Mặc dù tắm nước lạnh có thể làm giảm nhiệt độ trong thời gian ngắn, nhưng rất khó chịu và có thể dẫn đến run cầm cập. Cơ bắp run có thể làm tăng nhiệt độ cơ thể trở lại - ẢNH MINH HỌA: SHUTTERSTOCK
Bất kể do nguyên nhân gì, đây là những thực hành tốt nhất bạn nên tuân theo nếu bị sốt. Và hãy đi khám ngay nếu thân nhiệt vượt quá 39,3 độ C, theo Eatthis.
1. Uống rượu, soda
Nên tránh rượu, soda và đồ uống chứa caffein khi bị sốt, theo tiến sĩ Pauline J. Jose, từ California (Mỹ). Chúng có thể gây mất nước vào lúc cơ thể thực sự cần giữ nước nhất.
2. Để quá nóng
Đừng mặc nhiều áo hoặc ở nơi quá nóng, tiến sĩ Dimitar Marinov, từ Đại học Y khoa Varna (Bulgaria), cho biết. Điều này có thể làm xáo trộn quá trình điều hòa nhiệt độ của cơ thể và làm cho cơn sốt càng nặng hơn, theo Eatthis.
3. Uống thuốc hạ sốt quá liều
Acetaminophen là thuốc hạ sốt hiệu quả, nhưng uống quá liều có thể dẫn đến tổn thương gan nghiêm trọng và thậm chí tử vong, tiến sĩ Marinov cho biết.
Người lớn không nên uống quá 1.000 mg acetaminophen một lần, giới hạn ở mức 2.000 mg một ngày. Đối với trẻ em, liều lượng thấp hơn. Tốt nhất là nên hỏi ý kiến bác sĩ.
4. Để đói bụng
Tiến sĩ Marinov nói, không nên bỏ ăn khi sốt vì rất nguy hiểm. Sốt làm tăng tốc độ trao đổi chất và cơ thể cần nhiều calo hơn từ thức ăn. Đói có thể làm tê liệt hệ miễn dịch, theo Eatthis.
5. Quên uống nước
Bác sĩ Ralph E. Holsworth, từ Colorado (Mỹ), cho biết sốt sẽ làm tăng nhịp hô hấp, từ đó gây mất nước và tăng đổ mồ hôi để giảm nhiệt độ cơ thể. Hơn nữa, lượng nước uống thường giảm trong khi bị sốt, cuối cùng sẽ làm nặng thêm tình trạng mất nước.
Cần phải giữ nước, vì vậy hãy đảm bảo uống nhiều nước. Theo trang WebMD (Mỹ), nam giới cần uống khoảng 3 lít và hơn 2 lít đối với phụ nữ mỗi ngày.
6. Cho trẻ em dùng aspirin
Tiến sĩ Leann Poston, từ Trung tâm y tế Invigor, New York (Mỹ), cho biết người lớn có thể dùng aspirin, nhưng có khả năng việc tiêm aspirin cho trẻ em hoặc thanh thiếu niên khi bị nhiễm virus, có thể dẫn đến hội chứng Reye - có thể gây tử vong. Đây là một rối loạn hiếm gặp gây tổn thương não và gan, thường xảy ra ở trẻ em, dù có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi.
Nên cho trẻ uống các loại thuốc hạ sốt thông thường, như paracetamol (tylenol) và thuốc kháng viêm như ibuprofen. Tốt nhất là nên hỏi ý kiến bác sĩ, theo trang WebMD.
7. Để mất ngủ
Hệ miễn dịch tiêu thụ nhiều năng lượng để cố gắng chống lại nhiễm trùng vào ban ngày. Khi ngủ, cơ thể có thời gian để phục hồi nguồn năng lượng đó. Không ngủ có thể làm cho bệnh kéo dài.
Hãy ngủ từ 7 - 9 giờ ngủ mỗi đêm để đảm bảo đủ thời gian nghỉ ngơi và thời gian thích hợp để chữa lành bệnh, theo Eatthis.
8. Tiếp tục các hoạt động thường ngày
Cơ thể cần rất nhiều năng lượng để chống lại nhiễm trùng, tiến sĩ Poston nói. Chuyển năng lượng đó sang các hoạt động khác có thể khiến việc chống lại nhiễm trùng trở nên khó khăn hơn.
Hãy ở nhà cho đến khi hết sốt trong ít nhất 24 giờ. Hãy đảm bảo ngủ đủ và uống đủ nước.
9. Tắm nước lạnh
Mặc dù nước lạnh có thể làm giảm nhiệt độ trong thời gian ngắn, nhưng rất khó chịu và có thể dẫn đến run cầm cập. Cơ bắp run có thể làm tăng nhiệt độ cơ thể trở lại, tiến sĩ Poston nói.
Thay vào đó hãy lau bằng nước ấm. Cơ thể sẽ bắt đầu mát khi nước bay hơi. Dừng lại hoặc dùng nước ấm hơn nếu bắt đầu thấy lạnh run, theo Eatthis.
10. Lạm dụng thuốc hạ sốt
Sốt là triệu chứng, không phải là bệnh. Đó là phản ứng của cơ thể với nhiễm trùng, tiến sĩ Poston nói. Nếu không thấy khó chịu, tốt nhất là không nên dùng thuốc hạ sốt vì làm như vậy là chống lại nỗ lực làm chậm sự nhân lên của virus hoặc vi khuẩn của cơ thể.
Gọi cho cơ quan y tế nếu nghi ngờ
Có nhiều nguyên nhân gây sốt, cả virus và vi khuẩn, tiến sĩ Poston nói. Hãy gọi báo cơ quan y tế gần nhất nếu cảm thấy lo lắng về các triệu chứng, dù đó có phải Covid-19 hay không, theo Eatthis.
Theo thanhnien