Báo cáo dựa trên dữ liệu của Quốc hội Nhật Bản, 24.993 người đã bị phẫu thuật triệt sản theo luật ưu sinh, trong giai đoạn từ năm 1948-1996.

Nạn nhân nhỏ tuổi nhất là một bé trai và bé gái 9 tuổi, lần lượt bị triệt sản vào đầu những năm 1960 và đầu những năm 1970.

Hình minh họa.
Trong số khoảng 25.000 nạn nhân bị ép triệt sản, có 2 trẻ 9 tuổi - Ảnh minh họa

Báo cáo vẫn chưa đề cập đến lý do và hoàn cảnh phía sau các ca phẫu thuật mà chỉ bổ sung thêm một số cơ sở đã thực hiện các ca phẫu thuật triệt sản.

Phát biểu tại một cuộc họp báo mới đây, Chánh văn phòng Nội các Hirokazu Matsuno nhấn mạnh rằng chính phủ "chân thành xin lỗi sâu sắc" về việc một số người đã phải chịu đựng nỗi đau lớn do bị cưỡng bức triệt sản theo luật ưu sinh. Đồng thời cho biết chính phủ sẽ nỗ lực hết sức để đảm bảo các cuộc thảo luận của Quốc hội diễn ra suôn sẻ và xem xét cách giải quyết vấn đề.

Báo cáo dựa trên cuộc điều tra của Quốc hội về tính thực tế của luật ưu sinh, có hiệu lực từ năm 1948-1996, cho biết triệt sản là điều kiện để được nhận vào một số cơ sở phúc lợi hoặc để kết hôn. 

Luật ưu sinh cho phép triệt sản những người thiểu năng trí tuệ, bệnh tâm thần hoặc rối loạn di truyền để ngăn chặn sự ra đời của những đứa con "thấp kém".

Đạo luật do các nhà lập pháp khởi xướng, cũng nhằm mục đích hạn chế sự gia tăng dân số trong bối cảnh thiếu lương thực ngay sau Thế chiến II.

Năm 2019, hơn 2 thập kỷ sau khi luật này được sửa đổi trong bối cảnh có nhiều lời kêu gọi rằng luật này mang tính phân biệt đối xử, Quốc hội đã ban hành luật trả khoản tiền bồi thường 3,2 triệu yên cho mỗi người bị cưỡng bức triệt sản.

Các nạn nhân trên khắp đất nước đã kiện chính quyền trung ương để được bồi thường nhiều hơn.

Theo phụ nữ TPHCM