Biến chứng nặng khi mắc trĩ do ngại đi khám
Các bác sĩ Bệnh viện Bình Dân TPHCM vừa tiếp nhận một phụ nữ 50 tuổi không thể ngồi vì búi trĩ sưng to, phải đứng lom khom sau thời gian dài ngại đến bệnh viện khám. Đặc biệt búi trĩ của bệnh nhân sa ra ngoài, to như bông cải, đã bị tắc mạch một phần, sẽ có nguy cơ hoại tử nếu không mổ xử lý kịp thời.
Theo lời kể thì bệnh nhân đã mắc trĩ từ lâu, tình trạng táo bón xảy ra thường xuyên, thường đi đại tiện ra máu. Thỉnh thoảng trĩ sa ra ngoài, bà dùng tay đẩy trở lại. "Bất tiện nhưng tôi vẫn chịu đựng được nên ngại đi khám", bệnh nhân nói.
Sau mổ cắt trĩ, bệnh nhân được bác sĩ khuyên điều chỉnh chế độ ăn uống, sinh hoạt để tránh nguy cơ tái phát. Nếu bệnh nhân điều trị ở giai đoạn sớm thì chỉ cần dùng thuốc, thay đổi lối sống, không phải mổ.
Theo các bác sĩ ghi nhận thực tế tại Bệnh viện Bình Dân có khoảng 3/4 số người bệnh đến khám khi trĩ đã diễn biến nặng, búi trĩ sa ra ngoài không thu vào được, phải dùng tay đẩy vào hậu môn (độ 3) hoặc búi trĩ sa hẳn ra ngoài (độ 4), nhiều trường hợp bị nhiễm trùng.
Bệnh trĩ cần điều trị sớm
Bệnh trĩ là một bệnh lý liên quan đến biến đổi cấu trúc bình thường của ống hậu môn. Đây là một bệnh có tỉ lệ cao trong cộng đồng, gây nhiều khó chịu, phiền toái, ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống, tâm lý, sinh hoạt, lao động và công tác của người bệnh.
Về cơ bản trĩ chủ yếu có 2 loại, bao gồm trĩ nội và trĩ ngoại. Trường hợp người bệnh có cả hai, thì gọi là trĩ hỗn hợp.
- Trĩ nội: Búi trĩ gọi là trĩ nội khi nằm bên trong hậu môn (trên đường lược).
- Trĩ ngoại: Búi trĩ gọi là trĩ ngoại khi nằm ngay dưới da bên ngoài hậu môn.
Đối với trĩ ngoại, không có phân độ nặng nhẹ.
Trĩ nội, hay phần nội của trĩ hỗn hợp được phân độ như sau:
- Độ 1: Búi trĩ nằm hoàn toàn trong ống hậu môn và chưa bị lòi ra ngoài.
- Độ 2: Búi trĩ lòi ra ngoài khi đi đại tiện, có thể tự chui vào sau đi tiêu.
- Độ 3: Búi trĩ lòi ra ngoài khi đi tiêu và cần phải dùng tay đẩy vào.
- Độ 4: Búi trĩ thường xuyên sa ra ngoài, ngay cả khi người bệnh không đi tiêu, như khi ngồi xổm, làm việc nặng hoặc đi lại nhiều. Lúc này trĩ gây nhiều khó khăn cho việc đại tiện và sinh hoạt.
Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh trĩ
- Có máu đỏ tươi trong phân, dính trên giấy vệ sinh hoặc trong bồn cầu.
- Khối sưng đau sa ra ngoài hậu môn.
- Đau rát hậu môn.
- Ngứa hậu môn.
Những triệu chứng của bệnh trĩ có thể giống với một số bệnh lý khác như: ung thư trực tràng, ung thư ống hậu môn, nứt hậu môn. Điều quan trọng nhất là cần phải gặp các bác sĩ ngay khi có những triệu chứng trên.
Bệnh trĩ và những biến chứng thường gặp
Khá nhiều người khi bị trĩ chỉ đến bệnh viện khi có những biến chứng như mất máu do đại tiện ra máu tươi, sa trĩ tắc mạch, hoặc nhiễm khuẩn.
