Nếu liên tục bị đau lưng dưới, ở cả hai bên, hãy cẩn trọng vì có thể thận đang bị đau
Đây là một trong những lý do tại sao chỉ có 10% người mắc bệnh thận mạn tính biết mình mắc bệnh, bác sĩ Joseph Vassalot từ Quỹ Thận Quốc gia Mỹ cho biết, theo National Kidney Foundation.Tuy cách hiệu quả nhất để biết thận có hoạt động tốt hay không là kiểm tra, nhưng một số dấu hiệu trên cơ thể cũng có thể tiết lộ thận đang gặp nguy.
1. Tiểu tiện nhiều lần hoặc không đi tiểu được
Tiểu tiện nhiều lần có thể là dấu hiệu của bệnh thận. Thận có trách nhiệm loại bỏ độc tố và nước thải ra khỏi cơ thể qua đường tiết niệu. Khi bộ lọc thận bị tổn thương, nó có thể làm tăng cảm giác muốn đi tiểu. Tương tự, đi tiểu quá ít có thể là dấu hiệu của tắc nghẽn đường tiết niệu hoặc sỏi thận.
2. Nước tiểu có bọt
Có nhiều bọt trong nước tiểu - đặc biệt là khi phải xả nước nhiều thì bọt mới trôi đi hết - là dấu hiệu chỉ ra sự hiện diện của protein trong nước tiểu. Bọt này có thể trông giống như bọt khi đánh trứng, vì albumin - loại protein phổ biến trong nước tiểu, cùng loại với protein có trong trứng, theo National Kidney Foundation.
3. Tiểu ra máu
Tiểu ra máu cũng có thể là do khối u, sỏi thận hoặc nhiễm trùng. Tuy nhiên, một số bệnh về thận cũng gây tiểu ra máu. Thận khỏe mạnh lọc các chất thải từ máu mà không để rò rỉ máu ra ngoài. Khi thận bị rối loạn, các tế bào máu này bắt đầu thoát ra và đi vào dòng nước tiểu, theo E Times.
4. Có bọng mắt mạn tính quanh mắt
Protein thoát vào nước tiểu là dấu hiệu sớm cho thấy các bộ lọc của thận đã bị tổn thương, cho phép protein rò rỉ vào nước tiểu. Bọng quanh mắt có thể là do thận đang rò rỉ một lượng lớn protein vào dòng nước tiểu, gây ra bọng mắt.
5. Sưng phù tay chân
Nếu chân và tay thường bị sưng phù, nguyên nhân có thể đến từ thận. Rối loạn chức năng thận có thể dẫn đến tích tụ natri trong cơ thể, mà lẽ ra lượng natri này phải được đào thải ra ngoài thông qua đường tiết niệu. Từ đó gây sưng phù ở tay và chân.
Sưng ở chi dưới cũng có thể là dấu hiệu của bệnh tim, bệnh gan và các vấn đề về tĩnh mạch chân mạn tính.
6. Khó ngủ
Nếu thận không lọc độc tố khỏi cơ thể đúng cách, có thể làm gián đoạn giấc ngủ sâu. Một số người bị bệnh thận mạn tính có thể mắc hội chứng ngưng thở khi ngủ, ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng người bệnh.
7. Khó tập trung và liên tục cảm thấy mệt mỏi
Theo một nghiên cứu do Đại học Temple (Mỹ) thực hiện, nếu bị giảm khả năng nhận thức hoặc gặp khó khăn trong việc ghi nhớ, thì đó có thể là dấu hiệu của việc giảm chức năng thận.
Suy giảm chức năng thận có thể dẫn đến sự tích tụ chất độc và tạp chất trong máu, tạo cảm giác mệt mỏi, sức khỏe suy kiệt và khó giữ được sự tập trung. Thậm chí, suy thận cũng có thể dẫn đến tích tụ độc tố trong não và có thể hủy hoại chức năng não.
8. Đau lưng
Đau lưng có thể là dấu hiệu của nhiều căn bệnh như nhiễm trùng đường tiết niệu, sỏi thận hay chấn thương. Tuy nhiên, nếu liên tục bị đau lưng dưới, ở cả hai bên, hãy cẩn trọng vì có thể thận đang bị đau.
9. Huyết áp cao
Huyết áp cao làm hỏng các mạch máu trong thận, làm giảm đáng kể chức năng thận. Các mạch máu bị sẹo và yếu khi phải giãn ra để tăng lượng máu lưu thông. Khi các mạch máu của thận bị tổn thương, chúng có thể ngừng đào thải chất thải và chất lỏng ra khỏi cơ thể.
Theo Hiệp hội Tim mạch Mỹ, huyết áp cao là lý do phổ biến thứ hai gây suy thận.
10. Các triệu chứng khác
Ngoài ra, chán ăn và chuột rút cũng là những biểu hiện của bệnh thận. Sự tích tụ độc tố do chức năng thận giảm có thể gây chán ăn.
Chức năng thận bị suy giảm có thể gây mất cân bằng điện giải. Mức canxi thấp và mức phốt pho không thể kiểm soát có thể góp phần gây ra chuột rút cơ bắp.
Theo Thanh Niên