Suy tim có thể ảnh hưởng tới một hoặc cả hai bên tim gọi là suy tim trái và suy tim phải. Dưới đây là 10 dấu hiệu suy tim phải phổ biến và thời điểm cho thấy bạn cần chăm sóc y tế ngay lập tức.
1. Triệu chứng suy tim phải thường gặp
Suy tim phải là gì?
Khi trái tim của bạn ở trạng thái khỏe mạnh, máu sẽ di chuyển từ tĩnh mạch vào buồng phải tim. Từ đó di chuyển vào phổi để lấy oxy rồi di chuyển sang bên trái tim và bơm đến phần còn lại của cơ thể. Khi bạn bị suy tim phải, phần tim bên phải không thể xử lý được toàn bộ lượng máu được tĩnh mạch vận chuyển trở lại. Do vậy máu bắt đầu chảy ngược dòng và gây ra cơn suy tim phải.
Trong hầu hết các trường hợp suy tim là do các vấn đề sức khỏe khiến tim bị tổn thương hoặc suy yếu chẳng hạn như huyết áp cao, bệnh động mạch vành, van tim bị tổn thương, chứng rối loạn nhịp tim, suy tim trái, bệnh phổi, tiểu đường, HIV, các vấn đề về tuyến giáp. Ngoài ra tuổi tác, tiền sử gia đình, lạm dụng rượu bia và các chất kích thích,... cũng làm tăng nguy cơ mắc suy tim phải.
|
|
Suy tim có thể ảnh hưởng tới một hoặc cả hai bên tim gọi là suy tim trái và suy tim phải (Ảnh: ST) |
Dưới đây là một số dấu hiệu suy tim phải thường gặp
1. Sưng phù ở chân, mắt cá chân và bàn chân khi máu chảy ngược vào tĩnh mạch và ứ đọng tại đó, một số chất lỏng có thể thoát khỏi tĩnh mạch vào các mô xung quanh. Sưng nề và giữ nước là một trong những triệu chứng phổ biến nhất của bệnh suy tim.
2. Khó thở ở bệnh nhân suy tim phải xảy ra sau khi thực hiện các vận động do cơ thể không nhận được đủ oxy từ máu. Đây cũng được coi là một trong những dấu hiệu sớm của suy tim. Khi tim ngày càng yếu đi, bạn sẽ cảm thấy khó thở hơn kể cả khi bình thường.
3. Ho nhiều hơn do tim suy yếu
4. Bụng sưng trướng do chất lỏng tích tụ trong khoang bụng
5. Chóng mặt và khó tập trung do lượng oxy đến não bị suy giảm, một số trường hợp có thể kèm theo chóng mặt
6. Khó chịu ở ngực do tình trạng sưng nề và dịch ở ngực gây tức ngực hoặc đau ở ngực
7. Đi tiểu nhiều hơn, đặc biệt vào ban đêm do chất lỏng tích tụ
8. Mệt mỏi, thường xuyên cảm thấy thiếu năng lượng. Bạn có thể cảm thấy khó ngủ hơn do bị khó thở khi nằm thẳng
9. Chán ăn và buồn nôn do chất lỏng tích tụ trong ổ bụng tăng áp lực lên dạ dày tạo hiệu ứng "no giả" nhanh chóng, ức chế cảm giác thèm ăn và tăng cảm giác buồn nôn
