Để duy trì một cơ thể khỏe mạnh, phòng ngừa bệnh tật, các chuyên gia dinh dưỡng khuyên chúng ta cần có chế độ ăn uống đủ chất dinh dưỡng, cân bằng, đa dạng thực phẩm, ưu tiên các thực phẩm lành mạnh.
Chế độ ăn uống lành mạnh bao gồm các thực phẩm như: rau xanh và trái cây tươi, ngũ cốc nguyên hạt, chất béo lành mạnh… không chỉ tốt cho sức khỏe tổng thể mà còn có thể giúp hỗ trợ giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, đái tháo đường, ung thư…
Theo ThS. BSNT Nguyễn Xuân Tuấn, chuyên ngành Ung bướu, Giảng viên Đại học Y Dược - Đại học Quốc gia Hà Nội, thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật rất giàu vitamin, khoáng chất, chất xơ và các chất chống oxy hoá. Chất xơ trong thực phẩm thúc đẩy quá trình tiêu hoá, giúp tống chất phế thải ra khỏi cơ thể nhanh hơn, do đó giảm sự tồn tại của các chất độc trong cơ thể.
Chất xơ giúp nuôi dưỡng một cộng đồng vi sinh vật khỏe mạnh sống trong đường tiêu hóa. Một hệ vi sinh vật đường ruột khỏe mạnh giúp tăng cường miễn dịch và liên quan đến việc hỗ trợ giảm nguy cơ ung thư.
Chất chống oxy hóa giúp bảo vệ tế bào khỏi bị hư hại bởi các gốc tự do gây ra. Ăn các loại thực phẩm giàu chất chống oxy hóa có thể hỗ trợ giảm nguy cơ mắc một số loại bệnh như đái tháo đường, bệnh tim và ung thư.
Một số thực phẩm lành mạnh tốt cho sức khỏe
Dưới đây là một số loại thực phẩm lành mạnh nên dùng theo lời khuyên của bác sĩ Nguyễn Xuân Tuấn:
1. Rau súp lơ
Rau súp lơ được mệnh danh là "vua của các loại rau", vì hàm lượng chất dinh dưỡng trong nó vô cùng phong phú. Ăn rau này thường xuyên giúp tăng khả năng giải độc gan, nâng cao sức đề kháng. Ăn rau súp lơ thường xuyên cũng giúp thanh nhiệt, nhuận phổi.
2. Củ cải trắng
Củ cải trắng có rất nhiều chất dinh dưỡng, ăn sống hoặc ép nước uống đều rất tốt. Củ cải trắng giúp thanh nhiệt, nhuận phổi, tiêu viêm, chữa ho, giúp tiêu hóa tốt... Dùng củ cải trắng chế biến thành các món ăn vặt còn giúp hỗ trợ cai thuốc lá.
3. Tỏi
Tỏi chứa một chất hoạt tính được gọi là allicin. Chất này chống lại nhiễm trùng và giảm viêm phổi. Tỏi cũng có thuộc tính chống oxy hóa và giúp loại bỏ các gốc tự do ra khỏi toàn bộ cơ thể. Điều này giúp hỗ trợ dự phòng ung thư phổi. Tỏi cũng tốt cho bệnh nhân hen và những người bị bất cứ bệnh nhiễm trùng phổi nào.
4. Táo
Trong thành phần dinh dưỡng của táo, nhất là táo xanh có chứa nhiều chất xơ, ít calo giúp giảm cân và thanh lọc phổi. Ngoài ra, trong táo còn chứa chất flavonoid và nhiều loại vitamin, đặc biệt là vitamin C giúp duy trì hệ thống miễn dịch và hệ hô hấp khỏe mạnh.
5. Gừng
Loại gia vị này rất dễ kết hợp vào bữa ăn của bạn để thêm hương vị và tăng cường sức khỏe. Chức năng kháng viêm sẽ làm sạch những chất ô nhiễm còn sót lại trong phổi - nguyên nhân dẫn tới các vấn đề sức khỏe khác.
6. Nghệ
Loại gia vị này có những giá trị sức khỏe cho phổi tương tự như gừng. Nghệ có đặc tính kháng viêm, bổ sung thêm một lượng lớn curcumin giúp hỗ trợ phòng ngừa ung thư.
7. Rau họ cải
Theo các nhà khoa học thì các loại rau như bông cải xanh, mầm Brussels, cải xoăn và súp lơ có thể giúp hỗ trợ giảm nguy cơ ung thư phổi. Ngoài ra, trong rau họ cải giàu glucosinolate, các hợp chất thiên nhiên giúp ức chế sự phát triển của một số căn bệnh viêm đường hô hấp liên quan tới phổi.
8. Cà rốt
Trong cà rốt có vitamin A, vitamin C và các chất chống oxy hóa như lycopene, có thể cải thiện sức khỏe phổi.
Ăn cà rốt có thể cải thiện sức khỏe phổi.
9. Nấm trắng
Mỗi 100g nấm trắng sấy khô có chứa 5 - 6g protein, 0,6 - 3,1g chất béo, 79g carbohydrate, 2,6g chất xơ, 380mg canxi, 250mg photpho, 30mg sắt, cũng như nhiều các chất dinh dưỡng khác như vitamin B2 và các chất dinh dưỡng cần thiết khác giúp loại bỏ mệt mỏi trong cơ thể.
10. Diếp cá
Đối với những người thường xuyên hút thuốc lá, diếp cá là một loại thuốc quý. Nó có thể ngăn ngừa viêm họng mạn tính, viêm phế quản hoặc thậm chí là ung thư phổi. Vì vậy nếu bạn uống trà hoặc ăn rau diếp cá mỗi ngày sẽ có hiệu quả tốt trong việc giải độc phổi.
11. Quả la hán
Các thành phần chất dinh dưỡng của quả la hán đi vào trung tâm của phổi, để thải độc giúp giảm suy nhược phổi. Nó còn giúp ngăn ngừa ho khan, khó tiêu.
12. Cần tây
Giữ cân bằng các chất hóa học và điện giải như natri và magiê được cho là một trong những yếu tố quan trọng giải độc cơ thể. Cần tây là một nguồn giàu natri hữu cơ giúp loại bỏ carbon dioxide từ cơ thể tốt hơn. Do đó, cần tây có lợi cho người bị hen suyễn. Vì vậy, nên thêm nước ép cần tây tươi vào chế độ dinh dưỡng, vì nước ép cần tây chứa hàm lượng cao vitamin C giúp giảm viêm ở phổi.
Nước ép cần tây.
13. Trà
Trong lá trà xanh có chất catechin giúp hỗ trợ phòng tránh cholesterol trong máu. Với người hút thuốc lá, trong mạch máu dễ bị lắng đọng độc tố, trà xanh tốt cho sức khỏe của họ.
14. Các loại quả mọng
Các loại quả mọng chứa nhiều chất chống oxy hóa, flavnoid, carotenoids. Lutein và zeaxanthin là những chất chống oxy hóa chính có trong quả mọng. Chúng góp phần loại bỏ các mầm bệnh gây nhiễm trùng phổi và tốt cho người bệnh hen. Bạn có thể ăn các loại quả mọng sẫm màu như việt quất, mâm xôi, mâm xôi đen.
Theo suckhoedoisong.vn