Khi mang thai, cơ thể mẹ bầu trải qua những thay đổi liên tục dẫn đến cảm giác khó chịu, đau nhức cơ thể và chóng mặt. Một trong những vấn đề phổ biến nhất mà mẹ bầu phải đối mặt là đau ngực.

Trong hầu hết các trường hợp, cơn đau ở vùng ngực thường không nghiêm trọng. Ngoài những thay đổi về cơ thể, thay đổi lối sống, cũng có thể gây đau ở ngực khi mang thai. Sau đây là những điều mẹ bầu cần biết về nguyên nhân và cách đối phó với 2 nguyên nhân đau ngực khó chịu này.

1. Nguyên nhân đau ngực khi mang thai

1.1. Khó thở

2 nguyên nhân chính gây đau ngực khi mang thai và cách đối phó - Ảnh 2.

Khó thở thường xảy ra trong giai đoạn đầu thai kỳ do lượng hormone tăng cao và nhiều nguyên nhân khác.

Mẹ bầu có thể cảm thấy khó thở bất cứ lúc nào trong thai kỳ, nhưng phổ biến hơn trong ba tháng đầu thai kỳ và không biết tại sao lại xuất hiện các triệu chứng như vậy. Sau đây là một số nguyên nhân bị khó thở khi mang thai.

Nội tiết tố: Hormone thai kỳ ảnh hưởng đến tim và phổi của mẹ bầu có thể dẫn đến những thay đổi trong hơi thở, cũng có thể mẹ bầu nhận thấy hoặc không.

  • Thai nhi đang phát triển: Khi thai nhi lớn lên trong bụng bắt đầu gây áp lực lên cơ hoành (cơ giúp thở), có thể chèn ép phổi khiến có ít không gian hơn để mở rộng, khiến việc hít thở sâu trở nên khó khăn hơn.
  • Mang thai bụng cao: Thai cao gần cơ hoành và phổi có thể gây khó thở nhiều hơn.
  • Tập thể dục: Nhiều mẹ bầu tập thể dục gắng sức có thể gây đau, chóng mặt và khó thở.
  • Song thai trở lên: Khi mang song thai hoặc nhiều hơn khiến thai chiếm nhiều diện tích trong bụng gây khó thở.
  • Cân nặng: Béo phì và tăng cân quá mức khi mang thai có thể dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe, bao gồm khó thở và các rối loạn hô hấp khác.

1.2. Đau xương sườn

Đau xương sườn là một triệu chứng phổ biến khác khi mang thai, đặc biệt là trong ba tháng cuối. Đau xương sườn và khó thở thường xảy ra cùng nhau vì cơn đau ở xương sườn có thể khiến mẹ bầu khó hít thở sâu và cảm thấy khó thở. Đau xương sườn khi mang thai thường là do:

  • Nội tiết tố: Các hormone thai kỳ, đặc biệt là progesterone và relaxin, có tác dụng nới lỏng và thư giãn các cơ và dây chằng trong cơ thể. Những thay đổi này giúp mẹ bầu vượt qua thời kỳ mang thai và sinh nở nhưng cũng có thể dẫn đến đau nhức xương sườn và các bộ phận khác trên cơ thể mẹ bầu.
  • Tử cung đang phát triển: Khi em bé lớn lên và tử cung kéo dài đến phần trên của bụng, khiến đè lên xương sườn.
  • Vị trí của em bé: Cơ thể của em bé có thể đang nằm theo cách gây áp lực lên xương sườn của mẹ, đặc biệt những mẹ bầu có cơ thể nhỏ nhắn, em bé lớn, thai cao hoặc em bé ngôi mông.
  • Em bé đạp: Trong 3 tháng cuối thai kỳ, chân và bàn chân của bé đã phát triển, khỏe mạnh và sẵn sàng đạp. Đôi khi những cú đá, đạp đó có thể khiến mẹ bầu bị đau xương sườn.
  • Tăng cân: Trọng lượng tăng thêm mà mẹ bầu đang mang, đặc biệt là ở ngực, có thể dẫn đến đau ở lưng, vai và lồng ngực.
  • Ợ nóng: Ợ nóng và khó tiêu có thể khiến mẹ bầu cảm thấy như bị đốt cháy ở sau cổ họng hoặc xuống ngực. Thậm chí có thể cảm thấy như đau ở ngực và xương sườn.

2. Đối phó với khó thở và đau xương sườn khi mang thai

2.1. Khó thở

2 nguyên nhân chính gây đau ngực khi mang thai và cách đối phó - Ảnh 5.

