1. Vị thuốc xác ve sầu
Theo y học cổ truyền, ve sầu có vị ngọt, mặn, tính mát, đi vào kinh can và phế. Có tác dụng tán phong nhiệt, giải kinh tuyên phế, thấu đậu chẩn. Dùng chữa các chứng ngứa, như đậu chẩn, phong chẩn, trẻ con kinh giật, trúng gió choáng váng, mất tiếng, mắt có màng mộng, viêm tai giữa.
Trên thế giới có hơn 2.000 loài ve sầu, trong đó phổ biến là ve sầu châu chấu, ve sầu dế, ve sầu lạnh Mông Cổ, ve sầu gấu Takasago...
Nghiên cứu y học hiện đại cho thấy vỏ ve sầu chứa chitin, protein, axit amin, axit hữu cơ, hợp chất phenolic và các nguyên tố vi lượng khác nhau, trong đó có 16 nguyên tố thiết yếu cho cơ thể con người, chẳng hạn như sắt, mangan, canxi, magie, kẽm, phốt pho, v.v. có tác dụng an thần, giảm đau, chống co giật, chống dị ứng, chống virus, chống khối u và các tác dụng khác. Nó có thể được sử dụng lâm sàng để điều trị các bệnh khác nhau ở nhiều khoa khác nhau như nội khoa, ngoại khoa, phụ khoa, nhi khoa.
Theo nghiên cứu y học, sự thiếu hụt mangan trong cơ thể con người có thể gây co giật, đặc biệt là ở trẻ em, những đối tượng dễ bị co giật và quấy khóc vào ban đêm. Tác dụng chống co giật của xác ve sầu có liên quan đến hàm lượng mangan cao.
Liều dùng: 2 - 5 gam dưới dạng thuốc sắc hoặc thuốc bột.
2. Bài thuốc chữa bệnh có xác ve sầu
2.1. Vị thuốc có xác ve sầu chữa chứng viêm phế quản, ho mất tiếng:
Thuyền thoái 3g, cát cánh 5g, ngưu bàng tử 10g, cam thảo 3g. Đổ 400ml sắc còn 200ml chia làm 3 lần uống trong ngày. Uống khi thuốc còn ấm.
2.2. Chữa phong chẩn ở trẻ em: Dùng 8g thuyền thoái, 8g kim ngân hoa, 8g bồ công anh, 8g xích thược, 6g bạc hà, 2g kinh giới sắc với 400ml còn 200ml, chia làm 3 lần uống trong ngày. Uống khi thuốc còn ấm.
2.3. Chữa bệnh sởi: Dùng 6g thuyền thoái, 12g cát căn, 8g liên kiều, 6g xích thược, 4g bối mẫu, 6g kinh giới, 2g cam thảo sắc với 400ml nước còn 200ml chia uống cả ngày. Uống khi thuốc còn ấm.
2.4. Chữa kinh phong co giật: Xác ve sầu, thiên nam tinh, cam thảo, sinh khương đại táo, mỗi vị 3g; toàn yết 1,5g. Tất cả làm khô, tán bột, uống làm 2- 3 lần trong ngày. Uống khi thuốc còn ấm.
2.5. Chữa chứng khóc đêm ở trẻ (khóc dạ đề): Dùng 7 đến 9 xác ve sầu, ngắt bỏ đầu, chân cùng với 2 ngọn rau kinh giới cho vào chén con chưng cách thủy hoặc hấp cơm lấy nước cho trẻ uống.
2.6. Mụn nhọt thể dương mới phát ở vùng đầu mặt: Cam thảo (sống) 10g, sinh địa 60g, tang diệp 60g, thuyền thoái 20g. Sắc với 400ml còn 200ml, chia làm 3 lần uống trong ngày. Uống khi thuốc còn ấm.
2.7. Mắt có màng mộng: Thuyền thoái (bỏ đầu, chân), xà thoái, xuyên khung, chích thảo mỗi thứ 3g; bạch tật lê, phòng phong, xích thược mỗi thứ 12g, thương truật, đương quy mỗi thứ 8g; thạch quyết minh 20g sắc với 400ml còn 200ml, chia làm 3 lần uống trong ngày. Uống khi thuốc còn ấm.
2.8. Mắt sưng đỏ: Thuyền thoái, đăng tâm thảo đều 5g; kim ngân hoa, long đởm thảo, thảo quyết minh, sinh địa, cúc hoa đều 12g; liên kiều 10g sắc với 400ml còn 200ml, chia làm 3 lần uống trong ngày. Uống khi thuốc còn ấm.
2.9. Trị bệnh uốn ván: Lấy ve sầu, cắt bỏ đầu và chân, lau khô rồi xay mịn. Người lớn nên uống một ngày 3 lần, mỗi lần 3 đến 5 gam, pha với 2 lạng rượu gạo. Đối với trẻ em, giảm liều lượng.
2.10. Chữa bệnh mề đay mạn tính: Xác ve sầu, bạch tật lê xay bột, và một lượng mật ong thích hợp để làm thành viên, mỗi viên nặng 3g. Uống 2 đến 3 lần, mỗi lần 1 viên, với nước ấm.
3. Những kiêng kỵ khi dùng bài thuốc có xác ve sầu
Phụ nữ có thai thuyệt đối không được dùng, bệnh nhân vàng da, phát ban, suy nhược cơ thể và cảm lạnh không nên dùng. Một số người mẫn cảm với các thành phần có trong xác ve thì thận trọng khi dùng.
Nếu dùng xác ve có các triệu chứng như buồn nôn, chóng mặt, phù mặt, mệt mỏi cần đến bệnh viện ngay để các bác sĩ có chuyên môn xử lý kịp thời.
Lưu ý: Các bài thuốc chỉ mang tính tham khảo. Khi có bệnh người bệnh cần được thăm khám và tư vấn bởi bác sĩ y học cổ truyền. Tránh tự ý dùng thuốc mà tiền mất tật mang.
Theo suckhoedoisong.vn