leftcenterrightdel
 Theo một nghiên cứu mới, mỗi năm, các bác sĩ không nhận ra các tình trạng nghiêm trọng như đột quỵ và nhiễm trùng huyết ở hàng chục nghìn bệnh nhân. Ảnh:Freepi

New York Times cho biết nghiên cứu mới này vừa được Cơ quan nghiên cứu và đánh giá chất lượng chăm sóc sức khỏe Mỹ (AHRQ) công bố vào ngày 15/12.

Kết quả nghiên cứu cho thấy trong số 130 triệu lượt khám hàng năm tại các khoa cấp cứu ở bệnh viện của Mỹ thì có khoảng 7,4 triệu người bị chẩn đoán không chính xác. Hậu quả là khoảng 370.000 bệnh nhân phải đối mặt với nguy cơ bị tổn hại nghiêm trọng đến sức khỏe.

Vấn đề kéo dài nhiều năm

Khi thực hiện nghiên cứu trên, các chuyên gia ở Đại học Johns Hopkins đã phân tích dữ liệu của 2 thập kỷ để định lượng tỷ lệ lỗi chẩn đoán trong phòng cấp cứu và xác định các tình trạng nghiêm trọng mà bác sĩ có nhiều khả năng phạm sai lầm nhất.

Những lỗi chẩn đoán này tương đối hiếm gặp, tuy nhiên, chúng có thể xảy ra khi bệnh nhân có các triệu chứng không điển hình. Cụ thể, theo nghiên cứu, các bác sĩ sẽ không nghĩ ngay rằng một phụ nữ trẻ thở gấp là bị đau tim hay một người đau lưng có thể là bị áp xe cột sống.

Các bác sĩ cũng không xác định được những tình trạng y tế nghiêm trọng như đột quỵ, nhiễm trùng huyết và viêm phổi ở các bệnh nhân trong phòng cấp cứu.

"Đây là một vấn đề lớn và nghiên cứu này không phải để đổ lỗi cho các bác sĩ. Nó nhấn mạnh đến việc cần thiết phải xem xét kỹ hơn về nơi mắc lỗi chẩn đoán, công nghệ và hỗ trợ y tế để giúp các bác sĩ tránh được những sai sót này trong tương lai", tiến sĩ David E. Newman-Toker, nhà thần kinh học ở Đại học Johns Hopkins, Giám đốc trung tâm chẩn đoán xuất sắc của Viện Armstrong (một trong những tác giả của nghiên cứu), nói.

Thông qua quá trình nghiên cứu, các chuyên gia cũng phát hiện phụ nữ và người da màu là những đối tượng có nguy cơ bị chẩn đoán sai cao hơn khoảng 20-30%.

Bà Jennie Ward-Robinson, Giám đốc điều hành của Hiệp hội cải thiện chẩn đoán trong y học, không ngạc nhiên về con số này. Tuy nhiên, theo bà, các con số đang chỉ ra rằng bệnh viện phải nỗ lực cải thiện dịch vụ chăm sóc bệnh nhân nhiều hơn, đặc biệt là ở khâu đánh giá những bệnh nhân khác nhau trong phòng cấp cứu.

Tiến sĩ Robert Wachter - Chủ tịch y khoa tại Đại học California (San Francisco, Mỹ) - cho rằng các lỗi chẩn đoán là một vấn đề rất lớn. Ông nhận định số ca tử vong mà nghiên cứu đã cho thấy "là một con số rất đáng lo ngại" và những phát hiện của nghiên cứu đều cao hơn so với ước tính trước đây.

