Minh họa

Căn nhà mái lá cuối xóm Dừa Nước có làn khói rơm trắng đục bay lên. Mẹ ngồi yên trong bóng chiều nhìn đau đáu từ trong nhà ra đầu ngõ như cố thu hết vào lòng những cảnh vật thân thuộc nơi đây. Xuyến gọi điện báo tin cuối tháng sẽ về quê đón mẹ lên thành phố sống. Ở quê không còn ai, một mình mẹ lủi thủi trong căn nhà vắng người, lỡ trái gió trở trời, biết đâu mà lường.  

Ban đầu mẹ kiên quyết không chịu: “Sống ở quê quen rồi con. Bịt mắt mà hỏi cây kim, cọng chỉ để chỗ nào mẹ còn tìm được, huống chi là sống một mình. Lâu lâu con về thăm mẹ là mẹ vui rồi. Quê mình, làm sao bỏ đi cho được?”. Xuyến năn nỉ gần như sắp khóc: “Mẹ cả đời cực khổ. Giờ, con có nhà, công việc ổn định, mẹ cho con cơ hội chăm sóc mẹ. Đến chừng mẹ nhớ quê con lại đưa mẹ về thăm đất thăm vườn...”.

 Mẹ đành chấp nhận. Đồ đạc trong nhà đã thu xếp gọn ghẽ, ngày mai Xuyến về từ biệt hàng xóm rồi đón mẹ lên nhà mới. Đêm, mẹ không ngủ được, cứ chợp mắt là hình ảnh ngôi nhà cũ thân thương có giàn mướp hương leo qua mái lá lại hiện về. Xóm đêm thanh vắng, thỉnh thoảng tiếng gà giật mình gáy thảng thốt, khuấy tan màn sương tịch mịch. Mẹ giở mùng rón rén bước xuống giường, ra ngoài sân trông trăng, nhìn đất trời bình lặng. Vài giọt sương rớt xuống đôi vai gầy còm của mẹ, ướt mem.

Hồi mua nhà, Xuyến chọn căn nhà có khu vườn nhỏ phía sau để mẹ trồng rau, khoảng sân nhỏ phía trước để mẹ trồng hoa, để từng chiều mẹ bắc ghế ngồi ngắm nhìn xe cộ. Xuyến cứ nhớ mãi cái ngày đón mẹ về phố, đi ngang qua một tòa nhà chọc trời hay qua đường vào giờ tan tầm, mẹ lại níu chặt cánh tay Xuyến. Xuyến cười mà lòng se sắt. Ngày thơ bé Xuyến vẫn thường nằng nặc đòi theo mẹ đi chợ, hễ nghe tiếng còi xe inh ỏi hay trông thấy người lạ là Xuyến lại nép vào lưng mẹ. Lưng mẹ bao giờ cũng là lá chắn chở che cho Xuyến đi qua bao giông tố cuộc đời. Bây giờ lưng mẹ đã còng theo thời gian.

Đón mẹ lên rồi, sáng Xuyến dậy sớm đi làm, trưa tranh thủ chạy về nhà ăn cơm với mẹ. Xuyến dặn: “Để con về rồi hai mẹ con mình cùng nấu, hay là con đặt cơm người ta làm sẵn rồi mang đến cho tiện, mẹ nấu một mình cực lắm”. Nhưng mẹ vẫn giữ thói quen xưa cũ. Hôm trước, mẹ lúi húi nấu cơm trong gian bếp, Xuyến đứng lặng nhìn từ phía sau, thấy mẹ vốc một nắm gạo đầy bỏ vào cái thố gốm trong tủ, Xuyến nói khẽ: “Thời này mà mẹ vẫn còn trữ gạo”. “Mẹ phòng khi trong nhà hết gạo thì có cái mà ăn”- mẹ nhẹ nhàng.

