Hệ miễn dịch là hệ thống phòng vệ tự nhiên của cơ thể chống lại các tác nhân gây bệnh như vi khuẩn, virus, ký sinh trùng và các tác nhân lạ khác. Hệ miễn dịch bao gồm một mạng lưới phức tạp của tế bào, mô và cơ quan mà làm việc cùng nhau để bảo vệ cơ thể. Nói cách khác, khi hệ miễn dịch suy yếu, các yếu tố gây bệnh như virus, vi khuẩn, nấm,... dễ dàng xâm nhập và tấn công cơ thể dẫn tới bệnh tật, thậm chí là mất mạng.
Ngoài việc chống lại các yếu tố gây bệnh từ môi trường bên ngoài, hệ miễn dịch còn có thể theo dõi các tổn thương bên trong. Ví dụ, sau khi tế bào bị lão hóa và đột biến, khả năng miễn dịch tốt sẽ kịp thời nhận ra chúng và loại bỏ kịp thời những tế bào bị lão hóa và đột biến này. Nếu khả năng miễn dịch suy giảm, những tế bào bị đột biến này phát triển theo thời gian và có thể tận dụng cơ hội này làm nguy cơ phát triển các khối u ác tính.
10 đặc điểm trên cơ thể chứng tỏ hệ miễn dịch khỏe mạnh
Theo Sohu, dưới đây là 10 đặc điểm cho thấy bạn đang có một hệ miễn dịch khỏe mạnh:
1. Tinh thần tốt và năng lượng dồi dào
Khi hệ miễn dịch hoạt động hiệu quả, cơ thể có thể chống lại các nhiễm trùng và bệnh tật mà không cần phải dành quá nhiều năng lượng cho việc chiến đấu chống lại bệnh tật. Điều này giúp cơ thể có đủ năng lượng cho các hoạt động khác, dẫn đến tinh thần tốt và cảm giác tràn đầy năng lượng.
Ngoài ra, khi khỏe mạnh, hormone và các chất hóa học trong cơ thể cũng được cân bằng tốt hơn, điều này cũng có thể cải thiện tâm trạng và mức năng lượng tổng thể.
Hơn nữa, đã có nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, người có tinh thần luôn căng thẳng thường tạo ra một loại hormone gọi là cortisol. Trong thời gian ngắn, cortisol có thể tăng cường khả năng miễn dịch của bạn bằng cách hạn chế tình trạng viêm. Nhưng theo thời gian, cơ thể bạn sẽ quen với việc có quá nhiều cortisol trong máu, điều này "mở đường" cho tình trạng viêm nhiều hơn và có thể ức chế khả năng chống lại các tác nhân xâm nhập của hệ miễn dịch.
|
|
Người có hệ miễn dịch tốt là người có tinh thần tốt và năng lượng dồi dào (Ảnh: ST) |
2. Nước da hồng hào
Những người có khả năng miễn dịch tốt thường có nước da hồng hào. Nếu nước da không bình thường, điều đó không chỉ cho thấy khả năng miễn dịch suy giảm mà còn là dấu hiệu của bệnh tật sắp xuất hiện.
Ví dụ, những người có nước da nhợt nhạt thường biểu hiện tình trạng thiếu máu và những người có nước da vàng có thể bị bệnh về gan, mật hay tuyến tụy.
3. Tư duy và tốc độ phản ứng nhanh
Khả năng miễn dịch của một người càng tốt thì suy nghĩ và phản ứng càng nhanh. Ngược lại, nếu một người luôn ốm yếu, phản ứng của não sẽ chậm hơn, thậm chí có thể bị chứng hay quên, đau đầu, mất ngủ và phản ứng chậm.
Nói cách khác, người có hệ miễn dịch khỏe mạnh thường có sức khỏe tổng thể tốt, điều này giúp cơ thể vận hành trơn tru và hiệu quả. Sức khỏe tốt hỗ trợ chức năng não bộ, bao gồm cả khả năng tư duy và tốc độ phản ứng cũng như tốc độ xử lý vấn đề.
Ngoài ra, khi hệ miễn dịch không phải chiến đấu liên tục chống lại bệnh tật, cơ thể có thể phân bổ năng lượng vào các hoạt động khác, bao gồm cả các chức năng nhận thức.
|
|
Một người luôn ốm yếu, phản ứng của não sẽ chậm hơn (Ảnh: ST) |
4. Chức năng hô hấp tốt, không bị ho, đờm hay khó thở
Hệ thống miễn dịch và hệ hô hấp phối hợp với nhau để duy trì sức khỏe tổng thể của cơ thể. Hệ hô hấp, bao gồm mũi, họng, khí quản và phổi, là điểm xâm nhập của nhiều tác nhân gây bệnh. Các tác nhân gây bệnh này có thể gây ra các bệnh như cảm lạnh thông thường, cúm, viêm nhiễm đường hô hấp trên và đường hô hấp dưới. Mặt khác, hệ thống miễn dịch là cơ chế phòng vệ của cơ thể chống lại những tác nhân gây hại này.