- Đại tiện có máu tươi: Chảy máu khi đi ngoài ở các mức độ khác nhau: Máu chảy thành tia, rỏ giọt, dính vào phân hay giấy vệ sinh. Chảy máu kéo dài gây ra tình trạng thiếu máu mạn tính đôi khi rất nặng. Táo bón và rượu bia là những yếu tố thuận lợi gây chảy máu trĩ.
- Trĩ tắc mạch, sa trĩ tắc mạch: Do sự hình thành đột ngột cục máu đông trong lòng mạch trĩ. Nguyên nhân và cơ chế của hiện tượng này đến nay vẫn chưa được biết rõ. Biểu hiện là những cơn đau dữ dội trong ống hậu môn hoặc vùng hậu môn. Khi búi tắc mạch này sa xuống, khó có thể đẩy trở lại vào lòng ống hậu môn, thường kèm theo viêm phù nề niêm mạch vùng hậu môn - trực tràng.
- Nhiễm khuẩn các búi trĩ là tình trạng viêm các hốc hậu môn, biểu hiện bằng các triệu chứng ngứa hay nóng rát hậu môn, rỉ ướt hậu môn. Khi thăm trực tràng bệnh nhân rất đau, cơ thắt hậu môn thít chặt, các hốc hậu môn đỏ rực phù nề. Có trường hợp nặng búi trĩ viêm loét, hoại tử.
Tình trạng này nếu như không được điều trị kịp thời, đúng phương pháp có thể gây biến chứng nhiễm khuẩn huyết, đe dọa tính mạng bệnh nhân. Nếu điều trị khỏi cũng gây tốn kém nhiều về tài chính và để lại nhiều ảnh hưởng về tâm lý cho người bệnh.
Lời khuyên thầy thuốc
Khi chưa có biến chứng, biểu hiện chính của bệnh trĩ là chảy máu ở hậu môn, cảm giác vướng, khó chịu ở lỗ hậu môn, thấy các búi trĩ lộ ra ở lỗ hậu môn tự nhiên hoặc khi đại tiện. Việc điều trị sớm sẽ mang lại nhiều lợi ích và hiệu quả.
Nếu bệnh nhẹ có thể khỏi chỉ bằng cách điều chỉnh chế độ ăn nhiều chất xơ (rau, củ, quả…) uống nhiều nước (2 - 3 lít/ngày). Loại bỏ các yếu tố gây tăng áp lực trong trực tràng (không rặn mạnh, không ngồi toilet lâu…) ngồi ngâm hậu môn vào chậu nước ấm khoảng 10 phút có thể giảm đau, sưng nề và giảm hiện tượng thòi búi trĩ ra ngoài.
Với những phương pháp trên thì hầu hết các triệu chứng của bệnh trĩ như đau phù nề sẽ giảm trong vòng 2 đến 7 ngày. Những khối trĩ ngoại tắc mạch có thể hết trong vòng 4 đến 6 tuần. Trong trường hợp khối trĩ tắc mạch đau nhiều liên tục, bác sĩ sẽ phải trích rạch lấy bỏ khối máu cục trong búi trĩ. Thủ thuật này thường được thực hiện tại phòng khám và được gây tê tại chỗ và bệnh nhân thường sẽ dễ chịu, đỡ đau hơn rất nhiều.
Nếu người bệnh có biến chứng đau, chảy máu, nhiễm trùng, thậm chí phải cấp cứu, bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật.
Trĩ ở giai đoạn hơi muộn, bệnh nhân có thể dùng các phương pháp phẫu thuật ít xâm lấn như phẫu thuật Longo hoặc tạo hình mô trĩ bằng laser. Trong đó, tạo hình mổ trĩ bằng laser có tỷ lệ hẹp hậu môn và tái phát sau phẫu thuật thấp hơn, lượng máu mất trong khi mổ ít hơn. Người bệnh có thể về nhà sau mổ một ngày, trở lại nhịp sinh hoạt bình thường sau 3 - 5 ngày.
Giai đoạn quá muộn, bác sĩ mổ mở theo phương pháp kinh điển, bệnh nhân chịu đau đớn kéo dài khoảng 6 - 8 tuần sau mổ, dễ chảy máu, nguy cơ biến chứng rất cao.
Vì vậy, khi có biểu hiện mắc bệnh trĩ cần tới cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị. Không tự điều trị có thể dẫn đến nguy hại cho sức khỏe.
Theo suckhoedoisong.vn