Những triệu chứng ở mắt có thể là một trong những cách cơ thể báo cho bạn biết các vấn đề về sức khoẻ. Mắt đỏ ngầu có thể là dấu hiệu của các vấn đề như đau mắt đỏ, thiếu ngủ, kích ứng kính áp tròng hoặc lẹo mắt. Dưới đây là những nguyên nhân gây mắt đỏ và cách điều trị.
1. Uống rượu
Sau khi uống nhiều rượu và say, bạn có thể nhận thấy mắt của mình đỏ lên. Đây cũng không phải là triệu chứng nguy hiểm, đơn giản là do tác dụng phụ của rượu.
Rượu làm cho các mạch máu nhỏ trong mắt giãn ra, lượng máu chảy qua những mạch máu này cũng tăng lên. Đặc biệt, tròng trắng mắt có màu sắc tương phản với sắc đỏ của máu, nên bạn sẽ dễ dàng thấy tròng mắt chuyển sang màu đỏ ngầu.
Ngoài đỏ mắt, uống nhiều rượu còn khiến mắt của bạn bị kích ứng như ngứa, cộm. Nếu duy trì trong thời gian dài có thể gây mờ mắt, phản xạ kém, khô mắt hoặc tăng nguy cơ các bệnh lý khác ở mắt.
Cách xử lý
Đỏ mắt do rượu sẽ tự biến mất sau khi bạn ngừng uống rượu và lượng cồn trong cơ thể giảm xuống. Nhưng nếu bạn cảm thấy khó chịu ở mắt trong thời điểm đó, thuốc nhỏ mắt không kê đơn (OTC) có thể làm giảm vết đỏ.
|
|
Uống rượu có thể làm mắt đỏ ngầu nhưng sẽ nhanh chóng biến mất (Ảnh: Internet) |
2. Đau mắt đỏ
Đau mắt đỏ hay viêm kết mạc do nhiễm trùng do vi khuẩn, virus gây ra khiến một hoặc cả hai mắt đỏ tươi, sưng tấy, chảy nước mắt và ngứa. Đây là tình trạng viêm (đỏ) của kết mạc, mô trong suốt lót bề mặt bên trong mí mắt và lớp phủ bên ngoài của mắt. Mặc dù hiếm khi trở nên nghiêm trọng nhưng đau mắt đỏ sẽ lây lan nhanh chóng.
Cách điều trị
Đối với trường hợp đau mắt đỏ do vi khuẩn thì sử dụng thuốc nhỏ kháng sinh là phương pháp điều trị phổ biến nhất. Các trường hợp khác không phải do vi khuẩn hoặc một số loại virus đặc biệt (herpes simplex hoặc varicella-zoster) thì người bệnh có thể sẽ tự khỏi.
Để làm giảm triệu chứng, mọi người có thể áp dụng một số biện pháp tại nhà:
- Chườm ấm
- Nhỏ nước muối sinh lý hoặc thuốc nhỏ không kê đơn
- Không đeo kính áp tròng hoặc dụi mắt
3. Dị ứng
Đỏ mắt có thể do viêm kết mạc dị ứng. Đây là tình trạng mắt bị đỏ, ngứa, cộm, chảy nước mắt do phản ứng với các tác nhân gây dị ứng, chẳng hạn như phấn hoa, lông động vật, mạt bụi,...
Cách điều trị
Tìm ra nguyên nhân gây ra phản ứng và tránh tiếp xúc với tác nhân đó sẽ giúp các vết đỏ mắt biến mất. Ngoài ra, bạn cũng có thể điều trị và giảm triệu chứng bằng một số biện pháp khác như:
- Dùng thuốc kháng histamine.
- Dùng một miếng gạc mát hoặc khăn chườm lên mắt và vệ sinh mắt sạch sẽ với nước muối sinh lý.
- Sử dụng thuốc nhỏ mắt không kê đơn (OTC) dành cho người bị dị ứng.
|
|
Viêm kết mạc dị ứng xảy ra do tiếp xúc với các tác nhân như phấn hoá, lông động vật, mạt bụi,... (Ảnh: Internet) |
4. Chấn thương giác mạc
Tình trạng đỏ mắt có thể xảy ra do tổn thương giác mạc - phần trong phía trước của mắt giúp tập trung ánh sáng, chẳng hạn như trầy xước hoặc rách giác mạc.
Các nguyên nhân gây tổn thương giác mạc bao gồm dụi mắt, khô mắt, dị vật hoặc do vật sắc nhọn đâm vào mắt.
Cách xử lý
Theo Webmd, khi bị trầy xước giác mạc, bạn nên rửa mắt bằng nước sạch hoặc nước muối sinh lý một hoặc hai lần để loại bỏ các dị vật (nếu có) hoặc làm dịu mắt. Lưu ý không nên rửa mắt nhiều lần vì làm như vậy có thể làm cho tình hình tồi tệ hơn. Người bệnh chú ý tránh chà xát hoặc ấn vào mắt.