Hít thở sâu là một trong những bài tập đơn giản nhưng đem lại hiệu quả rất cao cho mẹ bầu khó thở.

Khi bị khó thở vì mang thai, mẹ bầu hơi khó chịu, nhưng hiếm khi nguy hiểm và không ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày, sẽ khó ngăn chặn khó thở khi bụng lớn dần trong 3 tháng cuối thai kỳ. Tuy nhiên, một vài cách sau sẽ giúp mẹ bầu vượt qua.

  • Thay đổi vị trí: Ngồi thẳng hoặc đứng lên để phổi có nhiều không gian hơn để mở rộng và hít vào nhiều không khí hơn.
  • Hãy chú ý đến tư thế: Tư thế tốt khi mang thai có thể giúp giảm khó thở và tăng sự thoải mái cả trong và sau khi mang thai.
  • Nằm ngủ nghiêng: Sử dụng gối hoặc nệm ngủ để nâng đỡ phần thân trên và giảm bớt áp lực lên phổi khi ngủ.
  • Bình tĩnh: Lo lắng hoặc căng thẳng có thể khiến mẹ bầu khó thở hơn.
  • Giữ nhịp thở chậm lại: Nếu mẹ bầu đang tập thể dục nặng hoặc đi bộ nhanh, hãy nghỉ ngơi để lấy lại nhịp thở.
  • Tạo thêm không gian để thở: Kéo cơ thể lên bằng cách giơ hai tay qua đầu để tạo thêm khoảng trống cho phổi nở ra và hít một hơi thật sâu.
  • Bài tập thở: Học và thực hành các bài tập và kỹ thuật thở sẽ giúp thở sâu, thư giãn và giảm đau khi sinh con.
  • Theo dõi cân nặng: Làm theo hướng dẫn của bác sĩ để giữ trọng lượng an toàn trong thai kỳ. Tăng cân quá nhiều có thể dẫn đến khó thở hơn, đặc biệt là khi di chuyển.

Một số cơn đau xương sườn có thể là hậu quả không thể tránh khỏi của việc thai nhi ấn vào hoặc đá vào xương sườn. Phương pháp điều trị đau xương sườn tùy thuộc vào nguyên nhân. Để chống lại cơn đau xương sườn khi mang thai, mẹ bầu nên:

  • Duy trì cân nặng khỏe mạnh theo hướng dẫn của bác sĩ.
  • Thực hành tư thế tốt.
  • Mặc quần áo thoải mái, rộng rãi.
  • Ăn thực phẩm lành mạnh để ngăn ngừa tăng cân, đầy hơi và chướng bụng, táo bón và sỏi mật, có thể dẫn đến đau.
  • Ổn định, tăng cường và kéo giãn các cơ và khớp bằng các bài tập an toàn trước khi sinh hoặc yoga khi mang thai.
  • Mặc áo ngực vừa vặn
  • Thử đeo đai hoặc băng quấn bụng khi mang thai để hỗ trợ bụng bầu.
  • Nếu ngồi ở bàn làm việc cả ngày, nên nghỉ giải lao, đứng dậy và di chuyển thường xuyên.
  • Thực hành các bài tập thở sâu.
  • Tắm vòi hoa sen hoặc bồn tắm nước ấm (không nóng).
  • Chườm ấm hoặc chườm đá lên vùng bị đau.
  • Sử dụng thêm gối để giúp mẹ bầu thoải mái trên giường.
  • Không sử dụng bất kỳ loại thuốc giảm đau nào mà chưa xin ý kiến bác sĩ.

ThS. BS Lê Quang Dương cho biết, khi đang mang thai, không có gì lạ khi thấy khó thở hơn bình thường hoặc cảm thấy đau nhức ở xương sườn. Những triệu chứng này có thể gây khó chịu và hầu hết những vấn đề này là bình thường và hiếm khi gây lo ngại. Tuy nhiên, mẹ bầu nên cho bác sĩ biết tất cả các triệu chứng ngay cả khi tin rằng đó chỉ là một phần của thai kỳ.

Vì vậy, khi mẹ bầu cảm thấy không đỡ đau ngực mặc dù đã thử nhiều cách thì nên gọi cho bác sĩ hoặc đến bệnh viện nếu bị ho cùng với khó thở, tình trạng khó thở ngày càng nặng hơn, gặp khó khăn khi thở và nói chuyện, tim đập nhanh, cảm thấy chóng mặt hoặc ngất xỉu, bị sốt, xương sườn bị gãy hoặc bầm tím, nhiễm trùng đường tiết niệu…

Theo suckhoedoisong.vn