Sáng nay 9.1, tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị triển khai công tác y tế 2024. Theo Bộ Y tế, năm 2023, ngành y tế đã đạt được nhiều chỉ tiêu về y tế. Trong đó, toàn ngành đạt 12,5 bác sĩ, vượt so với chỉ tiêu được giao là 12 bác sĩ; số giường bệnh/10.000 dân thực hiện đạt chỉ tiêu 32 giường bệnh.
Tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế thực hiện đạt chỉ tiêu 93,2% dân số. Số dược sĩ đại học trên 10.000 dân đạt 32 (cao hơn so với chỉ tiêu được giao là 30)...
Tuy nhiên, một số chỉ tiêu cơ bản dân số không đạt; trong đó, tuổi thọ trung bình (tính từ lúc sinh) ở mức 73,7 tuổi, thấp hơn so với chỉ tiêu là 73,8 tuổi. Đáng lưu ý, tỷ số giới tính khi sinh vẫn ở mức cao với 112 bé trai/100 bé gái, không đạt so với mục tiêu 111,2 bé trai/100 bé gái.
Cấm lựa chọn giới tính thai nhi
Bộ Y tế cho biết trong năm 2024, toàn ngành thực hiện các giải pháp phát triển hệ thống y tế công bằng, chất lượng, hiệu quả, bền vững, kiểm soát tốt dịch bệnh; tăng cường y tế cơ sở, y tế dự phòng, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh ở tất cả các tuyến; hoàn thiện thể chế, chính sách, giải quyết hiệu quả tình trạng thiếu nhân lực, thuốc, vật tư, thiết bị, sinh phẩm y tế.
Hoàn thiện hồ sơ dự án luật Dân số; tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25.10.2017 của Ban Chấp hành T.Ư khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới, Chiến lược dân số Việt Nam đến năm 2030, Đề án kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2016 - 2025, Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030.
Trong đó, Đề án kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2016 - 2025 đã đưa ra mục tiêu giảm tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh, đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên.
Nâng cao hiệu lực thực thi những quy định của pháp luật về kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh với các hoạt động cụ thể: phổ biến, giáo dục những quy định của pháp luật về nghiêm cấm các hình thức lựa chọn giới tính thai nhi; đẩy mạnh các hoạt động kiểm tra giám sát thực thi pháp luật liên quan đến việc lựa chọn giới tính thai nhi.
Tăng cường khả năng ngăn ngừa và phát hiện vi phạm, tăng mức xử phạt vi phạm với hành vi lựa chọn giới tính khi sinh; khắc phục tình trạng lạm dụng kỹ thuật cao để lựa chọn giới tính thai nhi...
Năm 2022, theo một nghiên cứu đánh giá của các chuyên gia dân số, tại Việt Nam, 45.900 trẻ em gái không được sinh ra do lựa chọn giới tính thai nhi.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê (Bộ KH-ĐT), tỷ số giới tính khi sinh của dân số Việt Nam năm 2023 là 112 bé trai/100 bé gái, phản ánh tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ở nước ta vẫn ở mức cao. Tỷ số giới tính khi sinh của Việt Nam có dấu hiệu tăng chậm lại trong những năm gần đây và dự báo sẽ giảm trong những năm tiếp theo.
Việt Nam cần tiếp tục nỗ lực thực hiện các biện pháp tốt hơn để đạt được mục tiêu của Chính phủ đề ra trong Chiến lược dân số Việt Nam: "Đến năm 2030, tỷ số giới tính khi sinh dưới 109 bé trai/100 bé gái sinh ra sống".
|
Theo Thanh niên