|
|
Uống nước ép cải xoăn giảm các yếu tố nguy cơ bệnh tim, bao gồm cả cholesterol LDL (Ảnh: Internet) |
Hiện nay, nước ép trái cây được sử dụng phổ biến, đặc biệt với những người quan tâm sức khỏe. Nước ép trái cây đem lại nhiều nguồn dinh dưỡng, cung cấp nhiều vitamin và khoáng chất giúp tăng cường hệ miễn dịch, tốt cho người bị các vấn đề về tiêu hoá, tim mạch, ung thư, …
Để tăng giá trị dinh dưỡng cũng như giúp hương vị nước ép đa dạng, phong phú hơn, các bạn có thể kết hợp thêm một số loại rau cùng trái cây.
1. 12 loại rau tốt nhất để ép với trái cây
1.1. Cải xoăn
Cải xoăn là một loại lá có màu xanh, hương vị nhẹ, dễ kết hợp với các loại trái cây và rau khác để tạo ra một ly nước ép đủ vị.
Cải xoăn là một nguồn tuyệt vời, cung cấp các chất dinh dưỡng quan trọng, bao gồm vitamin A, C và K. Cải xoăn sống cũng đặc biệt giàu chất chống oxy hóa, bao gồm cả beta-carotene. Mà chất chống oxy hóa có thể trung hòa các phân tử có hại được gọi là gốc tự do, giúp bảo vệ chống lại các tình trạng như bệnh tim.
Trên thực tế, uống nước ép cải xoăn đã được chứng minh là làm giảm các yếu tố nguy cơ bệnh tim, bao gồm cả cholesterol LDL (có hại).
Một nghiên cứu ở 32 người đàn ông có mức cholesterol cao (1), kết quả cho thấy rằng uống 150ml nước ép cải xoăn mỗi ngày trong 3 tháng làm giảm 10% cholesterol LDL (có hại) và tăng 27% cholesterol HDL (có lợi) bảo vệ tim.
1.2. Cà rốt
Cà rốt có hương vị hơi ngọt và thành phần dinh dưỡng phong phú,đa dạng nên loại củ này là một lựa chọn hoàn hảo để làm ép nước.
Cà rốt chứa ít calo và giàu vitamin A, biotin và kali. Đặc biệt, cà rốt chứa nhiều carotenoid, là sắc tố thực vật hoạt động như chất chống oxy hóa mạnh mẽ trong cơ thể bạn.
|
|
Nước ép cà rốt có tác dụng chống oxy hóa mạnh mẽ (Ảnh: Internet) |
Các nghiên cứu cho thấy rằng (2), ăn một chế độ ăn giàu carotenoid có thể làm giảm nguy cơ mắc các bệnh thoái hóa mắt, bệnh tim và một số loại ung thư, bao gồm cả tuyến tiền liệt.
Vị ngọt của nước ép cà rốt kết hợp tốt với các loại rau và trái cây khác như trái cây họ cam quýt, gừng và củ cải đường.
1.3. Củ cải đường
Củ cải đường bổ sung nhiều lợi ích cho sức khỏe, chứa nhiều mangan, kali và folate. Loại củ này cũng chứa nhiều nitrat, một loại hợp chất thực vật tự nhiên có tác dụng mạnh đối với sức khỏe.
Trên thực tế, các nghiên cứu cho thấy (3) nước ép củ cải đường giàu nitrat có thể cải thiện huyết áp, cũng như hoạt động thể thao và trí óc.
|
|
Củ cải đường bổ sung nhiều lợi ích cho sức khỏe, chứa nhiều mangan, kali và folate (Ảnh: internet) |
Không chỉ củ cải đường mới có thể làm nước ép mà cả phần lá xanh của loại rau này rất giàu dinh dưỡng và cũng có thể được làm nước ép.
1.4. Cải bắp
Bắp cải thường không được sử dụng nhiều để làm nước ép, tuy nhiên có thể lựa chọn để kết hợp với các loại trái cây.Bắp cải chứa nhiều vitamin K và C, cùng với các vi chất dinh dưỡng khác như folate, mangan và vitamin B6.
Các nghiên cứu chỉ ra rằng (4), ăn nhiều rau họ cải có liên quan đến việc giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, bệnh tim và viêm.
