Nữ chuyển giới biểu diễn văn nghệ trong lễ phát động chiến dịch


Ngày 12/12, Bộ Y tế phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USADI) và Cộng đồng người chuyển giới Việt Nam tổ chức Lễ khởi động Chiến dịch truyền thông thúc đẩy người chuyển giới nữ tiếp cận với dịch vụ HIV tại Việt Nam, với tên gọi “Hạnh phúc là mình. Tin yêu cuộc sống”.

Chiến dịch này là sáng kiến đầu tiên được thiết kế riêng cho người chuyển giới nữ ở Việt Nam, nhằm cung cấp thông tin truyền cảm hứng cho người chuyển giới nữ tìm kiếm các dịch vụ y tế, đào tạo nhân viên chăm sóc y tế để cung cấp các dịch vụ cho người chuyển giới.


Bà Mai Châu, Trưởng ban Điều hành mạng lưới Người chuyển giới Việt Nam, cho rằng, trên thế giới, người chuyển giới nữ đang phải đối mặt với sự kỳ thị và phân biệt dễ dẫn đến các nguy cơ gia tăng về HIV, bệnh lây truyền qua đường tình dục… 

Theo thống kê, trên thế giới có khoảng 19% người chuyển giới nữ sống chung với HIV (cao hơn 49 lần so với người bình thường). Tại Việt Nam, một nghiên cứu ở TPHCM vào năm 2015 đã phát hiện 18% người chuyển giới nữ tham gia nghiên cứu nhiễm HIV và mắc bệnh giang mai.

Năm 2015 Việt Nam đã thông quan luật cho phép người chuyển giới đăng ký nhận dạng giới tính khi họ lựa chọn và có hiệu lực vào tháng 1/2017. Tuy nhiên, trên thực tế, vẫn còn rất khó khăn cho những người chuyển giới có được giấy tờ tùy thân phản ánh nhân dạng giới tính đã lựa chọn. Điều này, đã ảnh hưởng nhiều đến khả năng tiếp cận dịch vụ của người chuyển giới. 


“Chiến dịch “Hạnh phúc là mình. Tin yêu cuộc sống” và biểu tượng cánh bướm đại diện cho sự chuyển mình mà cộng đồng người chuyển giới nữ đang trải qua. Đó là nền tảng để người chuyển giới nữ cất lên tiếng nói, chăm sóc cho bản thân để được công nhận là chính mình”, bà Châu nói.

Phát biểu tại buổi lễ, TS Hoàng Đình Cảnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho biết, chiến dịch “Hạnh phúc là mình. Tin yêu cuộc sống”, sẽ giúp truyền cảm hứng cho người chuyển giới nữ sống khỏe mạnh, hạnh phúc. Đồng thời, chủ động giải quyết vấn đề HIV trong nhóm những người có nguy cơ cao.


Như NGọc