Nhịp tim không đều ở trẻ

Tình trạng nhịp tim không đều ở trẻ khỏe mạnh đã được ghi nhận sau khi hít thở trong môi trường ô nhiễm, theo một nghiên cứu mới đây tại Đại học Pennsylvania (Mỹ). Kết quả được công bố trên chuyên san JAHA của Hiệp hội Tim mạch Mỹ sau khi theo dõi 322 thiếu niên khỏe mạnh từ 6 - 12 tuổi trong vòng 7 năm.

2 nguy cơ sức khỏe liên quan đến ô nhiễm không khí - ảnh 1

Các nhà khoa học đã tìm ra mối liên hệ giữa ô nhiễm không khí và nguy cơ ung thư phổi

SHUTTERSTOCK

Trẻ tham gia nghiên cứu được phát máy theo dõi tim, bộ dụng cụ lấy mẫu không khí di động và mang theo trong 24 giờ. Máy theo dõi đã ghi nhận hai loại rối loạn nhịp tim: co bóp sớm của các buồng tim trên và sự co lại sớm của các khoang dưới hoặc tâm thất. Trong đó, sự co bóp tâm thất sớm có thể làm tăng nguy cơ bị đau tim, đột quỵ, suy tim và đột tử ở trẻ khi lớn lên. Cứ mỗi 10 microgram/m3 nồng độ bụi mịn PM 2.5 trong không khí tăng lên, nguy cơ co thắt tâm thất sớm cũng tăng thêm 5%.

Tiến sĩ Fan He, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết trên tờ Guardian rằng tình trạng nhịp tim bất thường đã được ghi nhận ngay cả khi nồng độ bụi mịn PM 2.5 ở mức 17 microgram/m3.

Nguy cơ mắc ung thư phổi

Ngày 10.9, tại hội nghị chuyên đề của Hiệp hội Ung thư y tế châu Âu diễn ra ở Pháp, nhóm các nhà khoa học tại Viện nghiên cứu Francis Crick (Anh) và các cộng sự đã tìm ra một cơ chế giải thích mối liên hệ giữa ô nhiễm không khí và nguy cơ gây ung thư phổi, điều mà trước đây đã ghi nhận nhưng chưa được chứng minh.

Phân tích dữ liệu của 463.679 người, kiểm tra trên các mẫu mô ở người và thí nghiệm trên chuột, các nhà nghiên cứu đã ghi nhận sự xuất hiện của các đột biến gien EGFR và KRAS. Đây là các đột biến gien được nhóm nghiên cứu nhận định là lý do khiến người không hút thuốc lá cũng bị ung thư phổi. Trong quá trình phân tích, nhóm nghiên cứu phát hiện mức độ gia tăng của các chất gây ô nhiễm không khí ở mức

PM 2.5 có liên quan đến sự gia tăng tổng nguy cơ ung thư phổi liên quan đến đột biến gien EGFR ở Anh, Hàn Quốc và Đài Loan.

“Nghiên cứu này cho thấy bụi mịn PM 2.5 trong không khí ô nhiễm có thể dẫn đến ung thư thông qua những đột biến đã được biết đến mà không hẳn là tạo ra những đột biến mới như suy nghĩ trước đây”, Richard Smith, Chủ tịch Liên minh Y tế về biến đổi khí hậu (Anh), nhận định trên chuyên san y khoa BMJ.

Tiến sĩ Fan He đưa ra lời khuyên: Hãy tiếp tục giữ thói quen đeo khẩu trang. Tránh các hoạt động ngoài trời vào những ngày ô nhiễm cao và trong giờ cao điểm, có thể giúp giảm sự tiếp xúc với ô nhiễm không khí và giảm thiểu các nguy cơ sức khỏe liên quan, theo Guardian.

Bụi mịn PM 2.5 là các hạt bụi có trong không khí với đường kính nhỏ hơn hoặc bằng 2,5 micromet. Khí thải xe cộ, quá trình đốt cháy của các nhà máy, xí nghiệp và công trình xây dựng là những nguồn chính của bụi mịn PM 2.5. Bụi mịn có thể đi sâu vào phổi, thậm chí là các mạch máu, và gây ra chứng viêm dẫn đến nhiều nguy cơ bệnh tật, theo Guardian

Theo Thanh niên