Bệnh tay chân miệng (thủ-túc-khấu) không được đề cập trong Đông y cổ đại. Tuy nhiên, căn cứ vào triệu chứng biểu hiện, tốc độ lây lan nhanh thành dịch, Đông y hiện đại đã xếp bệnh "tay-chân-miệng" vào phạm trù của khoa "ôn bệnh".
Từ đó vận dụng các phương pháp chữa ôn bệnh, để tiến hành chữa trị bệnh "tay-chân-miệng" trên lâm sàng.
Kinh nghiệm thực tế những năm gần đây cho thấy, sử dụng thuốc Nam, Đông dược để phòng ngừa và chữa trị bệnh "tay-chân-miệng" theo nguyên lý của "ôn bệnh học" có thể thu được kết quả rất khả quan.
Trên lâm sàng, Đông y thường căn cứ vào triệu chứng cụ thể để phân loại thể bệnh và sử dụng thuốc, bài thuốc thích hợp với từng người bệnh.
1. Bài thuốc trị tay- chân- miệng
1. 1 Thể thấp độc
- Triệu chứng: Miệng và chân tay xuất hiện những phỏng nước kích thước to nhỏ khác nhau. Các phỏng nước nhanh chóng vỡ ra thành vết loét, kèm theo sốt nhẹ, kém ăn, chất lưỡi đỏ nhạt, mạch phù sác.
- Phép trị: Thanh nhiệt giải độc, hoạt huyết, hóa thấp.
- Bài thuốc: Sinh thạch cao 32g, sơn chi tử 12g, sừng trâu 24g, trúc diệp 08g, sinh địa hoàng 12g, huyền sâm 16, cát cánh 08g, trúc diệp 08g, hoàng liên 08g, cam thảo 06g. Sắc uống 01 thang/ngày.
Vị thuốc sơn chi tử trị bệnh tay chân miệng thể thấp độc.
1.2 Thể thấp nhiệt
- Triệu chứng: Mặt, lưng hoặc xung quanh các móng ở ngón chân, ngón tay và gót chân, bàn chân, bàn tay xuất hiện nhiều nốt phỏng nước. Các phỏng này nhỏ như hạt gạo, to như hạt đậu, kèm theo miệng loét, hơi thở hôi, trướng bụng, kém ăn, phiền khát, đại tiện táo kết, tiểu tiện sèn đỏ hoặc tiểu đục, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng mỏng nhớt, mạch nhu sác.
- Phép trị: Thanh hóa thấp nhiệt, giải độc.
- Bài thuốc: Hoắc hương 20g, sơn chi tử (dành dành) 06g, sinh thạch cao 16g, kim ngân hoa 12g, kinh giới 08g, sinh cam thảo 06g. Sắc uống 01 thang/ngày.
Cây và vị thuốc hoắc hương kết hợp các vị thuốc khác trị bệnh tay chân miệng.
1.3. Thể tâm tỳ tích nhiệt
- Triệu chứng: Trong khoang miệng và vòm khẩu cái có nhiều mụn nước, da quanh mụn ửng đỏ, đầu các ngón chân, ngón tay cũng xuất hiện nhiều mụn nước hoặc vết loét kèm theo miệng khô khát nước, tiểu tiện sẻn đỏ, lưỡi ít rêu hoặc rêu lưỡi mỏng, mạch tế sác.
- Phép trị: Thanh tả tâm tỳ, lợi niệu, giải độc.
- Bài thuốc: Sinh địa 12g, trúc diệp 16g, mộc thông 04g, xa tiền tử 08g, đăng tâm thảo 04g, liên tử tâm 04g. Sắc uống 01 thang/ngày.
2. Phòng ngừa và chăm sóc người mắc tay chân miệng
Bản thân người chăm sóc trực tiếp trẻ mắc bệnh tay chân miệng phải thường xuyên rửa tay bằng xà phòng dưới vòi nước chảy, nhất là trước và sau khi nấu ăn, sau khi đi tiêu và sau mỗi lần thay tã cho trẻ.
Vệ sinh sạch các dụng cụ, vật dụng, đồ chơi của trẻ có thể nhiễm virus bằng nước và xà phòng, rồi khử trùng bằng chloramin B 5%.
Hạn chế tối đa tiếp xúc trực tiếp như hôn, sử dụng chung các dụng cụ với trẻ bị bệnh hoặc người bệnh và áp dụng một số biện pháp hạn chế bệnh lây truyền theo đường phân, miệng khác như ăn chín, uống chín.
Hãy cách ly trẻ mắc tay chân miệng trong vài ngày đầu mắc bệnh cũng có thể làm giảm đáng kể khả năng lây nhiễm.
Lưu ý: "Tay-chân-miệng" là căn bệnh diễn biến phức tạp. Có thể sử dụng thuốc Đông y, thuốc nam để chữa, nhưng nên tiến hành dưới sự hướng dẫn, giám sát của các thầy thuốc tại các cơ sở khám chữa bệnh y học cổ truyền.
Theo suckhoedoisong.vn