leftcenterrightdel
Bệnh cúm A và viêm mũi họng có các triệu chứng tương đối giống nhau. Ảnh: Shutterstock 

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cúm A là bệnh truyền nhiễm ở đường hô hấp. Bệnh có tốc độ lây nhiễm cao do các chủng cúm phổ biến như cúm A/H1N1, cúm A/H3N2, cúm A/H5N1, cúm A/H7N9 gây ra.

Người lành có thể nhiễm virus cúm A nếu tiếp xúc với dịch tiết mũi, họng có chứa virus cúm của người bệnh khi hắt hơi, ho hoặc nói chuyện.

Viêm mũi họng cấp là bệnh viêm đường hô hấp, cụ thể là tại mũi và hầu họng, do sự tấn công của virus, vi khuẩn hoặc nấm. Hầu hết chúng ta đều bị viêm mũi họng cấp ít nhất một lần trong đời. Trẻ nhỏ và người già có sức đề kháng kém là những nhóm mắc bệnh thường xuyên hơn.

Theo PGS.TS Phạm Thị Bích Đào, Bộ môn Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, hai loại bệnh này có tiên lượng và phương thức xử trí khác nhau. Cảm lạnh hay viêm mũi họng cấp thường chỉ cần điều trị triệu chứng (sốt, đau, chảy mũi, ngạt mũi…) và có xu hướng khỏi mà không để lại biến chứng gì nếu không bị bội nhiễm.

Ngược lại, nếu nhiễm cúm A, bạn rất dễ bị viêm phổi và có thể nguy hiểm đến tính mạng. Theo một số nghiên cứu tại Mỹ, có thể có tới 35,5 triệu người mắc cúm mỗi năm và 34.000 người trong số đó không qua khỏi.

Với viêm mũi họng thông thường hay nhiễm lạnh, người bệnh có thể hạ sốt, giảm đau bằng Paracetamol hoặc Ibuprofen cách ít nhất mỗi 4 giờ. Bên cạnh đó, có thể chống ngạt mũi, chảy mũi bằng các thuốc co mạch, giảm sung huyết, sát khuẩn và săn khô niêm mạc mũi.

Đối với bệnh cúm A, các thuốc kháng virus chỉ nên dùng khi có chỉ định của bác sĩ. Các triệu chứng cúm A nhẹ có thể tự khỏi khi được nghỉ ngơi nhiều và uống đủ nước.

Đối với nhiễm cúm nặng, bác sĩ có thể kê đơn thuốc kháng virus: Zanamivir (Relenza), oseltamivir (Tamiflu)… Những loại thuốc này giúp ức chế neuraminidase, từ đó giảm khả năng lây lan của virus cúm từ tế bào này sang tế bào khác, ngăn chặn quá trình lây nhiễm.

Theo Znews