Những thói quen có hại âm thầm tàn phá sức khỏe sau có thể làm giảm tuổi thọ của bạn. Chỉ cần thay đổi lối sống, bạn có thể tăng thêm tháng năm sống và khỏe đẹp hơn trong cuộc đời của mình.
Sau đây là 13 thói quen không có lợi cho sức khỏe mà bạn nên thay đổi để sống thọ hơn:
1. Không khám sức khỏe định kỳ/Không đi khám bệnh
Không khám sàng lọc sức khỏe là một trong những điều nguy hiểm nhất với sức khỏe của bạn.
PGS.TS Darren P. Mareiniss - chuyên khoa cấp cứu Đại học Y Sidney Kimmel cho biết: "Việc không sàng lọc ung thư vú, ung thư ruột kết và ung thư tuyến tiền liệt có thể dẫn đến bỏ lỡ cơ hội điều trị thành công ung thư giai đoạn đầu, dẫn đến điều trị muộn và khó khăn hơn."
Đối với bệnh ung thư, khi điều trị sớm sẽ tăng khả năng chữa khỏi đồng thời điều trị ít xâm lấn và đỡ tốn kém hơn. Đây chỉ là một ví dụ, việc phát hiện sớm các dấu hiệu bệnh mạn tính như đau dạ dày, bệnh tim mạch, tăng huyết áp, tiểu đường,... sẽ giúp bạn phòng ngừa và ngăn chặn bệnh tiến triển.
Việc bệnh nhân không đi khám, không báo cáo các triệu chứng sẽ gây khó khăn trong chẩn đoán và điều trị bệnh, dẫn đến những kết quả xấu.
2. Lối sống ít vận động hoặc nguy cơ béo phì
Béo phì và lối sống lười vận động rất nguy hiểm cho sức khỏe của bạn. TS. Mareiness cho biết: "“Béo phì có nguy cơ dẫn đến bệnh cao huyết áp, tiểu đường type 2, bệnh động mạch vành, viêm khớp, ngưng thở khi ngủ và xơ vữa động mạch. Giảm cân có thể giảm thiểu đáng kể nguy cơ này và thực sự có thể đẩy lùi những căn bệnh này một cách hiệu quả."
Lối sống ít vận động góp phần gây ra béo phì và có thể dẫn đến tình trạng mất canxi tiếp tục ở tuổi già. "Các bài tập Isometric trong vật lý trị liệu có thể giúp người bệnh cải thiện sức mạnh của xương," ông nói thêm.
3. Giấc ngủ kém
Thiếu ngủ/mất ngủ vào ban đêm có thể dẫn đến buồn ngủ và thiếu tỉnh táo vào ban ngày, thậm chí dẫn đến tai nạn khi tham gia giao thông.
"Mất ngủ kinh niên có thể làm tăng nguy cơ đau tim, béo phì, tiểu đường và rối loạn nội tiết.", TS. Mareiness lý giải. Hơn nữa, chứng ngưng thở khi ngủ không được chẩn đoán có thể dẫn đến suy tim bên phải/tăng huyết áp phổi. "Bệnh nhân ngưng thở khi ngủ thường ngáy và có những cơn ngưng thở", ông nói.
4. Không chăm sóc răng miệng
Chăm sóc răng miệng luôn phải được ưu tiên. Theo TS. Mareiniss, chăm sóc răng miệng kém ngoài có thể ảnh hưởng về mặt thẩm mỹ còn gây hôi miệng và đau răng. Thậm chí ở một vài trường hợp, biến chứng răng miệng nghiêm trọng còn có thể dẫn tới nhiễm trùng đầu/cổ và nhiễm trùng toàn thân.
5. Không tuân thủ đơn thuốc của bác sĩ
Không tuân thủ đơn thuốc là một trong những điều nguy hiểm nhất đối với sức khỏe. TS. Mareiniss cho biết: "“Tùy thuộc vào từng loại bệnh và loại thuốc, việc không tuân thủ đơn thuốc điều trị có thể dẫn đến biến chứng nguy hiểm."
Ví dụ, việc không tuân thủ tiêm insulin hoặc uống thuốc hạ đường huyết ở bệnh nhân tiểu đường có thể dẫn đến biến chứng nhiễm toan ceton hoặc tình trạng tăng áp lực thẩm thấu do tăng đường huyết (HHS) đe dọa tính mạng.
Bệnh nhân suy tim có thể gặp phải tình trạng suy tim cấp nếu không dùng thuốc lợi tiểu. Bệnh nhân có tiền sử thuyên tắc phổi hoặc huyết khối tĩnh mạch sâu có thể bị thuyên tắc phổi đe dọa tính mạng nếu không tuân thủ điều trị chống đông máu. Bệnh nhân mắc rung nhĩ (bệnh tim mạch) có thể bị đột quỵ nếu không tuân thủ điều trị chống đông máu.
6. Không tuân theo chế độ ăn được bác sĩ khuyến nghị
Chế độ ăn của bạn cần phù hợp với thể trạng và tình trạng sức khỏe, đặc biệt đối với bệnh nhân mạn tính. Chế độ ăn giảm muối được khuyến nghị đối với người mắc bệnh tim mạch, tăng huyết áp. Đối với người mắc bệnh tiểu đường, cần hạn chế đường và giảm ăn tinh bột.
