3 bất ổn sức khỏe khiến cơ thể đột nhiên tăng cân
Cập nhật lúc 23:57, Chủ nhật, 15/09/2024 (GMT+7)
Thỉnh thoảng tăng cân hay giảm vài kg là điều hết sức bình thường. Nhưng nếu cơ thể tăng lên nhiều kg một cách đột ngột mà không rõ nguyên nhân, thì có thể là do những bất ổn sức khỏe tiềm ẩn.
Tăng cân thường là do chế độ ăn uống không lành mạnh, chẳng hạn ăn nhiều món đường bột, uống nhiều rượu bia và lối sống ít vận động gây ra. Tuy nhiên, có những trường hợp dù ăn uống điều độ, có tập luyện nhưng vẫn bị tăng cân. Nguyên nhân là do một số vấn đề sức khỏe tiềm ẩn, theo chuyên trang sức khỏe Healthline (Mỹ).
Những nguyên nhân phổ biến khiến tăng cân không rõ nguyên nhân mà mọi người không được chủ quan gồm:
Mất cân bằng hoóc môn
Hoóc môn đóng vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh cân nặng cơ thể. Những vấn đề sức khỏe ảnh hưởng đến cân bằng hoóc môn của cơ thể, chẳng hạn như suy giáp, có thể dẫn đến tăng cân. Suy giáp không được điều trị sẽ làm chậm quá trình đốt calo của cơ thể. Hệ quả là khiến người bệnh bị tăng cân dù chế độ ăn uống, tập luyện không có gì thay đổi.
Tương tự, hội chứng buồng trứng đa nang, một loại rối loạn nội tiết tố hay gặp ở phụ nữ, có thể gây kháng insulin và tăng cân. Một nghiên cứu công bố trên chuyên san The Journal of Clinical Endocrinology & Metabolism cho thấy mất cân bằng hoóc môn do hội chứng buồng trứng đa nang có thể phá vỡ các trình trao đổi chất, dẫn đến tăng tích tụ mỡ.
Tác dụng phụ của thuốc
Một số loại thuốc có thể góp phần gây tăng cân. Thuốc chống trầm cảm, thuốc chống loạn thần và corticosteroid có tác dụng phụ là tăng cảm giác thèm ăn, từ đó dẫn đến tăng cân.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí The Lancet Psychiatry phát hiện các loại thuốc chống loạn thần như olanzapine và clozapine đặc biệt dễ gây tăng cân hơn các loại thuốc khác. Nếu người uống nghi ngờ tình trạng tăng cân của mình là do tác dụng phụ của thuốc thì hãy trao đổi với bác sĩ.
Rối loạn giấc ngủ
Ngủ không đủ giấc hoặc chất lượng giấc ngủ kém có thể phá vỡ sự cân bằng hoóc môn và làm tăng cảm giác thèm ăn, từ đó gây tăng cân. Các loại hoóc môn bị ảnh hưởng là leptin và ghrelin, vốn có chức năng điều chỉnh cơn đói và cảm giác no.
Ngoài ra, các tình trạng như ngưng thở khi ngủ và mất ngủ cũng góp phần gây tăng cân do tác động làm chậm quá trình trao đổi chất của cơ thể, khiến lượng calo tiêu hao mỗi ngày giảm đi, theo Healthline.
Theo Thanh niên