Các bác sĩ tiến hành mổ nội soi cho bệnh nhân.
Bệnh nhân là chị Trần Thị M. sinh năm 1984 ở Xuân Tảo, Bắc Từ Liêm (Hà Nội) đến bệnh viện Phụ Sản Hà Nội thăm khám vì thấy có hiện tượng ra máu âm đạo sau chuyển phôi 30 ngày. Sau khi thăm khám các bác sĩ khoa D5 bệnh viện Phụ Sản Hà Nội chẩn đoán: hình ảnh siêu âm không có túi thai trong buồng tử cung, nghi ngờ mang thai ổ bụng.
Xét nghiệm chỉ số beta HCG: 19.000 – 29.000 mIU/ml càng tăng thêm nghi ngờ của bác sĩ. Hình ảnh siêu âm và chụp MRI lần nữa cho thấy nhìn thấy vùng hố chậu phải cạnh động mạch chậu cách chỗ chia nhánh 35mm có túi thai kích thước 25x20mm bên trong có túi noãn hoàn.
Nhận thấy đây là ca chửa ngoài tử cung hiếm gặp, gặp rất nhiều rủi ro cho bệnh nhận trong phẫu thuật lấy thai. Sau hội chẩn, ban lãnh đạo bệnh viện đã chỉ đạo mời chuyên gia phẫu thuật tim mạch của bệnh viện Xanh Pôn tham gia ca mổ này.
Ê kíp mổ gồm có ThS.BS Nguyễn Văn Trường – phó khoa Phẫu thuật tim mạch bệnh viện Xanh Pôn, BSCKII Nguyễn Xuân Hải – phó khoa D5 bệnh viện Phụ Sản Hà Nội dưới sự chỉ đạo trực tiếp của BSCKII Đỗ Khắc Huỳnh – Phó giám đốc bệnh viện đã tiến hành ca mổ. Sau hơn 2 tiếng từ mổ nội soi chuyển sang mổ mở để tìm túi thai, ca phẫu thuật đã thành công.
Hiện bệnh nhân chuyển khu hậu phẫu theo dõi tiếp sau mổ.
Thai lạc chỗ hay còn gọi là thai ngoài tử cung là một trong những biến chứng rất nguy hiểm trong sản khoa. Bào thai ngày một lớn lên ở một vị trí không phù hợp, không đủ không gian và điều kiện phát triển nên có thể vỡ ra bất cứ lúc nào, gây nguy hiểm đến tính mạng thai phụ.
Nguyên nhân gây thai ngoài tử cung rất phức tạp như: do vòi trứng bị viêm nhiễm, chiếm đến 62% trong số những nguyên nhân; hoặc do khi mang thai người mẹ tiếp xúc với môi trường không tốt làm cho phôi thai phát triển bất thường; hoặc do tử cung có u nang, u xơ, tử cung bị teo dính cũng là một trong những nguyên nhân gây bệnh.
Theo các bác sĩ, những biểu hiện khi bị thai ngoài tử cung là: sản phụ bị rối loạn kinh nguyệt như trễ kinh, rong kinh; có biểu hiện đau bụng âm ỉ ở một bên vùng bụng dưới rốn; xuất huyết âm đạo; nhiều khi xuất huyết âm đạo có trong giai đoạn gần đến chu kỳ kinh nguyệt làm cho sản phụ dễ nhầm lẫn bị kinh nguyệt hoặc bị rong kinh.
Những vị trí thường gặp khi bị thai ngoài tử cung: trứng thụ tinh nằm ở vòi trứng chiếm hơn 90% vị trí chửa ngoài tử cung. Ngoài ra, thai nhi có thể nằm tại buồng trứng hoặc trong ổ bụng của người mẹ. Tùy vị trí làm tổ của trứng, tùy theo thời gian người mẹ phát hiện những bất thường mà có thể thấy các biểu hiện như khối u ở vòi trứng bị vỡ đột ngột, chảy máu dữ dội ở trong ổ bụng thì phải mổ ngay để cắt bỏ vòi trứng có chứa bào thai để cầm máu và cần truyền bù máu cho thai phụ. Trường hợp này nếu thai phụ không được cấp cứu kịp thời có thể tử vong do mất máu cấp.
Thai ngoài tử cung nguy hiểm nhất khi không được phát hiện đúng lúc và bị vỡ, gây xuất huyết. Ở nhiều trường hợp, tình trạng xuất huyết diễn ra bên trong nên bệnh nhân và người nhà không đánh giá được tình hình, nhập viện trễ dẫn đến tính mạng bị đe dọa.
Chính vì vậy, thai trong ổ bụng như trường hợp bệnh nhân M. là một dạng rất hiếm gặp của thai lạc chỗ, chiếm chưa đến 1% tất cả các trường hợp thai lạc chỗ và hơn thế nữa vị trí mang thai của sản phụ này lại nằm ở vùng hố chậu cạnh động mạch – một ca bệnh rất hiếm gặp và được các bác sĩ cấp cứu kịp thời là một điều kỳ diệu.
Theo Sức khỏe và đời sống