Sự tương tác của hệ thống miễn dịch với hệ hô hấp bắt đầu bằng các rào cản vật lý. Hệ hô hấp được lót bằng chất nhầy và lông mao. Chất nhầy giữ lại các tác nhân gây bệnh, trong khi lông mao, các cấu trúc giống như sợi lông nhỏ, di chuyển chất nhầy và tác nhân gây bệnh ra khỏi hệ hô hấp. Đây là tuyến phòng thủ đầu tiên của cơ thể.
Nếu tác nhân gây bệnh vượt qua được các rào cản vật lý này, tuyến phòng thủ thứ hai của hệ thống miễn dịch sẽ phát huy tác dụng. Nếu khả năng miễn dịch không tốt, phổi dễ bị nhiễm trùng. Nhiễm trùng lặp đi lặp lại cũng có thể dẫn đến viêm phế quản mãn tính, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và suy giảm chức năng phổi. Với các triệu chứng bệnh hô hấp điển hình là ho đờm, ho mạn tính, thở khò khè, khó thở,...
5. Làn da căng bóng, không bị mẩn ngứa bất thường
Ngoài việc cung cấp một rào cản vật lý thụ động chống lại nhiễm trùng, da còn chứa các yếu tố của hệ thống miễn dịch bẩm sinh và thích nghi cho phép da chủ động chống lại nhiễm trùng xâm nhập từ bên ngoài.
Nếu một người có hệ miễn dịch khỏe mạnh, nó sẽ giúp bảo vệ cơ thể chống lại các tác nhân gây bệnh về da, bao gồm cả những nguyên nhân gây kích ứng da như vi khuẩn, virus và dị nguyên đồng thời còn giúp kiểm soát các phản ứng viêm nhiễm, là nguyên nhân chính của các triệu chứng như mẩn đỏ và ngứa.
|
|
Hệ miễn dịch kém có thể gây ra nhiều vấn đề về da (Ảnh: ST) |
Ngoài ra, một hệ miễn dịch khỏe mạnh cũng giúp duy trì sự cân bằng của các tế bào và chất hóa học trong cơ thể, điều này quan trọng trong việc duy trì sức khỏe của làn da.
6. Sức khỏe tiêu hóa tốt đại diện cho hệ miễn dịch khỏe mạnh
Có tới 70% tế bào miễn dịch nằm trong đường tiêu hóa. Lớp lót của hệ tiêu hóa, nơi chứa các tế bào miễn dịch, giúp lọc chất dinh dưỡng và ngăn không cho độc tố xâm nhập vào máu .
Người có hệ miễn dịch khỏe mạnh thường có sức khỏe tiêu hóa tốt vì hệ miễn dịch đóng một vai trò quan trọng trong việc bảo vệ cơ thể khỏi các mầm bệnh có thể xâm nhập qua đường tiêu hóa.
Hơn nữa, hệ miễn dịch giúp duy trì sự cân bằng của vi khuẩn có lợi trong đường ruột, điều này rất quan trọng đối với sức khỏe tiêu hóa. Một hệ miễn dịch làm việc hiệu quả cũng có thể giảm viêm và phản ứng dị ứng trong đường tiêu hóa, từ đó giúp tiêu hóa thức ăn một cách trơn tru và hấp thụ dưỡng chất hiệu quả hơn.
7. Không bị sưng hạch bất thường một cách thường xuyên
Nếu cơ thể chúng ta bị viêm, các hạch bạch huyết sẽ sưng lên. Hạch bạch huyết là cơ quan miễn dịch cực kỳ quan trọng của cơ thể con người, có chức năng ngăn chặn và loại bỏ các chất lạ như vi khuẩn hoặc chất độc, đồng thời trở thành hàng rào phòng thủ ngăn chặn sự lây lan và lan rộng của viêm nhiễm.
Khi hệ miễn dịch hoạt động tốt, nó có thể chống lại vi khuẩn và virus mà không cần kích hoạt phản ứng viêm mạnh mẽ, dẫn đến việc giảm thiểu các tình trạng viêm sưng không cần thiết ở hạch. Nhưng nếu khả năng miễn dịch bị suy yếu, hạch bạch huyết hay sưng tấy với tần suất cao, báo hiệu cho việc hệ miễn dịch đang cố gắng chống lại các tác nhân gây bệnh.