*   *    *

Mẹ xoa đầu Xuyến, tự dưng Xuyến nhớ đến nao lòng ngày mình còn thơ bé. Trong ký ức Xuyến vẫn còn ám ảnh những ngày lam lũ, nhọc nhằn khi mất mùa, hay lúc đất đai nứt nẻ đợi mãi cũng chẳng thấy giọt mưa. Làng xóm nhìn nhau đau đớn hỏi: Lấy gì mà sống tiếp đây? Thuở ấy, ba Xuyến bỏ hai mẹ con, đi biền biệt không về. Lần cuối cùng Xuyến gặp ba là một chiều tím biếc phía chân trời. Hai mẹ con Xuyến tiễn ba ra một ga xép nhỏ giữa cánh đồng hoang vắng. Tàu đến bằng tiếng còi và ra đi để lại những vạt khói tơi bời, buồn man mác. Mẹ vẫy vẫy cánh tay, tàu đi xa khuất hẳn sau rặng tre,Xuyến vẫn còn nói vọng: “Cuối năm nhớ về với con và mẹ, nghe ba!”. Xuyến nói mặc cho ba có nghe được hay không. Hoặc là gió bạt mất lời Xuyến. Hoặc là âm thanh nhỏ nhoi không thể vượt không gian trôi vào toa tàu. Xuyến đứng bơ vơ, bóng mẹ đổ dài phía cuối đồng hun hút…

Ba đi mãi không về. Mẹ Xuyến chờ đến mòn mỏi thanh xuân. Ba vẫn không về. Cuối mùa lúa thất, mẹ dắt tay Xuyến rời quê vào Nam sinh sống. Từ số vốn ít ỏi dành dụm được từ thời con gái, mẹ mở một quán cóc nhỏ xíu bên lề đường, bán đủ những món đồ lặt vặt: hàng gạo, hàng dầu, hàng nước mắm, đồ ăn con trẻ… Mỗi ngày, Xuyến dậy sớm phụ mẹ dọn mấy bộ ghế bàn ra quán, bày biện vài món đồ linh tinh lên kệ rồi đi đò dọc đến trường. Trưa về lại phụ mẹ bán hàng đến chập tối. Khi màn đêm dần buông, mấy con thiêu thân bay loạng choạng trong hoàng hôn tịch mịch, Xuyến mang tập ra hàng ba ngồi bập bẹ đánh vần chờ khách đến. Cũng có khi ế hàng, Xuyến đợi mãi vẫn không thấy ai, với tay kéo tấm rèm vải xuống, rồi lên võng ngồi chờ nồi cháo khoai mẹ nấu. Hương cháo nóng xông vào mũi, Xuyến thấy lòng mình rộn rã vui...

Thói quen tiết kiệm vì thế mà ăn sâu vào cuộc đời mẹ. Mẹ vẫn còn ám ảnh những tháng ngày cơm không đủ ăn, phải ra đồng nhổ khoai mì độn cùng với gạo. Một miếng khoai cõng hai ba hạt cơm tẻ, bao giờ mẹ cũng giành lấy phần khoai mà ăn, còn phần cơm  mẹ dành cho Xuyến, rồi nói: “Mẹ thích ăn khoai hơn”.

Hồi đó Xuyến cứ mặc định rằng mẹ thích ăn khoai, mãi sau này Xuyến mới hiểu tấm lòng của mẹ. Rồi Xuyến mới để ý nhà có cái thố gốm ở góc bếp. Một hôm trong nhà không còn hột gạo, cả giồng khoai cũng bị chuột gặm hết, mẹ giở nắp thố gốm ra, Xuyến thấy trong đó là những hạt gạo mẹ để dành. Nhờ thế mà hai mẹ con Xuyến no lòng qua những ngày đói kém. Cái thố ấy mẹ vẫn còn giữ lại đến bây giờ, dù đã bị mẻ một mảnh…

*   *    *

Mẹ lặt hết chỗ rau muống xanh mượt rồi ngồi xuống nghỉ ngơi. Xuyến đứng sau lưng bóp vai, đấm lưng cho mẹ. Nhìn mái đầu bạc phơ vì năm tháng, Xuyến chợt nghĩ thời gian ngấm ngầm mà tàn nhẫn quá! Thời gian khiến da mẹ trổ đồi mồi, lưng còng, đôi mắt mờ đi... Nhưng thời gian cũng làm Xuyến trưởng thành và mạnh mẽ với cuộc đời. Điều Xuyến thường nghĩ đến không phải cho mình, mà cho mẹ bình an: “Bao giờ nhớ xóm, con đưa mẹ về thăm. Thấy vậy chứ không có xa xôi”. “Vậy cuối tuần này mình về đi con”. Đôi mắt mẹ sáng lên lạ thường. Xuyến vòng tay ôm mẹ, hứa như đinh đóng cột: “Nhất định rồi!”. 

 Truyện ngắn: HOÀNG KHÁNH DUY/Báo Cần Thơ