Sau đó hãy đến bệnh viện để được thăm khám. Bác sĩ có thể kê toa thuốc nhỏ mắt hoặc thuốc mỡ kháng sinh để giữ cho mắt bạn không bị nhiễm trùng, kê thuốc nhỏ mắt để giảm đau và đỏ. Người bệnh cũng có thể được bịt mắt và đeo một miếng che mắt để tránh sự tác động của ánh sáng.
Vết trầy xước có thể lành từ một đến hai ngày hoặc tối đa một tuần, tùy thuộc vào kích thước của vết xước.
Nếu bạn bị rách giác mạc, hãy tìm sự chăm sóc y tế ngay. Phẫu thuật là phương pháp điều trị điển hình để ngăn ngừa mắt bị tổn thương thêm và loại bỏ dị vật khỏi mắt.
|
|
Chấn thương giác mạc gây đỏ, chảy nước mắt hoặc mắt nhạy cảm với ánh sáng (Ảnh: Internet) |
5. Tăng nhãn áp
Tăng nhãn áp là một tình trạng mắt phổ biến khi dây thần kinh thị giác kết nối mắt với não bị tổn thương. Nguyên nhân thường do chất lỏng tích tụ ở phần trước của mắt, làm tăng áp lực bên trong mắt.
Bệnh tăng nhãn áp thường không gây ra các triệu chứng ngày từ đầu nên rất khó nhận biết. Những người gặp vấn đề mắt này thường sẽ bị mờ mắt hoặc nhìn thấy các vòng tròn màu cầu vồng xung quanh ánh sáng rực rỡ. Cả hai mắt thường bị ảnh hưởng, mặc dù tình trạng có thể nặng hơn ở một mắt.
Ngoài ra, tăng nhãn áp cũng có thể gây đỏ mắt, đau nhức mắt, đau đầu,... nhưng xảy ra ở giai đoạn sau.
Cách điều trị
Việc điều trị có thể khác nhau tùy thuộc vào loại bệnh tăng nhãn áp. Một số phương pháp điều trị tăng nhãn áp bao gồm:
- Thuốc nhỏ mắt
- Điều trị bằng laser
- Thuốc hoặc thuốc tiêm tĩnh mạch để giảm áp lực bên trong mắt
- Phẫu thuật
Bệnh tăng nhãn áp có thể dẫn đến mất thị lực nếu không được chẩn đoán và điều trị sớm. Do đó, nếu bạn nghi ngờ mình mắc tình trạng mắt này, bạn cần đến bệnh viện kiểm tra, đặc biệt khi bị đau mắt nghiêm trọng hoặc mất thị lực đột ngột.
6. Kích ứng mắt do tiếp xúc
Kích ứng mắt do tiếp xúc thường do đeo kính áp tròng. Nếu bạn đeo kính áp tròng không đúng cách và không được vệ sinh sạch sẽ thì có thể dẫn tới tình trạng mắt bị đỏ do kích ứng.
Kính áp tròng có thể ngăn không cho đủ oxy đến mắt, đó là lý do khiến mắt bạn đỏ ngầu và khó chịu. Nếu đeo kính áp tròng quá lâu hoặc đeo khi ngủ, chúng có thể gây mẩn đỏ, nhiễm trùng và trong trường hợp xấu nhất là loét giác mạc.
Cách xử lý
Nếu bị đau nhức, đỏ mắt sau khi đeo kính áp tròng, bạn nên ngừng sử dụng loại kính này. Nếu các triệu chứng không thuyên giảm, bạn nên đến gặp bác sĩ để được thăm khám.
Ngoài ra, bạn có thể ngăn ngừa các vấn đề kích ứng mắt do kính áp tròng bằng cách:
- Tuân thủ chặt chẽ các hướng dẫn về cách sử dụng và làm sạch kính áp tròng.
- Không nên đeo kính áp tròng trong thời gian dài.
- Không đeo kính áp tròng khi đi ngủ.
- Vệ sinh mắt bằng nước muối sinh lý hoặc thuốc nhỏ sau khi đeo kính áp tròng.
|
|
Đeo kính áp tròng có thể gây kích ứng mắt (Ảnh: Internet) |
7. Viêm giác mạc
Viêm giác mạc là tình trạng giác mạc - có dạng vòm tròn, trong suốt ở phía trước mắt, bao phủ đồng tử và mống mắt bị viêm. Nguyên nhân gây viêm giác mạc có thể có hoặc không liên quan đến nhiễm trùng. Viêm giác mạc không nhiễm trùng thường do một chấn thương tương đối nhỏ, chẳng hạn như đeo kính áp tròng quá lâu hoặc bị dị vật bay vào mắt. Viêm giác mạc truyền nhiễm có thể do vi khuẩn, virus, nấm và ký sinh trùng gây ra.