10. Tăng cân nhanh chóng do cơ thể tích nước bất thường (khoảng 2,3kg trong 5 ngày được coi là tăng cân bất thường).
2. Triệu chứng suy tim phải hiếm gặp, nguy hiểm
Các triệu chứng ít gặp hơn của suy tim phải có thể là một số biểu hiện cho thấy chức năng tim đang xấu đi, nghiêm trọng hơn và có thể đe dọa tới tính mạng. Các triệu chứng này bao gồm:
1. Giãn tĩnh mạch cổ (tĩnh mạch ở cổ bị sưng lên)
2. Phù phổi do chất lỏng trong phổi tích tụ ngày càng nhiều hơn khi suy tim tiến triển và thường là dấu hiệu cho thấy bên phải của tim cũng đang bị ảnh hưởng. Phù phổi gây khó thở, đặc biệt là khi nằm ngửa và có thể đe dọa tới tính mạng nếu không được điều trị
3. Tim đập nhanh, nhịp tim không đều đôi khi là triệu chứng suy tim phải. Bạn cảm thấy tim đập nhanh hơn, đập dồn dập hoặc lỡ nhịp
4. Ngất xỉu là một biểu hiện của các trường hợp cần cấp cứu y tế khẩn cấp
5. Ho ra chất nhầy màu hồng hoặc lẫn máu là dấu hiệu của phù phổi đang nghiêm trọng hơn
6. Hạ áp phổ biến ở khoảng 10 - 15% người bị suy tim phải và thường là triệu chứng muộn hơn của bệnh suy tim biểu thị tình trạng phân suất tổng máu (ejection fraction - chỉ số đánh giá chức năng bơm máu của tim) đang ở mức thấp.
3. Biến chứng suy tim phải
Khi suy tim phải xảy ra, bạn có thể gặp phải các biến chứng bao gồm:
- Tổn thương gan do chất lỏng tích tụ trong ổ bụng, tăng áp lực lên các mạch máu xung quanh gan. Theo thời gian, điều này có thể dẫn tới sẹo gan và các tổn thương mô trong gan, từ đó cản trở chức năng gan dẫn tới suy giảm
- Tổn thương thận bao gồm bệnh thận mãn tính hoặc suy thận do sự thay đổi chất lỏng và lượng máu thấp. Nếu không được điều trị, suy thận có thể cần phải lọc máu lâu dài, thậm chí suốt đời
- Suy dinh dưỡng do suy tim phải có thể gây ra cảm giác chán ăn bởi dạ dày bị chèn ép và sụt giảm năng lượng. Ăn ít hơn dẫn tới mất cơ và mỡ nghiêm trọng cũng như thiếu hụt vitamin và khoáng chất
- Rối loạn chức năng van tim do cơ bắp yếu đi và máu, dịch lỏng ứ đọng cản trở các van này hoạt động bình tường. Van tim yếu có thể khiến máu chảy ngược qua van tim thay vì di chuyển về phía trước
- Ngừng tim đột ngột (đau tim).
4. Khi nào cần thăm khám bác sĩ?
Hãy thăm khám bác sĩ để kiểm tra tim nếu bạn nhận thấy:
- Chân dễ sưng (phù nề)
- Cảm thấy mệt mỏi và khó thở ngay cả khi thực hiện những hoạt động bình thường.
|
|
Suy tim phải có thể gây khó thở khi thực hiện các hoạt động bình thường (Ảnh: ST) |
Suy tim phải là bệnh kéo dài suốt đời và hiện tại chưa có cách điều trị nhưng bạn có thể làm chậm lại sự tiến triển của bệnh bằng cách tuân thủ theo các chỉ định điều trị của bác sĩ và tái khám định kỳ. Thuốc (thuốc lợi tiểu, thuốc giãn mạch, thuốc chẹn beta,...) có thể giúp giảm nhẹ các triệu chứng, trong một vài trường hợp phẫu thuật có thể được chỉ định.
Khi gặp các dấu hiệu dưới đây, hãy tìm kiếm cấp cứu khẩn cấp ngay lập tức:
- Khó thở đột ngột, nhịp tim không đều hoặc đau ngực
- Khó thở kèm đờm lẫn máu
- Ngất xỉu hoặc mất ý thức.
Người bị suy tim phải cần giảm cân và duy trì cân nặng ổn định; bỏ thuốc lá; tập thể dục cường độ vừa phải thường xuyên; chế độ ăn nhiều protein nạc cùng nhiều trái cây tươi, hoa quả, ngũ cốc nguyên nhạt và sữa ít béo; cắt giảm muối, chất béo bão hòa, đường bổ sung; nghỉ ngơi đầy đủ,...
Tuổi thọ của bệnh nhân mắc suy tim phải phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe và mức độ nghiêm trọng của bệnh cũng như độ tuổi và lối sống của người bệnh. Tuy nhiên, theo Healhtline, tiên lượng của bệnh nhân suy tim phải thường kém.
Châu Anh/Nguồn: VeryWell, WebMD