8. Khả năng vận động thể chất mạnh mẽ
Người có hệ miễn dịch khỏe mạnh thường có khả năng vận động thể chất tốt vì hệ thống miễn dịch mạnh giúp bảo vệ cơ thể khỏi các bệnh tật, giúp duy trì sức khỏe và sức mạnh của cơ bắp và xương khớp. Điều này cho phép họ duy trì hoạt động thể chất đều đặn và phục hồi nhanh chóng sau khi tập luyện, làm giảm nguy cơ chấn thương và mệt mỏi.
|
|
Người có hệ miễn dịch khỏe mạnh thường có khả năng vận động thể chất tốt (Ảnh: ST) |
Hơn nữa, sức khỏe tốt cũng tạo điều kiện cho việc cải thiện và duy trì chức năng vận động, dẫn đến hiệu suất thể chất cao hơn. Hoạt động thể chất có thể giúp loại bỏ vi khuẩn ra khỏi phổi và đường thở. Điều này có thể làm giảm nguy cơ mắc cảm lạnh, cúm hoặc các bệnh khác. Tập thể dục gây ra những thay đổi trong kháng thể và tế bào bạch cầu, tế bào hệ thống miễn dịch của cơ thể có tác dụng chống lại bệnh tật.
9. Vết thương nhanh lành hơn
Hệ miễn dịch suy yếu là một trong những nguyên nhân khiến vết thương lâu lành hơn. Ngược lại, khi hệ miễn dịch khỏe mạnh, chúng dễ dàng thực hiện các chức năng cầm máu, tổ chức và tái tạo mới các mô bằng cách vận chuyển các tế bào miễn dịch tới vị trí vết thương để chống nhiễm trùng xâm nhập và bắt đầu quá trình chữa lành các tổn thương.
Ngoài ra, hệ miễn dịch khỏe mạnh cũng có khả năng cân bằng tốt các phản ứng viêm, giảm thiểu tình trạng viêm kéo dài có thể làm chậm quá trình lành vết thương.
10. Nguy cơ ung thư thấp
Hệ miễn dịch có thể giúp phát hiện và chống lại các tế bào ung thư cũng như tiêu diệt chúng (mặc dù điều này là không đủ để chữa bệnh). Ngoài ra, hệ miễn dịch cũng giúp chống lại các nhiễm trùng có thể gây viêm và stress oxy hóa, những yếu tố góp phần vào sự phát triển của ung thư. Khi hệ miễn dịch hoạt động tốt, nó giúp ngăn ngừa sự tích tụ của các tổn thương DNA và sự hình thành của khối u, qua đó giảm nguy cơ ung thư.
Có một vấn đề là khi già đi, sự lão hóa khiến hệ miễn dịch suy giảm theo thời gian. Khi kết hợp với các thói quen sinh hoạt không lành mạnh như thức khuya, hút thuốc, uống rượu, ngồi lâu, căng thẳng quá mức,... cũng khiến khả năng miễn dịch bị ảnh hưởng nhiều hơn.
Vậy làm cách nào để tăng cường hệ miễn dịch?
Theo Harvard Health, việc đầu tiên có thể làm để tăng cường hệ miễn dịch chính là lựa chọn và xây dựng lối sống lành mạnh. Điều này bao gồm:
- Không hút thuốc.
- Ăn nhiều trái cây và rau quả tươi.
- Tập thể dục thường xuyên.
- Duy trì cân nặng khỏe mạnh.
- Hạn chế uống rượu bia, nếu uống chỉ nên uống ở mức độ vừa phải.
- Ngủ đủ giấc.
- Thực hiện vệ sinh cá nhân tốt giúp phòng ngừa nguy cơ lây nhiễm các bệnh nhiễm trùng như rửa tay thường xuyên, ăn chín uống sôi,...
- Cố gắng giảm thiểu và học cách quản lý căng thẳng.
- Tiêm vaccine lịch hàng năm.
- Không tự ý bổ sung vitamin và khoáng chất từ thực phẩm bổ sung khi chưa có chỉ định của bác sĩ.
Nhìn chung, có nhiều yếu tố có thể tác động tới chức năng miễn dịch của mỗi người. Việc có một hệ miễn dịch khỏe mạnh sẽ giúp chống lại nhiều nguy cơ bệnh tật cũng như tăng khả năng phục hồi nhanh khi mắc bệnh.
Châu Anh (tổng hợp)