1.5. Rau bina
Rau bina là một loại rau lá xanh mang lại hương vị nhẹ nhàng, tươi mát cho sinh tố và nước trái cây. Loại rau này chứa nhiều vitamin A và C và cung cấp một lượng lớn chất chống oxy hóa như quercetin, kaempferol và lutein. Rau bina cũng rất giàu nitrat, có lợi cho sức khỏe tim mạch.
|
|
Nước ép rau bina có hoạt tính kháng axit (Ảnh: Internet) |
Một số nghiên cứu cho thấy nước ép rau bina có hoạt tính kháng axit đáng kể, nên đây là thực phẩm tốt cho những người bị trào ngược axit.
1.6. Bông cải xanh
Bông cải xanh là một loại rau họ cải có nhiều lợi ích đối với sức khỏe, chứa các vi chất dinh dưỡng quan trọng, chẳng hạn như kali và vitamin A, B6 và C.
Loại rau này cũng chứa kaempferol, một hợp chất mạnh mẽ đã được chứng minh là vô hiệu hóa các gốc tự do gây bệnh, giảm viêm và giảm sự phát triển của tế bào ung thư trong các nghiên cứu trong ống nghiệm.
Cách làm nước ép bông cải xanh rất đơn giản, cho đầu và thân bông cải xanh vào máy ép, kết hợp thêm với táo, củ dền, dưa chuột, …
1.7. Mùi tây (Ngò tây)
Mùi tây thường được dùng để tăng thêm mùi hương cho các loại thực phẩm. Tuy nhiên, loại rau này dùng làm nước ép không những ngon mà còn giàu dưỡng chất.
|
|
Ngò tây tươi đặc biệt giàu vitamin A, K và C tốt cho sức khoẻ (Ảnh: Internet) |
Ngò tây tươi đặc biệt giàu vitamin A, K và C, tất cả đều có nhiều lợi ích đối với sức khỏe. Trong một nghiên cứu, cho chuột uống chiết xuất mùi tây, kết quả thấy rằng, mùi tây giúp giảm đáng kể lượng đường trong máu và cải thiện mức độ chống oxy hóa trong máu so với nhóm đối chứng.
1.8. Dưa chuột
Trong các loại nước ép, dưa chuột được sử dụng phổ biến, có thể kết hợp được với nhiều loại trái cây như dưa hấu, dâu tây, cam, …
Dưa chuột có hàm lượng nước cao, trở thành một nguồn bổ sung nước tuyệt vời cho cơ thể. Dưa chuột cũng chứa ít calo nhưng lại có nhiều kali, mangan và vitamin K và C nên rất tốt cho người đang trong quá trình giảm cân.
Vì trong dưa chuột có lượng nước cao nên rất tốt đối với sức khỏe tiêu hóa, chức năng thận, quản lý cân nặng và hoạt động thể chất.
Ngoài ra, nghiên cứu trong ống nghiệm (6) cho thấy chiết xuất dưa chuột có thể giúp giảm viêm trong tế bào da, rất phù hợp để dưỡng da trong mùa hè.
1.9. Cải cầu vồng
Cải cầu vồng là một loại rau lá xanh chứa nhiều vitamin và khoáng chất quan trọng, chứa nhiều vitamin A và C, là những chất dinh dưỡng quan trọng, có vai trò gấp đôi chất chống oxy hóa để giúp chống lại tổn thương tế bào trong cơ thể.
Một số nghiên cứu trên động vật cho thấy rằng (7) củ cải cầu vồng có lợi cho những người bị bệnh tiểu đường.
|
|
Có thể kết hợp cài cầu vồng với táo dứa để tăng hương vị (Ảnh: Internet) |
Khi làm nước ép, bạn có thể lựa chọn bất kỳ loại trái cây nào. Nhưng để đảm bảo hương vị dễ uống, các bạn nên chọn táo, dứa, …
1.10. Cỏ lúa mì
Cỏ lúa mì là một loại cỏ ăn được, thường được coi là một trong những loại rau phổ biến nhất để làm nước ép. Cỏ lúa mì giàu chất dinh dưỡng và cung cấp một lượng đáng kể sắt, phốt pho, magiê và đồng, cùng với 17 axit amin khác nhau - các khối cấu tạo của protein.