Hơn 20 năm trước, Học viện Y khoa Quốc gia (Mỹ) đã xác định sai sót y tế là một vấn đề nghiêm trọng, nhưng các nỗ lực nhằm cải thiện sự an toàn của bệnh nhân lại chỉ tập trung vào những sai sót "dễ xác định hơn" (như bệnh nhân dùng nhầm thuốc hoặc bị nhiễm trùng trong khi điều trị). Vì vậy, các bác sĩ nói rằng việc giải quyết lỗi chẩn đoán sẽ là một thách thức lớn.

leftcenterrightdel
 Các chuyên gia cho rằng việc chẩn đoán sai là vấn đề chung của tất cả bác sĩ. Ảnh:Faculty of Medicine

Không phải vấn đề của riêng phòng cấp cứu

Các chuyên gia nhận định chẩn đoán sai là vấn đề chung của tất cả bác sĩ, không phải là vấn đề riêng của các bác sĩ ở phòng cấp cứu - những người luôn bận rộn đối phó với tình trạng quá tải bệnh nhân và phải đưa ra các quyết định nhanh chóng.

Tiến sĩ Doug Salvador, Chủ tịch hội đồng quản trị của Hiệp hội cải thiện chẩn đoán trong y học, Giám đốc hệ thống y tế Baystate Health (Mỹ), cho rằng chẩn đoán là một việc rất khó.

Theo tiến sĩ Susan M. Peterson - bác sĩ y khoa cấp cứu của Đại học Johns Hopkins - một trong những tác giả của nghiên cứu trên, việc chú ý nhiều hơn đến các bác sĩ có xu hướng bỏ sót một số chẩn đoán quan trọng sẽ mang lại giá trị lớn.

Bà cho biết trong những năm gần đây, các bác sĩ đã phát hiện ra các cơn đau tim tốt hơn nhờ sự nỗ lực phối hợp giữa chiến dịch y tế công cộng, xét nghiệm chẩn đoán tốt và sự hợp tác giữa bác sĩ tim mạch với bác sĩ cấp cứu để giải quyết vấn đề.

Tuy nhiên, một số bác sĩ cảnh báo không phải chỉ cần làm thêm xét nghiệm là có thể chẩn đoán đúng. Các nhà nghiên cứu ở ĐH Johns Hopkins khẳng định cần phải nỗ lực nhiều hơn để tránh những sai sót dẫn đến chết người trong phòng cấp cứu. Những việc cần làm là xem xét quá trình đào tạo bác sĩ và loại công nghệ có thể cảnh báo bác sĩ về các khả năng chẩn đoán bị bỏ sót.

Tiến sĩ Newman-Toker cho biết đây là một nỗ lực đòi hỏi sự bền bỉ và cần nhiều nguồn lực, hỗ trợ lớn. Còn tiến sĩ Peterson nhận định: "Không đủ tiền để chi cho việc cải thiện chẩn đoán; tuy nhiên, có rất nhiều tiền để tập trung nghiên cứu điều trị bệnh".

Ngược lại, tiến sĩ Christopher S. Kang - Chủ tịch của Đại học bác sĩ cấp cứu Mỹ cho rằng việc cải thiện độ chính xác trong chẩn đoán ở phòng cấp cứu là hoàn toàn có thể. Những người hành nghề cấp cứu đều cam kết cải thiện việc chăm sóc và giảm lỗi chẩn đoán.

Tuy nhiên, theo ông Kang, nghiên cứu trên có thể đã làm sai lệch kết quả và khiến các nhà nghiên cứu đánh giá quá cao số lượng sai lầm trong chẩn đoán của bác sĩ ở phòng cấp cứu.

Lập luận của ông Kang là có cơ sở khi nghiên cứu chỉ thực hiện chủ yếu dựa vào các sự cố ở bên ngoài nước Mỹ (như Canada, Tây Ban Nha và Thụy Sĩ), để đưa ra ước tính chung về tỷ lệ sai sót và tổn hại. Một số quan chức của các tổ chức y tế Mỹ cũng đã chỉ trích kết luận của các nhà nghiên cứu.

"Bên cạnh việc đưa ra những kết luận gây hiểu lầm, không đầy đủ và sai lầm từ các tài liệu đã được xem xét; nghiên cứu này còn truyền tải một giọng điệu mô tả không chính xác và làm mất uy tín của việc cấp cứu tại Mỹ" - ông Kang nói.

Các tác giả của nghiên cứu trên thừa nhận họ cần thực hiện nhiều nghiên cứu hơn về các phòng cấp cứu ở Mỹ.

Theo zingnews