Đối với bệnh nhân suy tim, chế độ ăn nhiều muối có thể dẫn tới bệnh tiến triển nặng hơn, thậm chí dẫn tới nhập viện. Tương tự, đối với bệnh nhân đái tháo đường, không hạn chế lượng đường/carbonhydrate (tinh bột) có thể dẫn đến tăng đường huyết", TS. Mareiniss lý giải.
7. Không tiêm phòng
Vaccine đã giúp nhân loại thoát khỏi nhiều căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.
Trẻ em không tiêm các mũi vaccine cơ bản dễ có nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như sởi, bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm não Nhật Bản,..
Đặc biệt, tiêm phòng vaccine COVID-19 đã giúp cứu mạng hàng triệu người trên thế giới, bảo vệ bạn khỏi nguy cơ chuyển nặng, nhập viện và tử vong do COVID-19 cũng như khỏi các biến chứng hậu COVID-19.
8. Phơi nắng quá lâu mà không có biện pháp bảo vệ
Phơi nắng quá lâu dưới ánh nắng mặt trời gay gắt có thể khiến da bạn bị cháy nắng và tăng nguy cơ ung thư da.
9. Bỏ bữa sáng
Do cuộc sống bận rộn, nhiều người thường bỏ bữa sáng, hoặc do không thấy đói nên không ăn sáng. Điều này có thể gây hậu quả có hại về lâu dài.
"Theo nghiên cứu của Đại học Tim mạch Mỹ, bỏ ăn sáng làm tăng nguy cơ tiến triển bệnh tim mạch. Hiện tại, các bệnh lý về tim mạch là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở Mỹ." BS. Niket Sonpal chuyên khoa tiêu hóa ở New York cho biết.
Bỏ ăn sáng làm tăng nguy cơ bệnh tim mạch
"Bỏ ăn sáng có thể khiến bạn ăn uống vô độ, ăn quá nhiều vào các thời điểm khác trong ngày. Ăn quá nhiều có thể dẫn đến tăng huyết áp và tắc nghẽn động mạch", BS. Niket Sonpal nói: "Điều quan trọng là không chỉ ăn sáng mỗi ngày mà còn phải đảm bảo bữa sáng đủ chất dinh dưỡng."
10. Tập thể dục giữa nắng nóng
Tập thể dục giữa tiết trời nắng nóng như đổ lửa có thể dẫn tới say nắng, huấn luyện viên thể hình Jennifer Conroyd cảnh báo.
"Vào mùa hè, nhiều người thích tập thể dục ngoài trời để ngắm nhìn cảnh sắc thiên nhiên. Tuy nhiên, tập thể dục dưới nắng nóng gay gắt có thể gây ra những nguy cơ đối với sức khỏe như say nắng, sốc nhiệt".
Khi nhiệt độ bên trong cơ thể tăng lên, máu sẽ lưu thông tới các tế bào da nhiều hơn và cơ thể sẽ đổ mồ hôi. Lượng máu cung cấp cho các cơ bắp ít hơn, khiến nhịp tim của bạn tăng lên.
Say nắng có thể nguy hiểm nếu cơ thể không được hạ nhiệt tức thời. Khi tập thể dục trong thời tiết nóng bức, cần phải chú ý uống đủ nước, nghỉ giải lao và chú ý tới những thay đổi trong cơ thể bạn. Tốt nhất, vào mùa hè, nên chọn những khung giờ mát mẻ để tập luyện, chẳng hạn như vào lúc sáng sớm.
11. Ăn tối quá nhiều
"Tránh ăn nhiều vào bữa tối, đặc biệt tránh ăn khuya", TS. John Morton - trưởng khoa phẫu thuật giảm cân tại Yale Medicine, giảng viên bộ môn phẫu thuật tại Trường Y Yale ở New Haven (bang Connecticut, Mỹ) cho biết.
"Hãy ăn sáng như một nữ hoàng, ăn trưa như một công chúa và ăn tối như một chú chim sẻ", ông nói. Quá trình chuyển hóa chậm lại vào ban đêm, vì vậy ăn tối muộn và nhiều sẽ dễ tăng cân, béo phì, dẫn tới nguy cơ mắc các bệnh lý mạn tính.
12. Hút thuốc
Hút thuốc là điều tồi tệ nhất bạn đang làm với sức khỏe của chính mình. "Về cơ bản, hút thuốc không chỉ là nguy cơ đối với mọi loại bệnh ung thư mà còn làm tăng khả năng mắc bệnh động mạch vành, xơ vữa động mạch, tổn thương thận, tăng huyết áp và đột quỵ. Hút thuốc cũng chính là nguyên nhân trực tiếp gây ra bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, ung thư phổi và bệnh khí phế thũng.
Ngoài ra, hút thuốc còn gây hại cho cột sống. TS. Gbolahan Okubadejo - bác sĩ phẫu thuật cột sống và chỉnh hình tại New York cho biết: "Hút thuốc liên tục có thể làm giảm mật độ xương và làm tăng nguy cơ loãng xương".
Hút thuốc cũng làm gián đoạn lưu lượng máu, làm mất đi các chất dinh dưỡng cần thiết cho các mô cột sống, đặc biệt là oxy.
"Sự hiện diện của nicotin làm giảm khả năng tái tạo của các tế bào trong đĩa đệm cột sống", TS. Gbolahan Okubadejo nói.
Vì vậy, hãy nói không với thuốc lá. Đối với người nghiện thuốc lá, hãy cai thuốc lá càng sớm càng tốt.
Theo suckhoedoisong.vn