Hai năm trước, khi đang là sinh viên đại học tại Thành Đô (Trung Quốc), Miao đột nhiên cảm thấy rất không hài lòng với gương mặt của mình.

"Lúc đầu tôi cảm thấy mắt mình thật nhỏ, không đủ sâu và sáng, sau đó muốn mũi cao hơn, cánh mũi thu nhỏ lại, muốn môi mình mỏng hơn chút nữa và cảm thấy khó chịu với chiếc cằm không đủ nhọn. Tôi thấy da chùng nhão và muốn cải thiện chúng bằng điều trị laser. Tôi không thể ngừng nghĩ rằng mình thật xấu xí", Miao chia sẻ trên The Red News.

Mới bước vào đại học, bài vở nặng nề nhưng ngày nào Miao cũng soi gương, chụp hình selfie và quay video để ngắm nghía gương mặt mình hàng tiếng đồng hồ. Cô thậm chí còn có lúc trốn học chỉ để soi gương.

Không chỉ vậy, cô liên tục tìm kiếm những hình ảnh và thông tin về "khiếm khuyết" và "vẻ đẹp hoàn hảo" của cơ thể người, liệt kê những chi tiết không đạt yêu cầu trên người mình như mắt, mũi, cằm, khoảng cách giữa cằm và cổ.

chung nghien tham my anh 1

Dù không có khiếm khuyết về ngoại hình, Miao không thể ngừng ám ảnh rằng mình chưa đủ xinh đẹp.

Miao dùng thước để đo các đường nét trên gương mặt rồi tìm giải pháp chỉnh sửa trên mạng. Cô tham khảo ý kiến của một số bệnh viện thẩm mỹ nổi tiếng ở Trung Quốc, nói chuyện với một nhóm người lạ về việc phẫu thuật thẩm mỹ.

Tìm đủ mọi cách để phẫu thuật nhưng cô lo lắng vì còn là sinh viên, không có đủ tiền để chi cho viện phí. Cuối cùng cô xin tiền cha mẹ.

Ban đầu, Miao nhiều lần đòi đi phẫu thuật cắt mí. Vì đó là phẫu thuật nhanh gọn, không tốn thời gian và ít ảnh hưởng việc học nên cha mẹ cô đồng ý. Nhưng sau khi có mắt hai mí, cô vẫn cảm thấy không ổn vì tỷ lệ giữa mắt và mũi chưa phù hợp. Miao tiếp tục xin tiền phẫu thuật mắt và mũi.

Trước những yêu cầu được phẫu thuật liên tục từ con gái, cha mẹ Miao nói cô hãy hoãn lại và suy nghĩ kỹ sau kỳ thi, nhưng cô nhất quyết đi và không màng gì đến chuyện học.

Cha mẹ cô dần dần nhận ra sự bất ổn khi con gái sa đà vào ham mê dao kéo.

Không thể ngừng nghĩ mình bất ổn

Yan Guojian, một nhà trị liệu tâm lý tại Bệnh viện Nhân dân số 4 ở Thành Đô, cho biết Miao nghiện phẫu thuật thẩm mỹ không phải do ngoại hình xấu xí mà cô mắc một chứng bệnh tâm thần có tên "mặc cảm ngoại hình" hay còn gọi là "rối loạn khiếm khuyết cơ thể" (BDD).

Hiện tại, nguyên nhân và cơ chế sinh lý của căn bệnh này vẫn chưa được hiểu rõ. Nhiều chuyên gia tâm lý cho rằng nó có thể xuất phát từ nhiều yếu tố như người bệnh bị chế giễu hoặc lạm dụng quá mức trong thời thơ ấu.

Yan Guojian tin rằng Miao mắc chứng rào cản hình dạng rất điển hình. Theo Yan, "mặc cảm ngoại hình" (BDD) là một dạng ám ảnh cưỡng chế, ám chỉ vẻ ngoài không có khuyết điểm hoặc chỉ có khuyết điểm nhỏ, nhưng bệnh nhân luôn phóng đại những điểm đó và cảm thấy rằng họ là kẻ cực kỳ xấu xí hoặc ghê tởm, thu hút sự chú ý của người khác.

chung nghien tham my anh 2

Những người mắc chứng "rối loạn khiếm khuyết cơ thể" có xu hướng nghiện phẫu thuật thẩm mỹ.

Với trường hợp của Miao, vẻ ngoài không có khuyết điểm nhưng cô luôn nghĩ mình chưa đủ xinh đẹp và sa sút tinh thần. Khi chia sẻ với cha mẹ hoặc bạn bè, họ không hiểu vấn đề tâm lý của cô nên chỉ nhận xét khách quan rằng cô trông rất ổn.

Khi cô chỉ ra một điểm chưa hài lòng trên cơ thể và hỏi họ có thấy vậy không, nếu đối phương nói "có", Miao sẽ đau khổ, nhưng nếu họ đáp là "không", cô nghĩ họ đang nói dối. Cô mắc kẹt trong cảm xúc bi quan, đau đớn và thậm chí muốn tự tử.

Yan Guojian cho biết theo dữ liệu dịch tễ học nước ngoài hiện có, tỷ lệ mắc BDD (Body dysmorphic disorder) trong dân số nói chung là 0,7% đến 2,4%. Ở những nhóm dân cư đặc biệt, chẳng hạn như bệnh nhân da liễu và phẫu thuật thẩm mỹ, tỷ lệ mắc BDD cao hơn, đạt từ 3,2% đến 53,6%.

Những trường hợp có khiếm khuyết nhẹ, phẫu thuật đã cải thiện chúng, nhưng hiệu quả chữa bệnh nhìn chung chưa tốt. Nhiều bệnh nhân vẫn không hài lòng sau khi phẫu thuật, hoặc trải qua triệu chứng thay thế, làm thay đổi trọng tâm của họ vào cơ thể, dẫn đến sự xuất hiện của các khuyết điểm mới và tiếp tục sửa đổi. Kết quả, bệnh nhân càng chán ghét ngoại hình của mình.

Hầu hết bệnh bắt đầu ở tuổi thanh thiếu niên và diễn biến bệnh kéo dài, thường trở thành mạn tính khi điều trị không đúng cách. BDD thường đi kèm với rối loạn trầm cảm và lo âu.

“Điều cần chú ý là những bệnh nhân như vậy có nguy cơ tự tử cao, đặc biệt khi đi kèm với các triệu chứng trầm cảm. Bệnh nhân khó kiểm soát bản thân và phải soi gương, sửa đổi quá mức, hỏi người khác nhiều lần và nhờ bạn bè hoặc thành viên gia đình đánh giá ngoại hình của họ để có được sự đảm bảo rằng những điểm trên cơ thể là 'bình thường'".

Theo Zing