Ngoài tình trạng đỏ mắt, các triệu chứng khác của viêm giác mạc bao gồm: Đau mắt, chảy nước mắt, có dịch, mờ mắt, giảm thị lực, nhạy cảm với ánh sáng, cảm giác có gì đó ở trong mắt.
Cách điều trị
Khi bị viêm giác mạc, người bệnh cần đến bệnh viện thăm khám và điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ. Nếu bạn bị viêm giác mạc nhẹ, bác sĩ có thể khuyên sử dụng thuốc nhỏ mắt bôi trơn và để mắt bạn tự lành.
Nếu viêm giác mạc do nhiễm khuẩn từ virus, vi khuẩn, nấm thì bác sĩ có thể kê thuốc nhỏ mắt chống virus, kháng sinh hoặc chống nấm. Thuốc nhỏ mắt chống viêm và thuốc giảm đau có thể dùng sau thuốc nhỏ mắt kháng sinh, kháng nấm hoặc kháng virus. Trong một số trường hợp, phẫu thuật có thể cần thiết.
|
|
Viêm giác mạc gây ra các triệu chứng như đỏ mắt, chảy nước mắt, có dịch, mờ mắt,... (Ảnh: Internet) |
8. Thiếu ngủ
Đôi mắt mệt mỏi do thiếu ngủ thường có xu hướng đỏ ngầu. Vì nếu bạn mở mắt trong thời gian dài vì thiếu ngủ, giác mạc sẽ không được bôi trơn tốt, do đó sẽ dẫn tới tình trạng khô và đỏ mắt.
Trong một nghiên cứu, các nhà nghiên cứu đã báo cáo mối tương quan tích cực giữa những người bị thiếu ngủ và khô mắt.
Cách điều trị
Ngủ nhiều hơn, nếu có thể, có thể điều trị chứng đỏ mắt do mệt mỏi. Thuốc nhỏ mắt OTC và gạc mát cũng có thể hữu ích.
9. Lẹo mắt
Lẹo mắt là một vết sưng nhỏ màu đỏ hình thành trên mí mắt (hoặc mép dưới của mắt), có thể trông giống như mụn nhọt. Lẹo mắt thường hình thành ở bên ngoài mí mắt, nhưng đôi khi nó có thể hình thành ở phần bên trong mí mắt.
Lẹo mắt là do nhiễm trùng do vi khuẩn trong tuyến sản xuất dầu của mí mắt. Một trong những dấu hiệu đầu tiên khi bị lẹo mắt là vết sưng đỏ đau đớn dọc theo mí mắt, nếu bạn dụi nhiều có thể gây đỏ toàn bộ mắt, kèm theo đó là đau nhức, ngứa, chảy nước mắt, cảm giác có vật gì trong mắt.
Cách điều trị
Lẹo mắt không ảnh hưởng đến thị lực của bạn nhưng nó vẫn có thể gây khó chịu. Lẹo mắt thường sẽ tự biến mất sau một đến hai tuần. Tuy nhiên để giảm sự khó chịu hoặc đau nhức do lẹo mắt, mọi người có thể chườm ấm, làm sạch mí mắt. Không nặn bóp mụn, không gãi hoặc dụi mắt, không trang điểm mắt hoặc đeo kính áp tròng.
|
|
Lẹo mắt không nguy hiểm nhưng gây sự khó chịu cho người bệnh (Ảnh: Internet) |
10. Xuất huyết kết mạc
Xuất huyết dưới kết mạc xảy ra khi mạch máu dưới bề mặt của mắt bị vỡ. Khi điều đó xảy ra, máu sẽ bị mắc kẹt và tạo thành một mảng màu đỏ tươi trong lòng trắng của mắt.
Xuất huyết dưới kết mạc thường xảy ra mà không có bất kỳ tác hại rõ ràng nào đối với mắt. Ngay cả một cái hắt hơi hoặc ho mạnh cũng có thể khiến mạch máu trong mắt bị vỡ.
Xuất huyết dưới kết mạc có thể trông đáng báo động, nhưng đây là một tình trạng vô hại. Xuất huyết dưới kết mạc không cần điều trị vì các mảng đó sẽ tự biến mất trong vòng 2 tuần hoặc lâu hơn.
Trên đây là 10 nguyên nhân gây đỏ mắt và cách điều trị. Khi gặp các tình trạng về mắt, mọi người nên lưu ý không dụi hay tác động mạnh vào mắt để tránh làm tổn thương nặng hơn. Nên đi thăm khám bác sĩ khi các triệu chứng xảy ra đột ngột hoặc không thuyên giảm.
Vân Anh/Nguồn: Tổng hợp