đầu, chúng lang thang như những phần máu thịt của anh chị đã chu du vô định trong lòng sông khi trong khi đục. Chị bảo tùy anh, em thế nào cũng được, nhưng em vẫn tin vào trời Phật. Những lúc chị mở lòng như thế, anh lại khẽ khàng giục chị qua sông nhưng chị liền giận anh đến hàng tuần. Sau nhìn vào mắt anh, cái dáng người như lúc nào cũng thấy mình có lỗi, chị không giận được lâu, có hai người với nhau, bày vẽ chuyện giận dỗi làm gì, lúc nào chị cũng chăm sóc anh với tấm lòng của một người mẹ. Anh biết, thực ra anh như một đứa con của chị, mẹ của anh đã mất trước ngày anh trở về, người mẹ già không đợi được ngày chiến thắng để nhìn đứa con mình, đứa con mà chính quyền đã báo tử. Nhưng với linh cảm đặc biệt của người mẹ, bà vẫn tin con mình còn sống, nó đang trở về, nó chắc chắn sẽ đẻ cho bà những đứa cháu, người đàn bà ở bến sông móm mém và kiên nhẫn chờ đợi những mơ ước của mình, những người đàn bà ở bến sông này họ luôn có những mơ ước nhỏ nhoi như thế. Nhưng mẹ anh không đợi được, mẹ mất trong một trận lụt, khi ấy người con dâu ôm xác mẹ và thầm thề với hương hồn người đã khuất sẽ suốt đời sống bên anh. Lời thề ấy là một lời thề thiêng liêng mà chị chưa bao giờ nói với anh, nhưng hơn nhiều lời nói, đằng đẵng bấy nhiêu năm họ vẫn tựa vào nhau, dắt nhau qua hoạn nạn. Lần này anh sẽ đi khỏi làng, kể cả là anh đã phụ bạc chị. Nỗi đau nào rồi chả nguôi ngoai, chỉ có sự ra đi biệt tích của anh biết đâu sẽ mở cho chị một con đường khác, một con đường mà anh chính là vật cản cuối cùng, một cái chốt chắn ngang cuộc đời vốn đã quá nhiều cơ cực của chị.

Người đàn ông đứng dậy, bằng một suy nghĩ gần như một sự điên rồ, anh bước từng bước chậm chạp, lưng quay về hướng làng. Anh không dám nhìn dòng sông, anh biết, nếu anh nhìn về đó, anh sẽ không còn cơ hội ra đi nữa. 

                                                                                                                                    Phùng Văn Khai 

Theo Người Hà Nội