Đặc biệt, cỏ lúa mì cũng chứa chất diệp lục, một sắc tố thực vật tự nhiên có đặc tính chống viêm và chống ung thư mạnh.
Khi dùng loại thực phẩm này làm nước ép, các bạn có thể kết hợp với cam, dứa, việt quất. Tuy nhiên, những người dị ứng với chất gluten không nên sử dụng loại cỏ này.
1.11. Cần tây
Cần tây cũng là một loại rau thường được sử dụng trong để làm nước ép, đặc biệt đối với những người đang giảm cân.
Ngoài hàm lượng nước cao, cần tây chứa một lượng lớn vitamin A, K và C, cũng như các chất chống oxy hóa như kaempferol, axit caffeic và acid ferulic.
|
|
Nước ép cần tây rất tốt đối với người giảm cân (Ảnh: Internet) |
Theo một số nghiên cứu, cần tây có tác dụng cải thiện sức khỏe tim mạch bằng cách giảm huyết áp, chất béo trung tính và mức cholesterol, có đặc tính chống viêm mạnh mẽ, có thể bảo vệ chống lại bệnh mãn tính.
Để tăng thêm hương vị cho nước ép cần tây, các bạn nên lựa chọn thêm kết hợp với nước chanh, táo, gừng, …
1.12. Cà chua
Không chỉ là thực phẩm để nấu ăn, cà chua cũng được sử dụng nhiều để làm nước ép. Cà chua không chỉ chứa ít calo mà còn chứa đầy các chất dinh dưỡng thiết yếu như vitamin C, kali và folate.
Đặc biệt, cà chua giàu lycopene, một hợp chất có liên quan đến việc giảm nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt, đau tim và đột quỵ.
Uống nước ép cà chua cũng đã được chứng minh là có tác dụng giảm viêm, tăng cường trao đổi chất và cải thiện khả năng sinh sản của nam giới.
Nước ép cà chua sẽ ngon hơn khi kết hợp với dứa, mía, táo, cam, … Hơn nữa, bạn có thể ép với cần tây, dưa chuột và mùi tây.
2. Uống nước ép mỗi ngày có tốt không?
Nước ép là thực phẩm bổ dưỡng, cung cấp nhiều dưỡng chất, tốt đối với sức khỏe. Tuy nhiên, nước ép chỉ tốt khi được chế biến nguyên chất, không thêm quá nhiều đường hay các phụ gia khác.
|
|
Nên bổ sung nước ép hàng ngày với lượng vừa đủ (Ảnh: Internet) |
Hơn nữa, uống với liều lượng vừa đủ mới phát huy tối đa tác dụng, cụ thể:
- Trẻ 1 – 3 tuổi: Dưới 100ml
- Trẻ 4 – 6 tuổi: 100 – 170ml
- Trẻ 7 tuổi trở lên và người lớn: Dưới 220ml
Có một nhược điểm của nước ép đó là làm giảm hàm lượng chất xơ của thực phẩm. Vì vậy, ngoài việc uống nước ép, các bạn có thể ăn thô một phần để bổ sung đầy đủ chất xơ cho cơ thể.
3. Uống nước ép vào thời gian nào là hợp lý nhất?
Để đảm bảo cơ thể hấp thu được hết chất dinh dưỡng từ các loại rau củ, trái cây, mọi người nên uống nước ép trước bữa ăn sáng 20 đến 30 phút.
Ngoài thời gian này, mọi người có thể sử dụng nước ép giữa các bữa ăn, trước hoặc sau các buổi tập thể dục. Riêng vào buổi tối, nên hạn chế uống nước ép sau 7 giờ.
Lưu ý, hoa quả, rau củ sau khi ép chỉ nên sử dụng trong vòng 2 giờ, nếu để trong tủ lạnh không nên để quá 24 giờ. Lúc này nước ép giảm chất dinh dưỡng, có nguy cơ bị vi khuẩn xâm nhập, có thể gây ngộ độc thực phẩm.
Có thể nói, các loại rau củ rất nhiều dưỡng chất và có thể làm thành nước ép với hương vị thơm ngon. Các bạn nên bổ sung các loại nước ép rau củ, trái cây thường xuyên để tăng cường sức khoẻ.
Nguồn tham khảo: The 12 Best Vegetables to Juice
Vân Anh