Bổ sung thảo dược có thể làm tăng huyết áp hoặc ảnh hưởng đến hiệu quả của thuốc,. - ẢNH MINH HỌA: SHUTTERSTOCK
Bạn có thể đã nghe nói: muối, lo lắng và tức giận làm tăng huyết áp.
Nhưng không chỉ chừng đó, mà còn có những yếu tố chưa từng nghe nói đến cũng có thể làm tăng huyết áp, bạn cần phải đề phòng sau đây, theo WebMD.
1. Ăn nhiều đường
Điều này thậm chí còn quan trọng hơn muối trong việc tăng huyết áp.
Những người ăn nhiều đường sẽ có sự gia tăng đáng kể cả huyết áp tâm trương và huyết áp tâm thu. Chỉ 3 ly nước ngọt tổng cộng 700 ml đã làm huyết áp tâm thu tăng trung bình 15 điểm và tăng huyết áp tâm trương lên 9 điểm.
2. Cô đơn
Cô đơn ở đây không phải là ít bạn, mà là cảm giác không được kết nối với người khác.
Nghiên cứu cho thấy, trong 4 năm, huyết áp tâm thu của những người cô đơn nhất, đã tăng hơn 14 điểm. Các nhà nghiên cứu cho rằng liên tục sợ bị từ chối và thất vọng và cảnh giác về sự an toàn của bản thân có thể thay đổi cách cơ thể hoạt động.
3. Ngưng thở khi ngủ
Những người bị chứng ngưng thở khi ngủ có nguy cơ mắc bệnh cao huyết áp và bệnh tim cao hơn. Khi hơi thở bị gián đoạn liên tục trong khi ngủ, hệ thần kinh sẽ tiết ra các chất hóa học làm tăng huyết áp.
Hơn nữa, nhận ít oxy hơn có thể làm hỏng thành mạch máu và khiến cơ thể khó điều chỉnh huyết áp hơn.
4. Không hấp thu đủ kali
Chuối, bông cải xanh, rau bó xôi và các loại rau lá xanh khác là nguồn cung cấp kali tốt - SHUTTERTOCK
Thận cần cân bằng natri và kali để giữ lượng chất lỏng trong máu đúng cách. Vì vậy, ngay cả khi ăn ít muối, một người vẫn có thể bị huyết áp cao hơn nếu không ăn đủ trái cây, rau, đậu, sữa ít béo hoặc cá - để cung cấp đủ kali.
Chuối, bông cải xanh, rau bó xôi và các loại rau lá xanh khác là nguồn cung cấp kali tốt, theo WebMD.
5. Cơn đau
Cơn đau đột ngột, hoặc cấp tính, tấn công hệ thần kinh cũng làm tăng huyết áp.
6. Bổ sung thảo dược
Bạch quả, nhân sâm có thể làm tăng huyết áp hoặc ảnh hưởng đến hiệu quả của thuốc, kể cả thuốc trị huyết áp cao.
7. Các vấn đề về tuyến giáp
Khi tuyến này không tạo đủ hoóc môn tuyến giáp, nhịp tim sẽ chậm lại và các động mạch ít co giãn hơn.
Mức hoóc môn thấp cũng có thể làm tăng cholesterol "xấu" - có thể làm cứng động mạch. Máu di chuyển qua các mạch máu bị cứng sẽ nhanh hơn, ép lên thành mạch và làm tăng huyết áp.
Đôi khi, quá nhiều hoóc môn tuyến giáp có thể khiến tim đập mạnh hơn và nhanh hơn, điều này cũng làm tăng huyết áp.
8. Thuốc kháng viêm giảm đau thông thường
Các loại thuốc kháng viêm giảm đau thông thường, như aspirin và ibuprofen, có thể làm tăng huyết áp, ngay cả ở người không bị bệnh cao huyết áp, theo WebMD.
Mặc dù mức tăng trung bình chỉ là một vài điểm, nhưng một số người có thể bị ảnh hưởng nhiều hơn.
9. Thuốc xịt thông mũi và thuốc chống trầm cảm
Thuốc xịt mũi có thể thu hẹp mạch máu, từ đó làm tăng huyết áp - ẢNH MINH HỌA: SHUTTERSTOCK
Các thành phần như pseudoephedrine và phenylephrine có thể thu hẹp mạch máu, từ đó làm tăng huyết áp.
Những loại thuốc này cũng có thể làm cho thuốc huyết áp kém hiệu quả hơn.
Bên cạnh đó, các loại thuốc chống trầm cảm - nhắm vào các chất hóa học trong não có thể thay đổi không chỉ tâm trạng mà còn cả huyết áp.
10. Uống không đủ nước
Khi các tế bào của cơ thể không có đủ nước, các mạch máu sẽ thắt lại. Điều này xảy ra bởi vì não gửi tín hiệu đến tuyến yên để giải phóng một chất hóa học làm co các mạch máu lại.
Và thận tạo ra ít nước tiểu hơn, để giữ lại chất lỏng, điều này cũng kích hoạt các mạch máu nhỏ trong tim và não co bóp nhiều hơn.
11. Thuốc ngừa thai
Thuốc tránh thai, thuốc tiêm và các thiết bị ngừa thai sử dụng hoóc môn khác làm thu hẹp mạch máu, vì vậy có thể huyết áp sẽ tăng lên.
Đặc biệt, thuốc ngừa thai dễ làm tăng huyết áp ở phụ nữ trên 35 tuổi, thừa cân, hoặc hút thuốc hơn. Vì vậy, những đối tượng này cần theo dõi huyết áp của mình, kiểm tra 6-12 tháng một lần. Liều lượng nội tiết tố nữ estrogen thấp hơn có thể giữ mức huyết áp gần với mức bình thường.
12. Nói chuyện
Điều kỳ lạ là bất kể người già trẻ, huyết áp lúc nghỉ sẽ tăng cao khi bắt đầu nói chuyện, và hậu quả kéo dài trong vài phút, theo WebMD.
Theo thanhnien